"... Sự tùy tiện trong công tác điều động cán bộ đã làm tổn thương đến cá nhân tôi, đây là sự trăn trở lớn nhất đối với tôi lúc này" – đơn từ chức chưa ráo mực (lần 2) của ông Đoàn Ngọc Hải viết.
Cuối cùng thì, “người hùng dẹp loạn vỉa hè” – nguyên Phó Chủ tịch quận 1 (TP.HCM) – ông Đoàn Ngọc Hải đã thêm một lần phải đặt bút viết đơn từ chức. Điều đáng nói, ông Hải từ chức chỉ vài tiếng sau khi nhận quyết định điều động vào sáng 4/6.
Ngẫm ra, người ta có nhiều lý do để từ chức, nhưng một khi phải từ chức thì chắc chắn đã ít nhiều bị tổn thương. Ông Đoàn Ngọc Hải tổn thương ra sao? Và dưới góc độ của người dân, chúng ta nhìn thấy gì trong câu chuyện từ chức của vị quan chức cấp quận này?
Cá nhân tôi thấy rằng, ngoại trừ sự nhiệt tình, quyết tâm đã được các cấp quản lý và nhân dân ghi nhận thì cũng còn khá nhiều điều đáng bàn ở phong cách lãnh đạo, thái độ hành xử của vị nguyên Phó Chủ tịch quận 1 TP Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, ông Hải khá xốc nổi trong 2 lần từ chức của mình.
Còn nhớ, hồi giữa tháng 2/2017, ông Hải bắt đầu gây được sự chú ý của dư luận với hình ảnh vị Phó Chủ tịch quận phụ trách mảng đô thị, liên tục xuống đường trực tiếp xử lý vi phạm trật tự vỉa hè.
Lúc đó ông khẳng định sẽ không có chuyện "bắt cóc bỏ đĩa" khi đòi lại vỉa hè và tuyên bố: “Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa".
Gần một năm sau, những nỗ lực của ông đã giúp cho trật tự vỉa hè của quận trung tâm có được sự chỉn chu hơn nhưng tình trạng tái chiếm vẫn tiếp diễn. Và ngày 8/1/2018 ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ gửi đơn xin từ chức. Khi đó truyền thông ca tụng ông như một người hùng nói được làm được và đẩy câu chuyện từ chức của ông lên thành điển hình về văn hóa từ chức của lãnh đạo.
Nhưng điều khôi hài là 4 tháng sau, ông rút đơn xin từ chức với lý do đã nhận được nhiều động viên, an ủi, kỳ vọng và sự thuyết phục của các cấp lãnh đạo. Ông đã suy nghĩ kỹ và mong muốn được tiếp tục cống hiến, sẵn sàng làm việc ở những nơi khó khăn, nguy hiểm… và nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được phân công.
Ấy thế mà lần này, khi nhận điều động sang làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV (SGC), trong buổi lễ nhận quyết định điều động, nom ông buồn như mất hồn, nhận quyết dịnh buổi sáng thì ông lập tức trả lại buổi chiều.
Thứ hai, ông Hải khá ồn ào khi thực thi công vụ và thiếu đi sự điềm đạm của một chính khách chuyên nghiệp.
Trong những lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè của mình, người ta thấy ông đi lại hùng dũng, nét mặt cau có, giơ tay chỉ đạo, theo sau là vô số nhà báo chực chờ những phát ngôn gây sốc hay những shot hình ảnh thật gay cấn nhằm tác động mạnh vào thị giác bạn đọc.
Khi ông chỉ đạo đập 2 bồn hoa của Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 1 xây lấn ra vỉa hè; đập bậc thềm của trụ ATM ngân hàng trước cổng trung tâm; lập biên bản, cẩu hai ô tô đậu trên vỉa hè trước cao ốc ở giao lộ Nguyễn Trãi - Nam Quốc Cang; phá dỡ các cầu phao bằng sắt để xe chạy lên vỉa hè..., khoan bàn chuyện đúng sai, chỉ biết cả xã hội bỗng chốc nháo nhào cả lên vì hiếu kỳ lẫn phấn khích.
Và trong 2 lần từ chức có phần xốc nổi của mình, bao giờ người ta cũng thấy dư luận được biết trước lãnh đạo có thẩm quyền. Khi báo chí và mạng xã hội đưa tin rần rần về vụ từ chức của ông Hải thì Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời trên báo Thanh Niên cho hay, vẫn chưa nhận được đơn từ chức của ông Hải nên không biết trong đơn nói gì.
Thứ ba, vẫn còn nhiều ý kiến về việc bản thân ông Đoàn Ngọc Hải cũng từng dính sai phạm và bị Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ nhắc nhở. Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 5/6, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM) xác nhận có kết luận của UBKT liên quan đến sai phạm của ông Hải và đã có công bố trong phạm vi quy định.
Khi ông Hải viết trong đơn từ chức: "Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có máu mặt” nên khiến bản thân phải nhận kết cục này, khiến người ta lại nghĩ về “nhiệm vụ bất khả thi” giành lại vỉa hè cho người đi bộ của ông Hải.
Nhiều người đã tin rằng lý do khiến ông Đoàn Ngọc Hải phải từ bỏ cuộc chiến giành lại vỉa hè bởi chuỗi hành động quá quyết liệt của ông đã làm tổn thương đến những người bám trụ vỉa hè để mưu sinh, làm tổn thương cái “quyền lực vỉa hè” được chống lưng bởi một thế lực ngầm mạnh như sức mạnh của “cối xay gió”.
Điều này không phải là không có cơ sở khi mà hồi đầu năm 2018 báo Người Lao Động đã phản ánh, hàng loạt phòng - ban - phường thuộc quận 1 đứng tên giấy phép 48 bãi giữ xe toàn ở những vị trí "vàng" của trung tâm thành phố trong thời gian rất dài. Nhiều bãi giữ xe trong số đó không có giấy phép hoặc hết phép từ lâu (tức là không phép) nhưng vẫn công khai hoạt động, thu tiền.
Trong khi đó, gần 700 hồ sơ xin đăng ký gia hạn, cấp mới thuê một phần vỉa hè của người dân nộp lên bị quận này "ngâm" trong tủ hồ sơ. Và chuyện này thì ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách mảng đô thị, hẳn phải biết rõ hơn ai hết.
Chính cơ quan công quyền cũng đứng tên giấy phép kinh doanh vỉa hè, rồi sau đó ra quân đi "giành" lại vỉa hè thì làm sao tránh khỏi chuyện đánh nhau với “cối xay gió”?
Đó là chưa kể, một văn bản cho thuê vỉa hè quận 1, TP Hồ Chí Minh cấp cho một quán cà phê có đóng dấu và chữ ký của ông Đoàn Ngọc Hải được xác minh là có thật, động thái này diễn ra hai tháng sau chiến dịch giải cứu vỉa hè đã gây tranh cãi xôn xao sau đó.
Vậy thì, ông Đoàn Ngọc Hải có cần thiết phải cảm thấy tổn thương?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.