img

Sự việc vận động không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 ở Thanh Hóa: Cần truy trách nhiệm đến cùng người ký văn bản mập mờ

Xuân Chinh - Mai Hằng

Khi dư luận đang dậy sóng vì thông tin có hàng nghìn người dân tại Thanh Hóa xin không nhận tiền hỗ trợ vì ảnh hưởng Covid-19, UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã ra công văn hủy nội dung đề nghị dân viết đơn không nhận tiền hỗ trợ. PV tạp chí Người Đưa Tin đã vào cuộc tìm hiểu thực tế và trao đổi với các ĐBQH để làm rõ vấn đề.

“Tự nguyện” hay bị ép buộc ký đơn?

Diến biến mới nhất liên quan đến sự việc này là trưởng thôn Hạnh Phúc và Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã trực tiếp tới nhà các hộ dân xin lỗi việc vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ Covid – 19 cùng việc đã soạn sẵn mẫu đơn cho người dân ký khiến dư luận dậy sóng trong những ngày qua.

Trước đó, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin, hàng nghìn người dân thuộc một số huyện, xã của tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt ký vào đơn “tự nguyện” không nhận hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Đáng lẽ đây một sự việc đáng mừng, đáng phải tuyên dương, ghi nhận, thậm chí phải khen thưởng cho những cán bộ địa phương làm tốt việc này. Tuy nhiên, điều bất thường là việc người dân đồng loạt ký đơn, mẫu đơn được soạn sẵn để cho dân ký tên ...

Sự việc bắt đầu khi trên mạng xã hội xuất hiện lá đơn tự nguyện xin không nhận hỗ trợ của Nhà nước vì dịch Covid – 19 của Lê Xuân Quang (SN 1976), trú tại thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân. Liên quan đến việc ký đơn, trao đổi với báo chí, ông Quang cho biết, việc mình ký đơn là hoàn toàn tự nguyện, không có chuyện bị “ép buộc” như dư luận đồn thổi.

img

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Lê Văn Bảo (SN 1955), trú tại thôn 4, xã Xuân Sinh cho biết, gia đình ông hiện là hộ cận nghèo (có 8 nhân khẩu) nên thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ Covid – 19. Một buổi tối đầu tháng 5/2020, gia đình ông và các hộ trong thôn được ban công tác mặt trận mời lên hội trường thôn để triển khai việc kê khai, chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước do dịch covid-19.

Bà Lê Thị Việt (vợ ông Bảo) cho biết, tại cuộc họp này, cán bộ thôn đã đặt vấn đề, vận động các hộ dân xin nhận bớt 1 nhân khẩu (PV - 750.000 đồng) để chung tay với người dân cả nước và Chính phủ. Thấy việc này là phù hợp nên bà Việt và một số người dân khác sau khi bàn bạc đã thống nhất ký vào đơn được chính quyền soạn sẵn.

Bà Lê Thị Hà (SN 1958, vợ ông Lê Đình Tuất), trú tại thôn 4, xã Xuân Sinh cho biết, tại cuộc họp triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ của Nhà nước, trưởng thôn 4 đã đặt vấn đề: “Nhà nước đang khó khăn, nhiều người đang túng hơn mình, xem ai tự nguyện rút một khẩu để Nhà nước hỗ trợ cho người khác không bằng mình”. Nghe hợp lý, bà Hà đã đã tự nguyện ký vào đơn tự nguyện đánh máy sẵn được cán bộ phát cho xin rút một nhân khẩu (chỉ nhận hỗ trợ 7 nhân khẩu).

Sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ ban hành văn bản sai

Câu chuyện ở xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân chưa lắng xuống thì lại xảy ra sự việc, ông Lê Công Ngân – Trưởng thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia “vận động” hàng chục hộ cận nghèo tại địa phương này ký vào đơn do ông này soạn sẵn từ chối nhận hỗ trợ của Chính phủ sau đại dịch Covid – 19.

Theo tìm hiểu của PV, thôn Hạnh Phúc có 391 hộ, 1.219 nhân khẩu, trong đó có 17 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Hộ nghèo và hộ cận nghèo là đối tượng được hỗ trợ của Nhà nước với mức hỗ trợ 750.000 đồng/ nhân khẩu.

Tuy nhiên, thay vì lập danh sách, phối hợp với chính quyền địa phương chi trả tiền theo quy định cho người dân thì ông Ngân lại đi “vận động” được hơn 20 hộ cận nghèo ký vào đơn từ chối nhận hỗ trợ. Do bị vận động, “tự nguyện” trong ép buộc nên sau khi ký đơn, nhưng hộ gia đình đã phản ánh tới các cơ quan chức năng.

img

Bà Nguyễn Thị Luyện, hộ cận nghèo ở thôn Hạnh Phúc cho biết, sau khi có thông tin việc các hộ nghèo, cận nghèo... được nhận hỗ trợ của Chính phủ do Covid – 19 ít ngày thì có đoàn của thôn Hạnh Phúc do ông Ngân dẫn đầu tới nhà vận động gia đình ký vào đơn “tự nguyện” từ chối nhận hỗ trợ.

Dù không muốn, nhưng do đang vay tiền ngân hàng chính sách xã hội để cho con cái theo học đại học, nếu làm “phật lòng” cán bộ thôi lỡ bị “cắt” khỏi hộ cận nghèo thì sẽ thiệt thòi nên bà Luyện đã miễn cưỡng đồng ý ký vào tờ đơn do trưởng thôn Hạnh Phúc đưa cho. Đây cũng là lý do chung mà các hộ cận nghèo ở thôn Hạnh Phúc phải “bất đắc dĩ” ký vào đơn tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ dù lòng mình rất muốn nhận.

Ông Lê Công Ngân – Trưởng thôn Hạnh Phúc thừa nhận có việc mình soạn sẵn mẫu đơn và vận động các hộ cận nghèo ký vào đơn tự nguyện từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước. Việc làm của ông Ngân là xuất phát từ chú ý cá nhân, với mục đích là để chia sẻ khó khăn với Chính phủ (!?) Sau khi công luận lên tiếng, ông Lê Công Ngân và ông Lê Đình Phương – Chủ tịch UBND xã Hải Ninh đã trực tiếp tới các gia đình ký đơn từ chối nhận hỗ trợ do bị vận động để xin lỗi họ.

Nguyên nhân xuất phát của sự việc này bắt đầu khi ngày 16/4, UBND huyện Tĩnh Gia có văn bản số 1113/UBND – LĐTBXH do ông Hồ Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ký gửi các xã, thị trên địa bàn. Tại mục 2 văn bản trên có đoạn: “Đối với hộ có tên trong danh sách nhưng không đủ điều kiện hưởng thì đề nghị gia đình làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước có xác nhận của ủy ban xã”. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: “Ngày 16/4, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội có tham mưu cho đồng chí Hồ Đình Tùng – Phó chủ tịch UBND huyện Phụ trách lĩnh vực ký văn bản 1113 gửi các xã, thị. Văn bản này là sai, đồng chí Tùng ký ban hành mà không báo cáo Chủ tịch huyện. Quá trình thực hiện có vướng mắc thì xã Hải Ninh cũng không báo cáo xin ý kiến huyện. Sau khi nắm bắt sự việc ở xã Hải Ninh thì Chủ tịch UBND huyện đã có văn bản hủy mục 2 của văn bản 1113 ban hành trước đó.

Huyện tiếp tục chỉ đạo xã Hải Ninh và các địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện việc lập hồ sơ, chi trả chế độ hỗ trợ Covid – 19 cho các đối tượng theo quy định của Nhà nước.

Huyện đã chỉ đạo xã Hải Ninh mời các hộ dân ký đơn từ chối do được vận động lên UBND huyện để giải thích, trao đổi cho người dân rõ. Nếu hộ nào tiếp tục giữ ý kiến từ chối nhận thì sẽ cho người dân tự viết đơn nộp cho chính quyền. Huyện Tĩnh Gia cũng đã chỉ đạo xã Hải Ninh nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm với sự việc này. Còn trách nhiệm của cán bộ huyện do tham mưu, ban hành văn bản 1113 thì huyện sẽ báo cáo xin ý kiến tỉnh và xử lý sau. Tinh thần là ưu tiên giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân để ổn định tình hình”.

Sự tự nguyện cần xuất phát từ tấm lòng, không nên có những gợi ý

Trước câu chuyện này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội) cho rằng: “Đầu tiên chúng ta phải đánh giá việc người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ là hành động rất nhân văn, tình nghĩa và là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cần khen ngợi những tấm lòng của người biết chia sẻ trong lúc khó khăn, “lá rách ít nhường là rách nhiều”...

Tuy nhiên, theo ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, tất cả những việc làm này phải xuất phát từ tấm lòng của chính người đó. Tấm lòng ấy thể hiện từ việc tự nguyện của người dân, không để có những gợi ý rồi mới thực hiện. Nếu quả thực người dân khó khăn thì có thể nhận, hoặc có thể nhận rồi nhường cho người nghèo khác, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, việc làm này cũng không sao. Hoặc nếu gia đình đó cảm thấy nên nhường, chia sẻ cho người khác, đó là tình cảm đặc biệt nhưng nên có một xác nhận, làm đơn đề nghị tôi xin nhường để chứng minh rằng đây không phải là ép buộc mà là tự nguyện.

img

Cùng chia sẻ với PV, nguyên ĐBQH Bùi Thị An nhận định: “Trước hết người dân cần hiểu gói hỗ trợ Covid – 19 đang thực hiện đúng tinh thần “không bỏ lại ai ở phía sau”, đặc biệt trong những lúc dịch bệnh người dân khó khăn. Trong quá trình thực hiện nếu người dân tự thấy rằng mình còn có khả năng hơn người khác nên đã tự nguyện, tôi xin nhấn mạnh rằng đây là tự nguyện nhường cho người khác thì rất hoan nghênh. Họ thấy rằng họ khó khăn nhưng không khó khăn bằng người khác”.

Nhắc đến việc vận động người dân ký đơn xin không nhận tiền hỗ trợ, nguyên ĐBQH Bùi Thị An nhấn mạnh, nếu như người dân không tự nguyện thì chính quyền không nên làm bất cứ hành động gì. Ở đây chúng ta cũng chưa có gì khẳng định để phê phán bất kỳ ai, nhưng qua sự việc này bản thân họ sẽ tự nhận thấy họ làm như vậy là sai. “Tôi muốn nhấn mạnh một điều, nếu những gia đình hoặc những đối tượng trong diện được hỗ trợ mà họ không tự nguyện thì không ai được phép làm trái và tác động tới họ, như thế là vi phạm luật”, nguyên ĐBQH Bùi Thị An nêu quan điểm.

Trao đổi với PV, luật sư La Văn Thái (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm: “Tôi cho rằng trong công văn này có dấu hiệu mập mờ và đây là trường hợp bất thường trong thời điểm hiện tại. Bởi, chủ trương, chính sách của Nhà nước là những người lao động nghèo khổ, bình thường đã thiếu ăn, giữa cơn đại dịch họ có nguy cơ đói hơn nên được liệt vào danh sách hỗ trợ. Chính phủ đã đã quyết liệt đưa ra gói hỗ trợ an sinh để phân bổ về địa phương, đến từng gia đình có hoàn cảnh được hưởng, trong khi đó huyện lại đưa ra công văn có dấu hiệu mập mờ để vận động người dân không nhận.

Vậy chúng ta cần làm rõ mục đích ban hành công văn để làm gì? Liệu có vấn đề nào phía sau không? Việc rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ chối nhận gói hỗ trợ đồng nghĩa với việc từ văn bản đó hậu quả đã xảy".

X.C - M.H

img