“Đại dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch chuyển dòng đầu tư, thương mại, bộc lộ ra những “lỗ hổng” về quản trị rủi ro, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhìn nhận lại tư duy quản trị theo hướng phát triển bền vững”.
Đây là phát biểu của ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) - tại một buổi đối thoại với báo chí diễn ra mới đây ở Hà Nội.
Du lịch là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 (ảnh minh họa)
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam do tổng cục Thống kê công bố hôm 10/7 cho hay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ là âm 4,9% trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo con số này là âm 5,2%, là mức suy giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD.
Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 6/2020 là 3.843 doanh nghiệp, tăng 24,7% so với tháng 5/2020 và tăng 77,4% so với tháng 4/2020. Trong 6 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 19.625 doanh nghiệp.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, một chuyên gia kinh tế nhận định: “Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp”.
Tại buổi tọa đàm “Đối thoại cùng báo chí: Phát triển bền vững - bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19” do VCCI tổ chức mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam - chia sẻ:
“Hiện nay, yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, hướng đến kinh tế tuần hoàn và sự phát triển bền vững. Nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu mỗi đôi giày xuất đi phải kèm theo CV, nói rõ đôi giày này sau khi sử dụng có thể tái chế thế nào, xử lý cacbon ra sao, rồi vấn đề sử dụng lao động… Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ không được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Dưới góc độ quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Trang - Trưởng phòng Dịch vụ Đảm bảo và Tư vấn rủi ro (công ty TNHH Deloitte Việt Nam) - cho biết: “Một số doanh nghiệp thành công nhờ thay đổi tư duy trong quản trị và điều hành, tiếp cận thị trường và khách hàng theo hướng tận dụng xu thế công nghệ, số hóa và thương mại điện tử. Họ cũng gắn liền mục tiêu kinh doanh với chiến lược phát triển bền vững, vì đó chính là đầu tư cho tương lai phát triển ổn định của doanh nghiệp”.
Để thấy bức tranh kinh tế thời Covid-19 không hẳn là hoàn toàn màu xám, PV Người Đưa Tin pháp luật gặp gỡ trao đổi với một số doanh nghiệp Việt vừa vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch.
Chia sẻ với PV, bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại cấp cao (công ty TNHH Nestle Việt Nam) (ảnh bên)- cho biết: Dịch Covid-19 như một phép thử đối với việc duy trì sự phát triển bền vững của Nestle. Tham gia cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững nhiều năm nay, bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (SCI) đã giúp Nestle tự soi lại mình để có biện pháp vượt qua thách thức.
“Khi dịch Covid-19 tác động ảnh hưởng tới hoạt động của công ty, dựa vào những đánh giá nội bộ, Nestle ngay lập tức đưa ra chiến lược vượt khó bằng việc tập trung vào các giải pháp đặt vấn đề nhân sự lên hàng đầu, rồi mới đến các vấn đề khác. Đảm bảo cho đội ngũ nhân lực khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh, dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng Nestle không cắt giảm nhân công, thậm chí còn tăng lương cho những người phải làm việc trong giai đoạn giãn cách xã hội” - bà Thương bày tỏ.
“Nền kinh tế đất nước sẽ không thể tăng trưởng bền vững nếu cộng đồng doanh nghiệp phát triển thiếu tính bền vững. Thông qua chương trình phát triển bền vững của VBCSD, đặc biệt là thời điểm chống dịch Covid-19 vừa qua tại Việt Nam, các doanh nghiệp đều hiểu rằng nhuần nhuyễn áp dụng chỉ số CSI vào quá trình kinh doanh sẽ tăng sự chống chịu cho doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh” .
(Ông Phạm Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD)
Ông Nguyễn Hải Thọ - Phó tổng Giám đốc tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) kiêm Giám đốc công ty Công nghệ cao Hà Nam (Hà Nam Hightech) - cũng cho PV biết, tuy không bị thiệt hại nhiều bằng các ngành khác, song Vinaseed cũng chịu ảnh hưởng nhất định.
“Tháng Hai, tháng Ba hằng năm là thời điểm để xuất khẩu hạt giống, nhưng vừa qua, ảnh hưởng dịch bệnh khiến sản lượng hạt giống xuất khẩu bị giảm. Hội nghị khách hàng của chúng tôi bị huỷ, đơn hàng cũng giảm theo” – ông Hải Thọ chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Thọ (người đứng) - Phó tổng Giám đốc Vinaseed, Giám đốc Hà Nam Hightech
Tuy nhiên, lãnh đạo Vinaseed cho hay, doanh nghiệp xác định mục tiêu hướng tới phát triển bền vững nên đã huy động nhân lực làm việc hết tốc lực, hạn chế việc đứt gãy chuỗi cung ứng, do vậy sản lượng và doanh thu không bị ảnh hưởng nhiều.
Được biết, hai hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) lớn mà Việt Nam vừa ký kết được là EVFTA và CPTPP được đánh giá là “hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do có một điểm khác biệt là có thêm một chương về phát triển bền vững, thể hiện ở hai lĩnh vực lao động và môi trường.
Theo đó, mọi doanh nghiệp muốn tham gia vào hai hiệp định này phải đạt yêu cầu về phát triển bền vững, nó đặt ra vấn đề doanh nghiệp ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh phải đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
M.M