img

Syria: Nơi người dân không chỉ có nỗi lo bom rơi đạn lạc

Bom vẫn rơi, đạn vẫn bay và bầu trời Syria vẫn không thôi bị xé toạc bởi những trận không kích, những đợt tấn công. Sự khốc liệt của chiến tranh tồn tại suốt 7 năm qua ở mảnh đất Trung Đông này dường như đã khiến cho người Syria phải quen với những nỗi đau và chấp nhận thực tế nghiệt ngã như một điều hiển nhiên vậy.

img

Hình ảnh cậu bé Omran Daqneesh được kéo ra khỏi đống đổ nát sau một vụ không kích ở Aleppo, Syria một đêm tháng 8/2016 mãi ám ảnh với người dân thế giới. Cậu bé ngồi trên chiếc ghế màu cam của xe cứu thương đưa tay lên khuôn mặt đang bê bết máu và bụi bặm, nhìn về xa xăm. Bé im lặng, thẫn thờ, mắt nhìn vô định. Dường như cảnh tàn khốc thực tại khiến cậu sốc đến mức không thể khóc, không còn biết đau hay hoảng sợ nữa.

img

Sự khốc liệt của chiến tranh dường như đã khiến cho người Syria phải quen với những nỗi đau. Đó là lý do khi những vụ nổ làm rung động Thủ đô Damascus hôm 14/4 khiến cả thế giới bàng hoàng thì một người dân sống ngay gần nơi chiến sự như anh Khalil Abu Hamza vẫn ngủ say và xem đó là chuyện không có gì đặc biệt. “Chúng tôi đã sống với chiến tranh trong 7 năm qua. Mọi chuyện vẫn như thường ngày. Chẳng còn gì có thể làm chúng tôi sợ hãi nữa”, lời chia sẻ mộc mạc của một người dân Syria này đã từng khiến bao người sống trong hoà bình phải thót lòng. Còn gì có thể nghiệt ngã hơn khi nỗi đau đã thành niềm quen?!

img

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Khi Abu Ahmad, một cư dân sinh sống ở thành phố Raqqa của Syria bước ra khỏi ngôi nhà của mình ở thành phố Raqqa sau một đêm kinh hoàng, dưới những đợt không kích ác liệt, người đàn ông phát hiện thi thể của một vài người hàng xóm nằm bên vệ đường.

"Vào sáng sớm khi tôi bước ra đường. Lạy Chúa, thật không thể tin được vào mắt mình. Chúng tôi không biết phải làm gì với những thi thể này. Chúng đã bị bỏ mặc. Và chúng tôi chỉ còn biết thông báo cho bệnh viện", Abu Ahmad chia sẻ.

img
img

Những cuộc không kích và pháo kích ở Raqqa luôn diễn ra bất ngờ. Vì lẽ đó nên người dân nơi đây không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi ở trong nhà. Dù đau đớn nhìn xác chết của người thân, hàng xóm nằm la liệt trên đường nhưng họ cũng không thể chôn cất do lo sợ bị máy bay và đạn pháo bắn trúng.

"Chúng tôi sợ tới mức không dám bước chân ra khỏi nhà. Thật kinh khủng. Chúng tôi như đang sống trong một bộ phim kinh dị", ánh mắt Abu Ahmad thấm đượm nỗi buồn khi chia sẻ với hãng tin Reuters về thực tế đáng sợ mà anh và bao người dân quê hương anh đang phải trải qua.

img

Một trong những tồi tệ nhất mà anh Abu Ahmad từng trải qua là chuyến đi lấy nước từ một chiếc giếng gần nhà vào tháng 6/2017. Khi đó anh gặp trúng cuộc không kích quy mô lớn.

Trận không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu đã tấn công đúng một hiệu bánh, phá hủy nhiều tòa nhà và phương tiện giao thông cũng như làm hơn 30 người thiệt mạng.

"Mọi người la hét tìm kiếm sự giúp đỡ trong bóng tối do nhiều ngôi nhà đã bị trúng bom và sụp đổ hoàn toàn. Hãy tưởng tượng, chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì. Các máy bay quân sự và rocket vẫn liên tiếp tấn công. Chúng tôi buộc phải để họ chết trong đống đổ nát", Abu Ahmad nhớ lại.

img

Thực tế cuộc sống của người Syria được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng dẫu vậy anh Abu Ahmad vẫn đề nghị phải giữ một phần danh tính khi trả lời phỏng vấn bởi nỗi lo bị các nhân vật tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trả thù. Những kẻ khủng bố sẵn sàng tử hình những ai bị cáo buộc làm gián điệp hay phản bội.

img

Abu Ahmad cho biết bố mẹ và con của anh cũng từng tính tới chuyện rời khỏi thành phố Raqqa. "Chúng tôi đã dự trữ thực phẩm. Trong hoàn cảnh cuộc chiến kéo dài hiện nay, ngay cả khi chưa có tới 1% hy vọng, chúng tôi cũng sẽ rời thành phố ngay lập tức", anh Abu Ahmad cho biết.

Không chỉ mang nỗi lo bom rơi đạn lạc, nhiều người dân còn đối mặt với nạn đói. “Trước chiến tranh chúng tôi sống thoải mái, là nông dân nên có đủ bánh mì, sữa, bột mì, sữa chua… Nhưng khi chiến tranh nổ ra, thành phố bị vây hãm, thực phẩm cạn sạch và trở nên vô cùng đắt đỏ. Chúng tôi cho bọn trẻ con ăn tất cả những gì có thể kiếm được, từ lá cây đến những quả hạt dại”, cô Roula, một người dân Syria chia sẻ.

Tạp chí News Week dẫn lời anh Rami, một người dân sống ở khu phố cổ tại Homs cho biết để chống đói, hầu như ngày nào anh cũng đi hái cỏ về ăn tạm. “Chả có gì để ăn cả. Ăn cỏ thì chịu không nổi. Ở đây mọi người đang chết đói”, anh Rami đau đớn nói.

img

Nỗi đau “không thể nói về ngày mai”

Khắp nơi trên đất nước Syria, từ Damacus cho tới Aleppo, Đông Ghouta đâu đâu cũng thấy tiếng súng, tiếng bom. 7 năm đã đi qua, chiến tranh đã biến Syria từ một đất nước xinh đẹp trở thành đống đổ nát.

img

7 năm nội chiến, với sự tàn độc của phiến quân IS và sự tang thương của bom đạn. Hàng trăm cuộc thảm sát, hàng chục cuộc tấn công hóa học tại Syria đã được ghi nhận với số thương vong lên đến gần nửa triệu người.

Và gần 1/3 người dân Syria đã phải di cư khỏi đất nước. Dù đã trải qua 7 năm nội chiến song cuộc xung đột tại Syria vẫn ngày một diễn biến phức tạp hơn. Phe đối lập Syria và lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad giờ đây không phải là các bên duy nhất tham chiến.

Nhiều quốc gia khác như Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel...cũng góp mặt vào chiến sự để theo đuổi lợi ích riêng của mình và biến Syria thành một “chảo lửa cháy hừng hực” tại Trung Đông.

Tuy nhiên, hai nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến ở Syria phải kể đến là Nga và Mỹ.

Là đồng minh chính của Tổng thống Bashar al-Assad và là một trong những nhà tài trợ cho Chính phủ Syria kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria theo đề nghị của ông al-Assad vào năm 2015, Nga đã đóng góp sức lớn trong việc đẩy lùi các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức IS ở quốc gia Trung Đông này. Thêm nữa, nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của lực lượng không quân Nga, quân đội của Tổng thống Assad đang giành chiến thắng lớn tại nhiều khu vực và từ đó củng cố quyền lực cho ông Assad. Đến thời điểm hiện tại, kế hoạch thay đổi chế độ ở Syria có thể coi là đã thất bại.

Việc Nga can dự vào chiến sự Syria góp phần làm ổn định tình hình trên chiến trường và giúp quân đội Syria chiếm thế thượng phong. Về phần mình, điều này cũng giúp Nga đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự tại Syria, gồm căn cứ không quân ở tỉnh Latakia và căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartus.

Thành quả Nga đạt được ở Syria cũng góp phần đưa Nga trở thành một nhân tố chính trong khu vực Trung Đông, hướng tới giảm dần sự ảnh hưởng của Mỹ khi tham dự vào cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này.

Với Mỹ, khi tham gia vào cuộc chiến ở Syria, Washington giữ vai trò là nước dẫn đầu liên minh quốc tế chống khủng bố, tấn công các cứ điểm của tổ chức IS tại Syria kể từ năm 2014. Nước này đã yểm trợ trên không và cung cấp vũ khí cho nhiều nhóm đối lập tại miền Bắc Syria.

Mỹ mong muốn loại bỏ tổ chức khủng bố IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria. Tuy nhiên, đây không chỉ là mục tiêu duy nhất của Washington khi tham gia chiến sự Syria. Theo giới phân tích, Mỹ còn muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực đồng thời tiếp tục khai phá nguồn tài nguyên của Syria để hưởng lợi về kinh tế, lật đổ chế độ của Tổng thống Syria al Assad để tạo ra một Chính phủ mới thân Mỹ.

img

Hơn thế nữa, Mỹ luôn nuôi hoài bão gia tăng cạnh tranh địa chính trị với Nga tại khu vực, từng bước xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Nga đối với các nước Trung Đông.

Những toan tính của các nước lớn trong cuộc chiến ở Syria đẩy diễn biến tình hình ở quốc gia này ngày càng phức tạp hơn. Và cuộc không kích do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành là bước leo thang tiếp theo trong bối cảnh Syria đang chia năm xẻ bảy, hứa hẹn cuộc nội chiến đến nay đã bước sang năm thứ 7 sẽ chưa thể đi đến hồi kết.

Diễn biến chiến trường Syria những tháng đầu năm 2018 không có lợi cho Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào miền Bắc Syria, tấn công lực lượng YPG, tổ chức vũ trang của người Kurd tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, do Mỹ hậu thuẫn. Ở miền Nam, quân đội Chính phủ Assad dưới sự yểm trợ của Nga liên tiếp đánh bại các nhóm nổi dậy, trong đó có một số nhóm do Mỹ hậu thuẫn, và hiện kiểm soát 55% lãnh thổ Syria.

Cục diện chiến trường Syria trong vài tháng qua như thể sẽ hạ màn trong tay Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Karim Bitar từ viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế Paris nhận định. Tuy nhiên, Nga không thể một tay sắp xếp cục diện bàn cờ Syria, bởi tất cả các cường quốc can dự đều có chỗ đứng vững chắc, thông qua hiện diện của các lực lượng quân sự trên chiến trường. Ngay cả các đối tác hiện tại của Nga như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những lợi ích và tính toán rất riêng biệt, về lâu dài, có thể trái ngược với lợi ích của Nga và chính quyền ông Assad.

Với người dân Syria, chưa điều gì có thể khẳng định là sự đau khổ của họ sẽ chấm dứt. Mùa Xuân năm 2010 từng mang lại cho họ hy vọng vươn tới ước mơ tự do dân chủ. Nhưng thay vào đó là 7 năm triền miên nội chiến, với sự tàn độc của IS và sự tang thương của bom đạn.

img

“Lái xe xuyên qua Syria, bạn sẽ còn thấy thiếu cả niềm hy vọng. Mọi người không thể nói về ngày mai ở Syria, vì ngay cả khi khu vực mà họ đang sống không còn các cuộc giao tranh, thì nó vẫn có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Nếu không phải là hòa bình thực sự ở Syria, thì sẽ không có bất cứ giải pháp nào, dù là giải pháp chính trị, xã hội hay kinh tế cho mảnh đất này”, bà Nakhal, thành viên Đảng Cộng sản Lebanon, người vừa kết thúc chuyến đi tới một số vùng chiến sự ở Syria cho biết.

Sự can thiệp của Nga vào Syria đã thành công trong mục tiêu hỗ trợ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad và "loại bỏ những kẻ khủng bố được ủy nhiệm”, ông Alexey Khlebnikov thuộc hội đồng các vấn đề Quốc tế Nga nhận định.

Những âm mưu, toan tính của các cường quốc trong ván bài Syria còn là điều ẩn chứa nhiều nghi vấn. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng rằng những tổn hại cả về vật chất lẫn tinh thần mà người dân Syria phải chịu đựng sau 7 năm là điều rõ ràng và khó có thể đong đếm. Không ai trả lời được cuộc nội chiến sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nó càng kéo dài, thì sẽ không có ai là người thắng cuộc và bên phải chịu tổn thất nặng nề nhất chính là người dân Syria, đặc biệt là các thế hệ tương lai của quốc gia Trung Đông này.