Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có kiến nghị cấp “sổ hồng” cho khách hàng mua căn hộ chung cư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng và chỉ ra rằng “nghẽn tiền sử dụng đất” làm “tắc sổ hồng” dẫn đến việc người mua nhà bất an, tiềm ẩn “điểm nóng” tranh chấp, tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo số liệu tổng hợp của HoREA, hiện có 60 dự án thuộc 16 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản, bao gồm 30.083 căn nhà và căn hộ officetel bị chậm cấp “sổ hồng”. HoREA cũng nhận thấy, tình trạng chậm cấp “sổ hồng” cho khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra trong nhiều năm qua.
Trên thực tế, một số chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật, khiến dự án không đủ điều kiện để thực hiện thủ tục cấp “sổ hồng”, làm thiệt hại cho khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, nhiều chủ đầu tư đã rất nỗ lực để hoàn thành bàn giao đưa dự án vào sử dụng, đủ điều kiện làm thủ tục xin cấp “sổ hồng” cho khách hàng mua nhà, nhưng hoàn toàn bị lệ thuộc vào việc xem xét giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nhiều dự án “nghẽn tiền sử dụng đất” làm “tắc sổ hồng” dẫn đến việc người mua nhà bất an, tiềm ẩn “điểm nóng” tranh chấp, tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Theo HoREA, sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cũng thừa nhận, hiện nay còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết. Hiệp hội nhận thấy, nếu thống kê đầy đủ số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất, thì số lượng căn nhà bị chậm cấp “sổ hồng” còn lớn hơn nhiều lần. Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật về việc “nghẽn tiền sử dụng đất” dẫn đến “tắc sổ hồng” của người mua nhà, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định, vấn đề này đã dẫn đến các hệ quả tiêu cực, vừa không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà. Hơn nữa, còn làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước. “Thực tế là, số thu tiền sử dụng đất bị sụt giảm trong những năm gần đầy. Điều đáng quan tâm nữa là, tỉ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của Thành phố trong 5 năm vừa qua chỉ chiếm 3 - 5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Nếu tháo gỡ được ách tắc tiền sử dụng đất, thì sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước”, ông Châu nói. Chủ tịch HoREA khẳng định, nhìn tổng thể, việc chậm cấp “sổ hồng” do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là các chủ đầu tư không nộp được tiền sử dụng đất dẫn đến “tắc sổ hồng” cấp cho người mua nhà; một phần do sở Tài nguyên & Môi trường các thành phố giải quyết rất chậm, kể cả trong trường hợp chủ đầu tư đã nộp đầy đủ thủ tục, thì cũng mất khoảng một năm mới hoàn tất các thủ tục.Luật sư Trương Anh Tú (đoàn luật sư TP Hà Nội).
“Về vấn đề này, tôi cũng đề nghị Nhà nước cần có quy chế xử lý ngay từ đầu, ngay từ lúc công trình đang xây dựng, ở đâu có việc buông lỏng quản lý, ở đâu có biểu hiện tiêu cực thì phải xử lý đến nới đến chốn, không để tình trạng “trời mưa, đất chịu”, chủ đầu tư thì “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Cuối cùng đề Nhà nước rơi vào tình trạng khó xử, không cấp thì khổ cho dân, cấp thì lại là hình thức vi phạm pháp luật”, luật sư Tú nêu quan điểm.
Để bảo vệ quyền lợi cho người dân, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, Nhà nước phải áp dụng triệt để quy định pháp luật để có thể cấp được “sổ hồng” cho những người đủ điều kiện. Nếu chủ đầu tư vi phạm quy định gây nên việc “tắc sổ hồng” thì chủ đầu tư phải bồi thường, thậm chí bị khởi tố nếu như có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Đặc biệt, cần giám sát những công trình đang xây dựng để tương lai không phát sinh những trường hợp tương tự.
Bàn về giải pháp bảo vệ quyền an cư của người dân, ông Lê Hoàng Châu cũng đồng ý rằng, có hai vấn đề cần tách ra để xử lý phù hợp. “Thứ nhất, người mua nhà là bên ngay tình, vô can, nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, thì phải được “ưu tiên” giải quyết cấp “sổ hồng” trước. Thứ hai, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước, thì tách ra xử lý riêng, với điều kiện chủ đầu tư cam kết và có giải pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước”.Thủ tướng chỉ đạo giải quyết Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP.HCM tập trung chỉ đạo sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cùng các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) trên địa bàn. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố chủ động phối hợp với các bộ liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đ.T