Mới đây, ông P. ngậm ngùi thỏa thuận chia cho vợ 1/2 tài sản của mình để khỏi mất công kiện tụng tốn thời gian mà có khi cũng không được “nước non” gì. Trước đây, khi còn chung sống với người vợ thứ nhất, ông có tạo lập được khối tài sản lớn nhưng chưa làm giấy tờ. Năm 2011, sau khi ly hôn, ông cưới lần hai và một năm sau thì ông làm xong giấy chứng nhận tài sản mang tên hai vợ chồng. Giờ cô vợ đòi ly hôn và đòi chia tài sản. Lúc đầu ông quyết liệt từ chối. Chừng khi được một luật sư tư vấn đằng nào cũng phải chia, ông mới miễn cưỡng gật đầu. Ai biết chuyện hỏi han, ông cứ tiếc hùi hụi: “Phải chi có ký cam kết trước thì đâu đến nỗi”.
Bà H. (huyện Bình Chánh) cũng buồn rười rượi khi nhắc đến 11 năm làm dâu nhà chồng để rồi ra đi tay trắng khi bà không thể chứng minh công sức đóng góp cho khoảng thời gian làm dâu, làm vợ. Theo lời chồng thì bà chỉ ở nhà “nấu cơm, giặt đồ” và bản thân bà cũng không có hóa đơn, giấy tờ để chứng minh mình từng góp cái này, mua cái kia cho gia đình bên chồng. Trong một lúc tức giận, bà nói chồng “lật kèo” thì ông ấy nhếch mép: “Có giao kèo gì đâu mà lật”.
Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản
Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000 chỉ dự liệu một chế độ tài sản pháp định. Theo đó, luật quy định chung cho tất cả cặp vợ chồng về căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng, về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng và về phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Về nguyên tắc, đây là chế độ tài sản trong hôn nhân duy nhất được pháp luật thừa nhận. Từ chỗ áp đặt như thế, luật không đáp ứng được những nhu cầu khác nhau của các cặp vợ chồng trong việc thực hiện các quan hệ tài sản. Đáng nói là việc chứng minh đâu là tài sản riêng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn nếu hai bên không có thỏa thuận trước hoặc không có các chứng cứ, tài liệu để chứng minh cụ thể.
Việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản giúp giảm thiểu xung đột khi ly hôn. Ảnh: HTD
Lần này, dự thảo luật cho phép thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Thỏa thuận này phải được lập trước khi đăng ký kết hôn và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn. Trường hợp muốn sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân thì có hai phương án.Thứ nhất, chỉ được thay đổi sau hai năm thỏa thuận. Thứ hai, được quyền thay đổi theo thỏa thuận. Việc thay đổi này có hiệu lực kể từ ngày văn bản thỏa thuận được công chứng, chứng thực.
Sở Tư pháp TP.HCM đồng thuận với phương án hai. Ngoài ra, Sở cũng lưu ý không cần giới hạn thời gian tối thiểu để thực hiện quyền này vì quyền lựa chọn chế độ tài sản là quyền của vợ chồng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cũng chọn phương án hai. “Pháp luật nên quy định vợ chồng có quyền thay đổi thỏa thuận tài sản bất cứ lúc nào mà họ muốn. Bởi xét cho cùng đó là quyền lợi của hai bên” - luật sư Hậu đề xuất.
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu được thỏa thuận chế độ tài sản ngay từ đầu thì sẽ đỡ rắc rối. “Cái này có thể gọi là “khế ước hôn nhân”. Những thỏa thuận này có thể lập theo hướng tài sản của ai vẫn thuộc về người đó cả sau khi kết hôn lẫn ly hôn. Hoặc cả hai có thể thỏa thuận về việc đóng góp tài sản làm của chung, điều kiện sống... Càng rõ ràng chừng nào thì càng hạn chế được tranh chấp dễ gây bất ổn xã hội. Khi đó tránh được sự nhập nhằng những gì của chồng đều là của vợ hay ngược lại và những người có công lao lớn tạo nên khối tài sản như ông P. nói ở trên không còn bị thiệt” - luật sư Hoan khẳng định.
Minh định quyền định đoạt tài sản riêng
Liên quan đến chỗ ở của vợ chồng, dự luật quy định việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà ở là nơi sinh sống duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Quy định này được áp dụng kể cả trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng hoặc nhà do một bên thuê trước khi kết hôn.
Luật sư Hậu lo ngại ràng buộc đó sẽ gây ra nguy cơ tranh chấp không chỉ cho hai bên mà cho cả người thứ ba. Ông nêu lý lẽ: “Đã là nhà riêng thì vợ/chồng phải có quyền của chủ sở hữu, chưa kể họ cũng phải gánh chịu nghĩa vụ riêng của mình. Cớ gì luật chấp thuận cho bên còn lại dù không là chủ sở hữu vẫn có quyền quyết định giao dịch của chủ sở hữu?”.
Luật sư Hoan cũng cho rằng điều luật này không ổn vì đã gọi là tài sản riêng thì tại sao vợ/chồng lại không có quyền định đoạt. Vợ, chồng muốn có hạnh phúc vẫn cần có khoảng cách nhất định và sự rõ ràng, minh định về tài sản cũng góp phần làm nên điều này. Hiện nay các luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở đều quy định rất rõ nhà, đất của vợ chồng thì phải đứng tên vợ chồng. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ cần một người đứng tên mua nhà thì nhà đó được xác định là của chung, nếu vậy thì có phải quy định ghi hai tên là thừa? Theo luật sư Hoan, đối với tài sản phải đăng ký thì người đứng tên là người chủ sở hữu và đương nhiên nếu là tài sản riêng thì họ phải có toàn quyền định đoạt.
Bổ sung cách phân định tài sản Theo dự luật, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, kể cả hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng của mỗi bên; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp quyền sử dụng đất mà vợ, chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hoặc quyền sử dụng đất có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua giao dịch bằng tài sản riêng; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; đồ dùng, tư trang phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng. Sổ bộ hộ tịch sẽ ghi chú cả phần tài sản Theo dự luật, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được cơ quan hộ tịch ghi chú vào sổ bộ hộ tịch. Nếu lâu nay sổ bộ hộ tịch chỉ ghi nhận những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến chết đi (sinh, kết hôn, tử...) thì tới đây sẽ có thêm phần ghi chú về tài sản. Mà tài sản này là do hai bên thỏa thuận và ghi vào sổ. Còn sau đó họ có thay đổi tài sản thì cập nhật ra sao, làm sao để theo dõi biết được tài sản này? Do các cơ quan hộ tịch không thể quản lý tài sản của các bên nên việc ghi chú như thế chỉ có ý nghĩa về việc hai bên tự thỏa thuận và tự chứng minh về tài sản. Một trưởng phòng hộ tịch của một Sở Tư pháp |
Theo Kim Phụng (Pháp luật TP HCM)