Tài xế Grab “luộm thuộm” có được vào Starbucks?

Dòng trạng thái của anh chàng Nhật Bản mô tả tài xế Grab ở Starbucks nếu khiêm nhường hơn, có lẽ đã không bị cộng đồng mạng công kích.

img
img

"Gần đây, Starbucks ở Hà Nội có ngày càng nhiều các tài xế GrabFood lui tới với bộ dạng luộm thuộm. Không gian riêng tư mà Starbucks hướng tới đang dần bị phá hỏng. Phía cửa hàng nên suy nghĩ lại về điều này”, tài khoản Twitter có tên “hisa_ken” viết.

“Không gian thư giãn mang tính sang trọng được chuỗi này đồng nhất trên toàn thế giới đang dần mất đi ở Việt Nam”, chủ tài khoản bày tỏ sự khó chịu khi các tài xế Grab ngồi trong quán Starbucks.

Được biết, chủ tài khoản là một giám đốc startup người Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam.

Dòng trạng thái mang tính chất miệt thị tài xế Grab ở quán cafe Starbucks nói trên đang là chủ đề làm dậy sóng cộng đồng mạng, gây ra những ý kiến trái chiều nhau.

Người đồng tình cho rằng, quan điểm trên “thô nhưng thật”, nói đúng về tình trạng xô bồ, lôi thôi không nên có của cánh tài xế giao hàng Grab ở một quán cafe “đẳng cấp”.

Trong khi một số ý kiến cho rằng tài xế Grab cũng là khách hàng. Họ trả tiền và họ có sự bình đẳng như những người khác, đồng thời chỉ trích chủ dòng trạng thái là người nước ngoài nhưng lại có thái độ trịch thượng ở Việt Nam.

Có lẽ anh chàng người Nhật Bản đã không lường trước được tình huống một sự góp ý thẳng thắn của mình lại trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm người này, sự góp ý như vậy không hoàn toàn sai. Cái sai ở đây là cách sử dụng từ ngữ và cách thể hiện dễ khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm.

Đầu tiên, cần phải lưu ý rằng, Starbuck không phải là chuỗi cafe tập trung xây dựng hình ảnh cao cấp, hướng tới đối tượng giàu có, hay dành riêng cho doanh nhân.

Tôn chỉ mà thương hiệu cafe Mỹ hướng tới là tập trung xây dựng không gian thưởng thức cafe gần gũi, sạch sẽ, kết nối mọi người và nhân viên, hay còn được gọi là “third place” – nơi chốn thứ ba – mang đến trải nghiệm như ở văn phòng hay chính tại nhà ở.

Starbuck đã từng là một quán cafe cao cấp, là biểu tượng cho những người sành cà phê. Tuy nhiên, việc mở rộng số lượng lên tới 21.000 cửa hàng trên khắp thế giới, đã nhanh chóng khiến thương hiệu này trở nên đại trà và bình dân hơn.

Trên thực tế, một cốc cafe Starbucks ở Mỹ chỉ có giá khoảng 2-3 USD, một mức giá tương tự như các quán cafe hay đồ uống phổ biến ở Việt Nam. Nhưng khi bước chân vào thị trường trong nước, giá cả của Starbuck đắt đỏ hơn, nên với nhiều người, việc thưởng thức cafe tại đây được coi là trải nghiệm về sự giàu có và xa xỉ theo phong cách Mỹ.

Cho đến nay, Starbucks vẫn còn gây tranh cãi khi có sự đối nghịch giữa sự nổi tiếng với khẩu vị và chất lượng cafe.

Nhiều người cho rằng chuỗi cafe đến từ Mỹ chỉ làm tốt ở mặt xây dựng thương hiệu và marketing, cũng như cách sắp đặt không gian được nhiều người yêu thích, trong khi cafe chỉ là “nước đường có mùi cafe”.

Nhưng gác lại một bên những tranh cãi đó. Câu hỏi đặt ra là việc tài xế Grab lui tới ở Starbucks có phải là một hình ảnh không đẹp hay không?

Trên thực tế, dù không phải là một quán cafe cao cấp, Starbucks vẫn hướng tới một không gian sạch sẽ, thoáng đãng và có phần chỉn chu hơn nếu so sánh với các quan cafe bên ngoài.

Do đó, việc một anh tài xế Grab vướng đầy nắng gió bụi đường, mồ hôi nhễ nhại bước vào, chen lấn, cự cãi, cư xử thô lỗ, có thể là tạo nên một hình ảnh không đẹp và gây khó chịu cho các vị khách.

Tất nhiên, đó không phải là một hình ảnh phổ biến và không phải tài xế Grab nào cũng như vậy. Họ hoàn toàn có quyền mặc chiếc áo đồng phục màu xanh ngồi tại Starbucks.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là tài xế Grab đến Starbucks với mục đích là mua cafe và đi giao cho khách. Đó là đặc thù công việc của họ, không phải là một vị khách đến quán với tư cách người thưởng thức.

Với tính chất khác biệt như vậy, để tạo nên sự chuyên nghiệp, Starbucks nên có riêng một làn phục vụ dành cho khách hàng mang về. Điều này sẽ giúp cho hai đối tượng thưởng thức/mua hàng được phục vụ chu đáo hơn, chuyên nghiệp hơn.

Có lẽ, ý của anh chàng người Nhật ở trên là muốn nói đến điều này. Nhưng cách mô tả trong dòng trạng thái lại không nhấn mạnh ý nghĩa tích cực, mang tính xây dựng, mà lại sử dụng cách nói đối nghịch không đáng có để làm vấn đề bị nhuốm màu miệt thị, phân biệt đối xử.

Một mặt tâng bốc một thương hiệu cafe “không hề cao cấp” lên thành thứ thượng đẳng, nhưng mặt khác lại hạ thấp hình ảnh của tài xế Grab – những người làm công việc đàng hoàng – là bẩn thỉu, luộm thuộm.

Vì sao phải mô tả tài xế Grab theo nghĩa “bẩn” khi dòng trạng thái đấy có thể nói một cách lịch sự hơn là Starbucks nên dành riêng một làn phục vụ cho các tài xế Grab mang về, thay vì để họ ngồi chờ tại bàn?

Anh chàng người Nhật Bản có lẽ đã học được một bài học về cách góp ý cần phải chân thành và khiêm nhường hơn, đặc biệt là khi nói về con người ở một quốc gia nơi anh ta đang kiếm tiền tại đó.

Còn với tài xế giao hàng Grab, qua câu chuyện này, họ cũng nên xây dựng được văn hóa ứng xử tốt trong công việc của mình, tránh việc gây ra hình ảnh không đẹp tại nơi công cộng, không chỉ ở Starbucks mà còn ở nhiều nơi khác.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img