Tam quốc diễn nghĩa: Chiến tích hư cấu kinh điển nhất của Lã Bố

Tam quốc diễn nghĩa: Chiến tích hư cấu kinh điển nhất của Lã Bố

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 4, 13/05/2020 06:00

Điển tích “tam anh chiến Lã Bố” trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa được đánh giá là một trong những câu chuyện truyền kỳ, khiến cho “chiến thần” Lã Bố vang danh thiên hạ.

Lã Bố (160-199) còn gọi là Lữ Bố tự là Phụng Tiên, là tướng nhà Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã tham gia cuộc chiến quân phiệt cuối thời Đông Hán và cuối cùng bị thất bại.

Giải trí - Tam quốc diễn nghĩa: Chiến tích hư cấu kinh điển nhất của Lã Bố

Tạo hình Lã Bố trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Lã Bố người đất Cửu Nguyên, huyện Ngũ Nguyên thuộc Tinh Châu (nay là thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ). Ông được biết tới chủ yếu qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Trong tiểu thuyết này, Lã Bố xuất hiện từ hồi 3 đến hồi 19. Lã Bố được mệnh danh là “chiến thần”, phần lớn độc giả xem Lã Bố là vị tướng dũng mãnh nhất thời Tam quốc, hơn cả Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Hứa Chử, Mã Siêu. Hình ảnh Lã Bố có thể liên hệ tới vị anh hùng Hy Lạp Achilles về sức mạnh. Lã Bố đã từng một mình đánh với cả ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.

Trên chiến trường, ông chuyên sử dụng Phương thiên họa kích và cưỡi ngựa Xích Thố, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi. Người ta thường nói “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố” (Người có Lữ Bố, ngựa có Xích Thố) để tôn vinh 2 cực phẩm nhân gian này. Ngoài ra trong những bức ảnh xưa hay ở các tác phẩm liên quan đến nhân vật này, ông được miêu tả là rất tuấn tú.

Một trong những điển tích khiến người ta nhớ về Lã Bố nhiều nhất được La Quán Trung miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa là cảnh “tam anh chiến Lã Bố”. Bối cảnh điển tích trên diễn ra khi Viên Thiệu tập hợp quân 18 lộ chư hầu giương cờ thảo phạt Đổng Trác.

Giải trí - Tam quốc diễn nghĩa: Chiến tích hư cấu kinh điển nhất của Lã Bố (Hình 2).

Tranh về điển tích “tam anh chiến Lã Bố”.

Sau khi Quan Vũ giết Hoa Hùng, Quân Hoa Hùng thua, chạy về cửa quan báo cho Lý Túc biết. Lý Túc viết giấy báo Đổng Trác. Đổng Trác khởi hai mươi vạn quân chia làm hai đường, một đường sai Lý Thôi, Quách Dĩ, đem năm vạn quân ra giữ cửa Dĩ Thủy, chỉ thủ không chiến, một đường thì đích thân Đổng Trác đem mười lăm vạn quân cùng với Lý Nho, Lã Bố, Phàn Trù, Trương Tế giữ cửa quan Hổ Lao. Đổng Trác sai Lã Bố lĩnh ba vạn quân ra trước quan, đóng một trại lớn còn Đổng Trác thì đóng đồn trên cửa quan.

Nhận được tin, Viên Thiệu họp các tướng lại bàn. Tào Tháo đề xuất chia quân ra, một nửa ra đó nghênh địch. Viên Thiệu cử Vương Khuông, Kiều Mạo, Pháo Tín, Viên Dị, Khổng Dung, Trương Dương, Đào Khiêm, Công Tôn Toản, tổng cộng tám vị chư hầu đến cửa Hổ Lao đón đánh. Tào Tháo thì dẫn quân đi lại tiếp ứng. Chư hầu đều khởi binh đến, thái thú Vương Khuông đi trước.

Lã Bố đem năm nghìn quân thiết kỵ lại. Vương Khuông đem quân mã, bày thành thế trận, cưỡi ngựa đứng dưới cửa cờ, trông thấy Lã Bố ra trận. Vương Khuông thấy Lã Bố hỏi ai dám ra đánh thì đằng sau có một tướng vác ngọn giáo, thúc ngựa chạy ra, là một danh tướng, tên là Phương Duyệt. Hai ngựa giao nhau, chưa được năm hiệp, Phương Duyệt bị Lã Bố đánh một ngọn kích ngã xuống ngựa. Lã Bố xông thẳng vào, quân Vương Khuông thua to, chạy tán loạn ra bốn mặt. Lã Bố xông xáo vào đám quân Khuông như chạy vào nơi không người. Nhưng Kiều Mạo, Viên Di đem hai cánh quân vừa đến, cứu được Vương Khuông, quân Lã Bố mới lui.

Giải trí - Tam quốc diễn nghĩa: Chiến tích hư cấu kinh điển nhất của Lã Bố (Hình 3).

Ba anh em Lưu - Quan - Trương.

Lã Bố đến khiêu chiến. Chư hầu tám xứ đều lên ngựa kéo ra cả, chia quân ra làm tám đội ở trên gò cao. Bộ tướng của Trương Dương, thái thú Thượng Đẳng tên là Mục Thuận cầm ngọn giáo tế ngựa ra đánh, bị Bố đâm một ngọn kích chết lăn từ trên ngựa xuống đất. Tiếp đến một bộ tướng của Khổng Dung, tên là Vũ An Quốc, vác một cái dùi sắt, thúc ngựa chạy ra, Lã Bố đến, đánh nhau được mười hiệp, Lã Bố đưa một ngọn kích đánh gãy cánh tay Ngô An Quốc. Ngô An Quốc vứt dùi sắt chạy. Chư hầu tám xứ cùng đổ ra mới cứu được Ngô An Quốc. Lữ Bố lui quân trở về.

Tào Tháo đề xuất rằng Lã Bố anh hùng, không địch được, nên tập hợp cả mười tám lộ chư hầu để bàn nhau tìm kế gì đánh. Trong khi đang bàn bạc, Lã Bố lại kéo quân đến thách đánh. Công Tôn Toản vác ngọn giáo nhảy ra đánh Lã Bố, mới được vài hiệp, Công Tôn Toản thua chạy. Lã Bố thúc ngựa Xích Thố sấn lại đuổi, ngựa này chạy nhanh như bay. Lã Bố gần đuổi kịp Toản thì ở bên rìa đường, Trương Phi quát lớn: “Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Có Trương Phi người đất Yên đây!” Lã Bố thấy thế bỏ Công Tôn Toản, đánh nhau với Trương Phi.

Trương Phi hăng hái cố đánh Lã Bố. Hai người đánh nhau được hơn năm mươi hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào được. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cầm đao đến cùng đánh. Ba con ngựa đứng dàn kiểu chữ đinh, đánh nhau được ba mươi hiệp nữa hai người cũng vẫn không hạ được Lã Bố. Lưu Bị bấy giờ cũng cầm đôi gươm thúc ngựa chạy vào đánh giúp.

Giải trí - Tam quốc diễn nghĩa: Chiến tích hư cấu kinh điển nhất của Lã Bố (Hình 4).

Lã Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích. Lưu Bị tránh được, Lã Bố mở góc của trận phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn vào, quân mã tám xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Lã Bố chạy về trên cửa Hổ Lao. Ba người theo sau đuổi mãi. Chư hầu tám xứ cùng mời Lưu – Quan - Trương đến mừng công rồi sai người về trại Viên Thiệu báo tin mừng.

Tuy nhiên, tình tiết "tam anh chiến Lã Bố" ở cửa ải Hổ Lao trong hồi thứ 4 của Tam quốc diễn nghĩa được giới sử học đánh giá là do La Quán Trung hư cấu ra. Trận đánh được hư cấu trên sự kiện chiến dịch chống lại Đổng Trác của các chư hầu vào năm 190.

Video: Trận đánh kinh điển “Tam anh chiến Lã Bố”.

Trận đánh kinh điển “Tam anh chiến Lã Bố”.

Quốc Tiệp (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.