Thần tượng cũng chỉ là người thường, hâm mộ thần tượng là một món ăn đầy sắc vị của giới trẻ. Thần tượng làm điều sai trái, các fan không có tội!
Thân gửi những người đang lên án fan hâm mộ thần tượng!
Tôi còn nhớ cách đây hơn chục năm, thứ âm nhạc xập xình khiến những đôi tai già nua chán ghét thậm chí kì thị.
Chỉ sau 1 đêm, tại xứ sở thần tiên của những giấc mơ châu Á, người ta bỗng nhớ và “nghiện” những tiết tấu disco bắt tai sôi động, để rồi trên các kệ đĩa CD đầy ắp những Big Bang, CN.Blue, 2NE1,…
Vui tươi, hóm hỉnh và cuồng nhiệt, những thần tượng đến từ xứ sở xa kia biết chiều lòng người hâm mộ bằng cái nhìn ngọt lịm, bằng nụ cười thẩm mỹ thiên thần. Họ mang đến vị yêu mới giữa thế kỷ 21 đầy nhiễu nhương và bấn loạn.
Như bao người khác, tôi cũng yêu thích những ca khúc đến chính mình còn không hiểu nội dung, thầm cười khi thấy hình ảnh của một nam ca sĩ xứ Hàn trẻ trung năng động trên các kênh quảng cáo và giật mình khi biết được tin họ đã phải đánh đổi thanh xuân để có được sự nổi tiếng.
Tôi cũng được coi là một fan hâm mộ Kpop!
Cho đến một ngày, đồng loạt các trang tin nổi tiếng nhất xứ Hàn đưa thông báo rằng Đơn vị điều tra tội phạm đặc biệt Hàn Quốc gọi tên Seungri – em út của Big Bang lẫy lừng làm nên lịch sử Kpop 13 năm liên tiếp, đằng sau khuôn mặt thơ ngây ngờ nghệch của Jung Yoon Young hay thành viên CN.Blue là một lối sống truỵ lạc bệnh hoạn đáng chê trách.
Showbiz xứ Kim Chi được phen chao đảo, những cánh tay ủng hộ từ phía người hâm mộ dần hạ xuống, những trái tim từng thổn thức với lòng yêu mến đã đập lạc nhịp, dư luận quay lưng, lên án. Nhưng tệ hơn, ngay cả những fan hâm mộ chân chính cũng trở thành mục tiêu bị phỉ báng.
Người ta nói rằng fan hâm mộ Big Bang, hâm mộ thần tượng Hàn Quốc là những người đã lãng phí thanh xuân dành cho những điều không xứng đáng. Yêu ư? Nực cười khi yêu một mối tình đơn phương cuồng nộ cách xa hàng ngàn cây số chỉ có cho đi mà không được nhận lại. Họ nói nghệ sĩ nào mà chẳng có đời tư bê bối, không coi fan ra gì thế nên chỉ cần nghe thôi chứ đừng hâm mộ và đừng yêu.
Thế nhưng, họ - những người lên án fan không hề biết rằng, đằng sau sự hâm mộ thần tượng là một câu chuyện khác.
Thần tượng Kpop - những người bị pháp luật gọi tên đã từng là những nghệ sĩ tài năng, dám đánh cược số phận với bản khế ước lao động khắc nghiệt.
5 năm, 10 năm là thực tập sinh, những nghệ sĩ ấy phải trải qua chế độ tập dày đặc, sự tủi thân khi phải xa gia đình, đánh mất sự vui vẻ, sự riêng tư vốn có để chấp nhận nhốt trong chiếc lồng nhiều màu mang tên showbiz.
Đến khi nổi tiếng, mang trên mình danh xưng “thần tượng”, họ bị theo chân ở khắp mọi nơi với hàng ngàn ống kính, máy quay. Vì bảo vệ hình ảnh cá nhân, họ không được yêu, không được là chính mình và không được phép phạm một sai lầm dù là nhỏ nhất.
Sự nổi danh đồng nghĩa với việc họ phải lao động gấp nhiều lần người khác, chấn thương, tai nạn và cả những lời miệt thị.
Dĩ nhiên, họ không phải thánh, rời xa ánh đèn họ chỉ là một con người đời với những ích kỷ xấu xa và cả những điều tệ hại.
Không phủ nhận tội trạng của những ngôi sao Hàn ấy đang làm vấy bẩn không gian nghệ thuật thế nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta có quyền đánh đồng tất cả các nghệ sĩ nam khác vẫn miệt mài cố gắng, chấp nhận hi sinh để cống hiến.
Tôi nghĩ rằng, những người hâm mộ không phải con thiêu thân mù quáng thấy ánh đèn là lao vào đầy bất chấp.
Ở thần tượng, fan nhìn thấy tinh thần, ý chí, sự cố gắng và tài năng. Thần tượng sống không chỉ bởi bản thân mà còn bởi người hâm mộ. Họ cho fan cảm giác được yêu thương – điều mà những cô cậu thanh niên thời đô thị hoá không được hưởng trọn vẹn. Hơn tất cả, fan hâm mộ yêu mến văn hoá ứng xử thông minh của những người đã từng mang danh thần tượng.
Khi thần tượng lầm đường lạc lối, fan không có tội!
Những người đứng ở rìa ngoài của văn hoá thần tượng càng không có quyền miệt thị fan hâm mộ.
Fan hâm mộ là người yêu cái đẹp, yêu những khoảnh khắc thăng hoa của nghệ thuật, yêu thần tượng là cách để bày tỏ quan điểm nhận thức về cái đẹp mang tính bản năng.
Một tình yêu dù không hoàn hảo nhưng vẫn đẹp hơn vạn điều khác.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.