Tâm tư gửi người Việt trở về từ vùng dịch

Đành rằng Tổ quốc như người mẹ, là nơi ấm áp nhất để trở về, nhưng trở về thế nào lại là bổn phận của những “đứa con”.

img

Những ngày này, báo chí liên tục cập nhật số lượng những chuyến bay có người Việt Nam trở về từ quốc gia có vùng dịch bệnh Covid-19. Thông tin đó khiến người Việt cảm thấy ấm lòng vì sự hội ngộ với người thân. Chúng ta cũng cảm thấy ấm lòng khi tổ quốc giống như người mẹ hiền dang tay đón những đứa con xa xứ vào lòng.

Nhưng từ sâu thẳm chúng ta không khỏi cảm thấy chạnh lòng vì một thứ thiêng liêng gọi là lòng yêu nước.

Bởi cùng với đó là những bản tin cập nhật liên tục của Bộ Y tế về số ca mắc mới Covid-19 là những du học sinh, người đi lao động xuất khẩu, Việt kiều từ nước ngoài trở về.

Loài chim di cư khi tránh bão, còn con người lại mang “bão” trở về!

Khi đang ngồi viết những dòng này, điện thoại của tôi rung lên vì tin nhắn Facebook. Bác tôi nhắn trên nhóm gia đình: “Cháu Hạnh đã về nhà an toàn rồi ạ”. Họ hàng nhà tôi lập tức thả tim chúc mừng bác.

Chị Hạnh, chị họ tôi, là một du học sinh 20 tuổi, vừa trở về từ vùng dịch của nước Anh. Gia đình chị vừa trải qua một cuộc “giải cứu” con khỏi Anh, vào thời điểm sinh tử khi nước này tuyên bố “sẽ cần hàng triệu người Anh nhiễm virus SARS-CoV-2 để kiểm soát ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay và "những đợt bùng phát trong tương lai".

Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance đã nói như vậy với đài Sky News ngày 13/3, và rằng sẽ cần khoảng 60% dân số Anh nhiễm virus corona chủng mới để tạo được "miễn dịch cộng đồng".

Tôi nhớ cách đây 2 năm khi giành được học bổng du học, chị tôi đã trở thành tấm gương cho đám con cháu của cả gia đình tôi. Khi ấy, một chân trời mới đã mở ra trước mắt chị là du học, xin việc và định cư tại Anh. “Có điều kiện thì ở lại đấy luôn chứ về Việt Nam làm gì cho nó khổ ra?” – bác tôi nói.

Nghĩa là, chị Hạnh đã được chuẩn bị một hành trình dài để trở thành công dân nước Anh, cống hiến và đóng thuế cho Anh. Rồi chị sẽ lấy chồng và sinh con, sẽ “nhập khẩu” bố mẹ sang và như bao Việt kiều khác, và sẽ chỉ trở về khi sức cùng lực kiệt để sống những ngày cuối đời trên quê hương.

Thế mà bây giờ, trước sự nguy cấp của bản thân, chị lại cấp tốc trở về. Vì chị biết, trong khi châu Âu bình thản với dịch bệnh thì châu Á có những biện pháp được cho là cứng rắn hơn.

Và Việt Nam cho đến giờ vẫn được quốc tế đánh giá là đang khống chế dịch bệnh có hiệu quả. Việt Nam miễn phí toàn bộ chi phí y tế, ăn ở khi cách ly tập trung.

Tôi chợt nghĩ, nếu ai cũng như chị tôi và bác tôi, thì quê hương càng thêm oằn mình vì chống dịch.

Những ngày này cả nước đang vận động người dân đóng góp ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh và chi phí y tế liên quan. Doanh nghiệp, ca sĩ, diễn viên trong nước, người ủng hộ vài tỷ đồng, vài trăm triệu đồng, dân thường thì nhắn tin ủng hộ năm trăm hay một triệu đồng.

Và những đồng tiền từ nhọc nhằn mưu sinh ấy sẽ được chi cho cả những người như chị tôi. Không biết chị có chút nào cảm thấy áy náy hay không?

Đành rằng Tổ quốc như người mẹ, là nơi ấm áp nhất để trở về, nhưng trở về thế nào lại là bổn phận của những “đứa con”.

Chưa nói đến những “đứa con hư” như người phụ nữ Việt kiều vừa rồi làm loạn sân bay khi phải chờ đợi, rồi chê bánh mì miễn phí thời chống dịch, đòi về nhà tự cách ly, hay cô gái trẻ livestream dạy cách trốn cách ly…, quá nhiều “đứa con” ồ ạt chạy về với “mẹ” cũng khiến mẹ quá tải.

Tại thời điểm này, đứng yên thôi cũng đã là yêu nước. Chính phủ đang kêu gọi người dân hãy ở trong nhà càng nhiều càng tốt, hạn chế di chuyển làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bởi vậy, nếu thành phố bạn đang sống vẫn an toàn, thì hãy ở trong nhà theo lệnh của Chính phủ nước đó. Chỉ cần làm vậy, bạn sẽ được an toàn.

Người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay phần lớn là những người trẻ tuổi, là nhóm tuổi ít bị corona tấn công và cũng là nhóm tuổi cần được bảo vệ nhiều hơn người già, trẻ em, hoặc những người có bệnh nền. Bởi vậy hãy yên tâm là bạn sẽ có tỷ lệ an toàn cao hơn các nhóm kể trên.

Hãy yên tâm và bảo vệ bản thân bằng cách đừng mạo hiểm sức khỏe của mình để rời khỏi nhà. Khi“vật vã” ở các sân bay mấy ngày trời, ngồi trên máy bay với vài trăm người trong mười mấy tiếng đồng hồ, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chính là bạn đang đặt hệ miễn dịch của mình vào trạng thái hiểm nguy không thể lường trước.

Cần nhớ lại rằng cuộc chạy loạn của người Vũ Hán, người miền bắc nước Ý trước giờ phong tỏa chính là nguyên nhân lây lan dịch bệnh khắp nơi, và tỷ lệ mắc Covid-19 của Việt Nam tăng nhanh những ngày qua vì làn sóng trở về của người Việt từ vùng dịch.

Hãy yêu nước bằng cách đừng trở thành gánh nặng cho quê hương. Bạn đã làm gì để xứng đáng với 14 ngày cách ly được kiểm tra y tế miễn phí hàng ngày, có cơm ăn miễn phí, có người phục vụ…?

Đất nước ta còn nghèo, đồng bằng sông Cửu Long đang hạn hán nặng, nhân dân miền tây đang điêu đứng vì mùa màng bị ảnh hưởng. Nợ công vẫn cao. Các mục tiêu kinh tế xã hội trong năm đang gặp khó khăn vì nhiều ngành nghề đình trệ, doanh nghiệp phá sản hàng loạt…

"Cuộc chiến” chống Covid-19 chưa thể nói đến bao giờ kết thúc, bởi vậy chúng ta nên bình tĩnh suy nghĩ cho đại cuộc.

Cư dân mạng đang lan truyền những khẩu hiệu vui: “Yêu Tổ quốc yêu đồng bào, ai ở chỗ nào đứng yên chỗ đó”, “Sẵn sàng đứng yên khi Tổ quốc cần”....

Ngay bây giờ và ngay lúc này, nếu bạn yêu nước, xin hãy đứng yên.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img