PV Người Đưa Tin Pháp Luật tìm về xóm Rạch, thôn Quảng Minh, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội để lắng nghe câu chuyện cuộc đời nghiệt ngã cũng như chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của một người đàn ông chịu nhiều thách thức của số phận.
Ông Tạ Thanh Vì tâm sự với PV Người Đưa Tin Pháp Luật. (Ảnh: Đàm Linh)
Theo chân một cán bộ xã, xuyên qua những con ngõ nhỏ vắng lặng, chúng tôi tìm đến căn nhà ông Vì đang sinh sống. Mời chúng tôi chén nước chè nóng hổi, người đàn ông với gương mặt khắc khổ ấy cho biết, sau khi đi bộ đội về, ông lập gia đình năm 1981 và sinh được 3 người con: một gái, hai trai.
Người con gái đầu hoàn toàn khỏe mạnh và đã lập gia đình. Vậy nhưng, người con trai thứ hai lại không được may mắn như vậy: “Cái số của tôi khổ lắm. Sinh được ba người con, một đứa thì thần kinh, một đứa mất sớm vì tai nạn giao thông. Giờ tôi chỉ có người con gái lớn là bình thường, hiện đã lập gia đình”.
Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông Tạ Thanh Vì vẫn phải chăm sóc cho người con trai bị thần kinh và người cháu nội bị thận hư. (Ảnh: Đàm Linh)
Ánh mắt xa xăm nhìn về phía khoảng không vô định, ông Vì tâm sự rằng sau khi anh Tạ Thanh Vình (SN 1984) chào đời, vợ chồng ông vui mừng lắm. Thế nhưng, không lâu sau đó, ông và gia đình đã phải đón nhận cú sốc lớn khi anh Vình mắc bạo bệnh.
“Thằng Vình sinh ra bình thường, khỏe mạnh. Thế nhưng khi 7 tháng tuổi, do 1 cơn bạo bệnh, nó bị ảnh hưởng đến não và bị thần kinh từ đó. Biết con mình bị như vậy, vợ chồng tôi đau đớn lắm. Vay mượn tiền để chạy chữa mà không được”, ông Vì lắc đầu ngao ngán.
Nhìn người con trai nằm co quắp trên giường, đôi mắt nhắm nghiền miệng nói vài câu vô nghĩa, ông ấy rơi nước mắt. Từ khi anh Vình sinh ra cho đến giờ, chưa một lần ông được nghe con gọi bố ơi. Hiện tại, anh Vình chỉ nhận biết mọi thứ qua âm thanh vì đôi mắt đã hoảng do bệnh tật.
Ông Vì hướng ánh mắt nhìn về phía khoảng không vô định nghĩ về cuộc đời mình. (Ảnh: Đàm Linh)
Tựa lưng vào chiếc ghế sờn màu, ông Vì trầm tư: “Đúng mùng 2 tết năm 2010, con trai út của tôi qua đời vì tai nạn giao thông. Biết tin, tôi sốc lắm. Đau đớn lắm. Nhìn người con trai khỏe mạnh, tràn đầy sức sống vĩnh viễn ra đi như vậy, tôi chỉ muốn chết cho xong. Mọi hy vọng của gia đình đều đặt vào cậu út nên từ khi con mất, tôi bỏ hết, không chăn nuôi, làm lụng được gì hết, không thiết tha gì hết nữa. Hôm nó mất, tôi một mình ra đồng ngồi nghĩ thế này là mất tất cả rồi”.
Cũng vì sự ra đi đột ngột của cậu con trai út nên sau đó không lâu, vợ ông cũng phát bệnh nặng, teo 2 thùy não. Sau một thời gian chăm vợ bại não, ông một lần nữa phải đối diện với sự mất mát khi bà mất vào năm 2016.
Sau khi vợ mất, vì quá đau buồn mà ông tìm đến rượu với mục đích “quên đi sự đời”. Ngày này qua ngày khác, ông chỉ uống mà không ăn. Đau đớn về tinh thần, mệt mỏi về thể xác khiến ông trở nên ốm yếu, gầy gò.
“Bà ấy mất khoảng hai tháng tôi tưởng tôi cũng chết theo vì rượu, ngày cứ hai bữa rượu. Tôi uống để say, say rồi thì ngủ không còn biết gì nữa”, ông Vì nghẹn ngào.
Nụ cười hiếm hoi của ông Vì khi được người cháu của mình an ủi. (Ảnh: Đàm Linh)
Dường như biết ông Vì đang đau khổ, đứa cháu nội chạy đến bên cạnh, gục vào người ông. Ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, ông cho biết: “Đây là con trai của thằng Vình, cháu nó 7 tuổi rồi nhưng không nói được. Biết được hoàn cảnh éo le của gia đình tôi, một người trong xóm thấy thương xót nên mai mối cho Vình một cô vợ. Con dâu tôi tính tình thật thà nhưng cũng dại. Chắc cũng vì thế mà cháu nội sinh ra cũng chậm chạp so với những đứa trẻ khác”, ông bộc bạch.
Dù đã 7 tuổi nhưng cháu Tạ Văn Vịnh vẫn chưa biết nói, biết đọc. (Ảnh: Đàm Linh)
Cháu nội ông là Tạ Văn Vịnh, sinh năm 2013, dù đã 7 tuổi nhưng cháu vẫn chưa nói sõi, chưa biết đọc biết viết, vẫn đi học mầm non vì chậm phát triển.
Đau đớn thêm nữa, đến năm lên 5, bệnh viện kết luận cháu mắc chứng thận hư. Ông nội nhìn cháu xót xa: “Tháng nào tôi cũng phải đưa cháu lên bệnh viện để họ xét nghiệm, kiểm tra các chỉ số. Họ nói bệnh này không thể trị dứt điểm, phải phụ thuộc vào cơ địa cháu có nhận thuốc hay không”.
Mất mát chồng mất mát, đau thương chồng đau thương nhưng đứa cháu bệnh tật lại trở thành nguồn sống giúp ông mạnh mẽ. Ông quyết tâm dứt khỏi chuỗi ngày chìm đắm trong u uất để làm việc, “phải làm để lo lắng cho việc gia đình”.
Mọi bữa ăn hàng ngày của gia đình đều do một tay ông Vì nấu. (Ảnh: Đàm Linh)
“Thương cháu, thương con, tôi quyết tâm bỏ rượu. Đi làm phụ hồ hàng ngày cũng kiếm được vài ba trăm để phụ giúp con dâu chăm sóc cháu và con. Nhưng hiện giờ, tôi yếu quá, không làm được gì nên mọi chi phí trong nhà đều dựa vào số tiền khoảng đôi ba triệu của con dâu”, ông Vì tâm sự.
Từ khi sóng gió ập đến không có đêm nào ông ngủ yên giấc, “thường lên trần nhà ngồi hút thuốc lá” ngẫm về cuộc đời nhiều nỗi khốn khổ của bản thân.
Ông Vì bên cạnh người con trai và cháu của nội. (Ảnh: Đàm Linh)
Ông thương bản thân, thương con trai, thương đứa cháu và thương cô con dâu vất vả gánh vác công việc gia đình. Ông đã nghĩ đến chuyện rao bán căn nhà mà cả gia đình đang sinh sống để lấy tiền chữa bệnh cho cháu và một phần để trang trải cuộc sống.
Ông Vì bộc bạch: “Nhà tôi còn khu chuồng lợn 4 gian ở ngoài ruộng, nếu bán được nhà, tôi định dọn dẹp 2 gian ngoài đó để cả nhà ở tạm”. Nghe đến đây, tim chúng tôi như bị bóp nghẹt.
Ở tuổi “gần đất xa trời”, ông Vì chỉ mong con trai tỉnh táo, cháu nội chữa khỏi bệnh. “Giờ tôi chỉ mong hai bố con khỏi hết bệnh tật, nếu được vậy thì tôi có thể yên tâm ra đi. Bây giờ, tôi mà đi trước thì nhà này không biết bấu víu vào đâu”, ông Vì nghẹn ngào chia sẻ.
Nói về hoàn cảnh của gia đình ông Tạ Thanh Vì, ông Trịnh Minh Thủy (Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình ông Tạ Thanh Vì thật sự éo le, một người con trai bị thần kinh từ nhỏ, người con trai còn lại mất trong tai nạn xe máy, vợ vì u não mới mất, cháu nội cũng chậm phát triển, bệnh tật liên miên. Chính quyền xã cũng có chính sách hỗ trợ, kêu gọi hảo tâm giúp đỡ gia đình.”
T.P.- Đ.L.