Sự tăng tốc khẩn trương trên khắp các công trình giao thông trọng điểm đang giúp gia tăng tốc độ cho mũi đột phá chiến lược hạ tầng trong kỷ nguyên mới.
Khối lượng công việc khổng lồ
Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3000 km cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc để tạo không gian, động lực phát triển mới cho đất nước. Vì thế, trong ba năm trở lại đây, ngành giao thông rất nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác 858 km, bằng hơn 2/3 tổng số cao tốc đã triển khai trong gần 20 năm trước (khoảng 1.163 km).
Tuy nhiên, cả nước hiện mới đưa vào vận hành, khai thác 2.021 km đường bộ cao tốc. Để hoàn thành gần 1.200 km cao tốc trong năm 2025 là một khối lượng công việc khổng lồ đối với ngành giao thông.
Chưa kể, áp lực rất lớn còn đến từ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc phải hoàn thành giai đoạn 1 dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trước 31/12/2025 và đưa vào khai thác trước 28/2/2026. Với một công trình có quy mô "siêu lớn", phức tạp về công nghệ, đặc biệt là Dự án thành phần 3 - nhà ga hành khách để có thể thi công dứt điểm trong vòng 30 tháng (từ 31/8/2023 đến 28/2/2026) chắc chắn là một thách thức không hề nhỏ và nếu đạt được sẽ thiết lập một kỷ lục mới trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.
Cũng trong năm 2025, ngành GTVT còn phải tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tập trung hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào cuối năm đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch chi tiết 2 tuyến đường sắt trọng điểm: Hà Nội – Đồng Đăng và Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái.
Đặc biệt, theo tinh thần của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, ngay trong đầu năm 2025, Bộ GTVT cũng phải hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn hơn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn, như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: Dù trong mô hình tổ chức mới, ngành GTVT vẫn sẽ phải là ngành tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia.
Có thể nói, trong năm 2025 – năm tăng tốc và về đích để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Đại hội XIII, tạo bước đà vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, khối lượng công việc và thách thức với ngành GTVT là rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, sự phối hợp chặt chẽ và đổi mới trong tư duy, hành động cũng như sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành và địa phương, với mục tiêu tất cả vì lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tích cực, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, quyết tâm đưa các dự án về đích đúng tiến độ. "Hưởng ứng phong trào thi đua được Thủ tướng phát động, toàn ngành GTVT từ trụ sở 80 Trần Hưng Đạo đến từng công trường đều xác định tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "thi công 3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết. Toàn ngành sẽ nỗ lực triển khai, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu hụt vật liệu xây dựng...để đưa các dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng", Bộ GTVT khẳng định.
Báo cáo mới đây của Bộ GTVT gửi Chính phủ cho biết, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, trong đó có 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vượt sản lượng thi công chung và có kế hoạch hoàn thành trước 3-6 tháng. Đó là các dự án: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh (dự kiến rút ngắn 5 tháng), Vạn Ninh - Cam Lộ (dự kiến rút ngắn 6 tháng), Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (dự kiến rút ngắn 9 tháng). Đây chính là minh chứng cho sự nỗ lực quyết tâm của toàn ngành GTVT.
"Chỉ bàn tiến, không bàn lùi"
Trên khắp các công trường, không khí và nhịp độ thi công đang được đẩy lên hơn bao giờ hết. Các nhà thầu đã thay đổi nhận thức, phương thức triển khai, huy động bổ sung đẩy đủ các chủng loại máy móc, thiết bị, tăng cường nhân lực thi công.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin cho biết trước khối lượng công việc rất lớn, các nhà thầu đang thi công với hơn 100% sức lực để công trình kịp tiến độ đồng thời xác định chất lượng công trình là danh dự sống còn của doanh nghiệp.
"Việc triển khai khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn là thách thức nhưng cũng là môi trường để thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo, năng lực của các nhà thầu thi công. Từ cuộc chạy đua này, chúng ta nhìn thấy được những nhà thầu đủ sức, đủ bản lĩnh, có năng lực, uy tín, kinh nghiệm và khát vọng đóng góp", ông Nhận chia sẻ.
Bên cạnh những thuận lợi, theo đánh giá của Bộ GTVT, thực tiễn triển khai dự án cũng cho thấy giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng nhất, quyết định đến phần lớn đường "găng" tiến độ của các dự án, công trình, song hiện tại đây là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của nhiều dự án trọng điểm. Tuy nhiên, công tác này lại phần nhiều phụ thuộc vào sự vào cuộc của các địa phương nơi dự án đi qua.
Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất thì trên toàn quốc, nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn chậm tiến độ vì vật liệu đắp nền (chủ yếu là cát sông và đất) đang rất thiếu, nhất là tại các dự án thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam dọc miền Trung, Tây Nguyên cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long dù được dự báo từ trước và Chính phủ đã có nhiều giải pháp.
Do đó, rất cần các tỉnh, thành phố phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng , di dời hạ tầng kỹ thuật, quan tâm giải quyết nguồn cung vật liệu đối với một số dự án còn lại để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công.
"Chỉ khi các tỉnh, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là chỉ đạo trực tiếp của Bí thư, Chủ tịch tỉnh thì mới công tác giải phóng mặt bằng và bảo đảm nguồn cung vật liệu mới đạt kỳ vọng. Các nhà thầu rất mong muốn trong thời gian các địa phương phát huy trách nhiệm cao nhất, đặc biệt là sự quyết liệt của người đứng đầu, bảo đảm bàn giao mặt bằng "sạch", đúng tiến độ để thi công các dự án", Phó Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin chia sẻ.
Với quyết tâm chính trị rất lớn và khát vọng phát triển đang sục sôi, các tuyến cao tốc xuôi Nam ngược Bắc, các công trình giao thông trọng điểm đang từng ngày thành hình, tiếp thêm động lực cho quá trình chuyển mình vươn lên ở mỗi nơi nó đi qua. Điều quan trọng là khi gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia triển khai dự án, công trình cần đồng tâm hiệp lực, "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích. Đây chính là giải pháp căn cơ nhất để ngành giao thông tận dụng mọi nguồn lực, cùng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện: Mạnh Quốc