Khách hàng có quyền tẩy chay một siêu thị nội hay ngoại – đó là phản ứng bình thường dưới góc độ tiêu dùng. Song, nên chăng, chúng ta hãy là những người tiêu dùng thông thái, tẩy chay cũng phải thông thái, bởi không phải lúc nào bênh vực hàng nội cũng là giải pháp tốt để hàng nội phát triển.
Khi những dòng thông tin chạy trên báo chí Việt Nam về việc siêu thị Big C (thuộc tập đoàn Central Group, Thái Lan) thông báo ngừng nhập 200 đơn hàng may mặc của một số doanh nghiệp Việt, phản ứng đầu tiên của người Việt là phẫn nộ.
Điều này có vẻ rất dễ hiểu, đó là thứ cảm xúc tự vệ giản đơn của những người Việt yêu nước khi cho rằng hàng hóa Việt bị xử ép, bị thất thế ngay trên “sân nhà”, và rằng các đế chế bán lẻ thế giới càng ngày càng xâm lấn thị trường bán lẻ Việt Nam…
Từ thứ phản ứng tự vệ mang màu sắc cảm tính đó, làn sóng “biểu tình ôn hòa” nhanh chóng lan rộng trên các trang mạng xã hội, thể hiện ở việc các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng kéo đến văn phòng đại diện của Central Group đòi “nói chuyện phải quấy”, người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay Big C.
Và, động thái “dọa” tẩy chay này xem ra cũng có hiệu quả phần nào. Là một đế chế bán lẻ lớn nhất nhì Thái Lan, Central Group hiểu rằng không nên để thị trường nước ngoài lớn nhất của mình - nơi mà hành vi tiêu dùng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, bởi yêu ghét cá nhân – bị kích động quá mức.
Do đó, nhà đầu tư ngoại này đã nhượng bộ dư luận bằng cách đồng ý nhập lại một số đơn hàng và giãn lộ trình thương thảo với những đơn hàng còn lại.
Tuy nhiên, tẩy chay nhà đầu tư không bao giờ là phương án khả thi nhất để bảo vệ hàng nội. Ngược lại, một khi đã chấp nhận mở cửa hợp tác, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài để có nguồn lợi về tài chính và công nghệ, chúng ta bắt buộc phải đánh đổi vài thứ, như thị phần hay sự bảo hộ hàng hoá trong nước…
Hãy nhìn xem: Central Group là ai và họ đang làm gì ở Việt Nam?
Central Group là tập đoàn đa ngành của Thái Lan (thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat, gia tộc giàu thứ 2 Thái Lan với khối tài sản lên tới 21 tỷ USD - theo ước tính của tạp chí Forbes) nhưng tập trung chủ yếu ở mảng bán lẻ và bất động sản.
Kể từ những năm 2010, sau khi bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, tập đoàn này đã “nhắm” vào Việt Nam và đến nay Việt Nam là thị trường bán lẻ lớn thứ 2 của họ, chỉ sau Thái Lan. Nói cách khác, Việt Nam đang là thị trường nước ngoài lớn nhất của đế chế bán lẻ Central Group, mang lại gần 1/4 doanh thu cho tập đoàn này (công bố năm 2018 của Central Group).
Trong vòng 3 năm qua (2016-2018), tập đoàn này đã chi khoảng 5,5 tỷ USD để thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ.
Ngoài chuỗi Big C Việt Nam với 35 siêu thị trên cả nước, Central Group hiện còn đang sở hữu 2 trung tâm thương mại thời trang mang tên Robins tại Hà Nội và TP.HCM, chuỗi cửa hàng bán lẻ Lan Chi Mart với 25 siêu thị lớn nhỏ tập trung chủ yếu tại các vùng nông thôn phía Bắc, 45% cổ phần cửa hàng điện máy Nguyễn Kim, cửa hàng thời trang Marks & Spencer của Anh tại Việt Nam, chuỗi cửa hàng đồng giá Komonoya (Nhật), hệ thống cửa hàng tiện lợi C – Express, cửa hàng thời trang Delala, hãng thể thao Supersports, văn phòng phẩm B2S, hàng gia dụng LookKool…
Theo mô tả từ phía Central Group Việt Nam, tổng cộng tập đoàn này đang hoạt động với hơn 200 trung tâm mua sắm và cửa hàng trên toàn quốc và 2 kênh bán hàng trực tuyến với 17.000 nhân viên và theo dự kiến, họ sẽ còn chi thêm khoảng 17 tỷ baht (tương đương 11.600 tỷ đồng) để mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Như vậy có thể thấy “ông lớn” Central Group đến Việt Nam không phải để chơi. Họ không đổ hàng tỷ USD vào hệ thống kênh phân phối chỉ để giúp Việt Nam tiêu thụ hàng hoá trên nền tảng phân phối của họ.
Trái lại, họ đầu tư vào Việt Nam để mở rộng thị trường cho hàng hoá Thái Lan xuất ngoại. Do đó hành vi “đuổi khéo” hàng Việt như vụ từ chối 200 đơn hàng may mặc vừa rồi chỉ là động thái không sớm thì muộn sẽ xảy ra. Central Group đang tạm thời nhượng bộ chỉ vì họ biết cần có thêm thời gian để thị trường Việt thích nghi với những cú “hắt hơi sổ mũi” của nhà đầu tư ngoại mà thôi.
Về phía Việt Nam, hãy nhìn lại xem thực tại: Năm 2018 tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị Big C là 96%, trong đó hàng nông sản chiếm tới hơn 70%... Như vậy có thể thấy hàng Việt đang ít nhiều có sự “bảo hộ” về phân phối. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ không còn đúng trong tương lai.
Ở một góc tiếp cận khác, hiện Việt Nam chưa có quy định nào về việc tỷ lệ hàng hoá nội trong các siêu thị ngoại. Do đó, một khi chúng ta đã chấp nhận bước vào cuộc chơi công bằng, cạnh tranh bình đẳng, chỉ có việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước để tăng tính cạnh tranh mới là giải pháp hữu hiệu để hàng Việt tự tin cạnh tranh lành mạnh trên “sân nhà” với các sản phẩm ngoại nhập.
Dưới góc độ tiêu dùng, chúng ta đang chứng kiến một nghịch lý rằng hàng năm người Việt lũ lượt bỏ tiền đi du lịch Thái Lan, một trong những mục đích là để săn hàng Thái vì tính chất “ngon bổ rẻ” của nó.
Một năm, xuân thu nhị kỳ các bạn Thái lại mở các triển lãm, hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan ở Việt Nam, người Việt vẫn chen chúc đến gom hàng Thái mang về nhà. Vậy mà khi đối tác Thái bỏ tiền xây dựng kênh phân phối và cung ứng hàng hoá của họ “tận chân công trình” thì người Việt lại tẩy chay chỉ vì họ loại bỏ bớt một số hàng Việt không đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thẳng thắn nhìn nhận lại thực lực của mình và phải tự cố gắng cả về chất lượng, giá thành cũng như làm chủ kênh phân phối. Bởi không phải cơ chế bảo hộ hay các cuộc tẩy chay cảm xúc mà thị trường mới chính là yếu tố quyết định việc hàng Việt hay hàng Thái sẽ tồn tại lâu dài trên các kệ siêu thị của Big C.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả