Có những ý kiến cao thượng cho rằng, để thương cho cái sân bay đỡ kẹt cứng, chật chội, chúng ta hãy đi đón người thân về quê ăn Tết ít thôi.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, nơi tập trung đông người nhất không phải là các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hoa Xuân mà là các sân bay - nơi người người nhà nhà mang tâm trạng háo hức cùng nhau đi đón người thân xa quê về Việt Nam ăn Tết.
Ai cũng biết rằng, đi đón người thân như vậy sẽ giúp đong đầy tình cảm hơn, người đi xa về không bị tủi thân. Nhưng hình ảnh sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài tắc cứng vì người nhà ra đón quá đông lại khiến nhiều người mệt mỏi, cho rằng chẳng cần thiết phải làm như vậy.
Ý kiến thì cho rằng, giây phút gặp nhau đầu tiên ở sân bay sau nhiều năm xa cách mới là xúc động, vỡ òa nhất. Nhưng một số quan điểm khác thì coi việc rồng rắn kéo nhau đi đón là sự ủy mị, sướt mướt, mất thời gian, gây phiền hà nơi công cộng.
Trung bình cứ một vị khách xa xứ về nhà mà có đến 10 người trong gia đình đi đón thì không khó để tưởng tượng ra cảnh một sân bay vốn đã luôn hoạt động vượt quá công suất như Tân Sơn Nhất sẽ ngạt thở đến mức nào.
Vô tình, màn trùng phùng đầy nước mắt đó lại trở thành khung cảnh khó chịu đối với nhiều người. Những người khó chịu đó là hành khách thông thường đi công tác bị trễ giờ, cánh tài xế không thể vào đón khách vì đường kẹt cứng, hay trực tiếp hơn là ban quản lý, nhân viên sân bay mệt mỏi vì phải ứng phó với khối lượng công việc quá lớn.
Ngoài ra, còn có những lời phàn nàn cho rằng, những người xa xứ thì Tết cũng không nên về Việt Nam làm gì, vì đi lại tốn kém đến cả vài chục triệu, lại còn ngồi máy bay, quá cảnh mất mấy ngày mới về đến nhà, đúng là cực hình.
Cứ mỗi năm Tết về, sự tranh cãi đó lại quay trở lại như một câu chuyện không hồi kết như thể con gà có trước hay quả trứng có trước. Rốt cuộc thì người xa xứ có nên về quê ăn Tết hay không và người nhà có nên đi đón quá đông hay không?
Tôi có người anh họ đi xuất khẩu lao động Đài Loan lâu năm. Phải đến 2 năm mới về thăm gia đình một lần vì không có điều kiện. Thậm chí nhà có ma chay, hiếu hỷ anh cũng khó về. Chỉ đợi có cái Tết để sum vầy.
Ngày rục rịch trở lại Việt Nam, anh thường bảo mọi người không cần đi đón, vì tỉnh xa, lên sân bay sẽ tốn kém, đông đúc. Dẫu vậy, chẳng lần nào anh phải về trong sự cô đơn. Ấy là nói thế, chứ lòng anh lúc nào cũng muốn càng đông những nụ cười thân yêu chờ đón mình càng tốt.
Anh bảo, cái giây phút nhìn thấy bố mẹ, vợ con, anh chị em cùng đón mình nó ấm lòng lắm. Cảm giác được chào đón, được mọi người bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm suốt quãng thời gian xa nhà quá lâu như vậy.
Còn việc đến sân bay không một ai ra đón, cảm thấy lòng trống rỗng, nhìn nhà người khác mà thèm. Trong khi về đến nhà mới gặp mọi người thì cảm giác bình thường quá, chẳng còn hào hứng gì nữa.
Chỉ có khi hết Tết, lên sân bay rời đi, anh mới nhất quyết không cho mọi người đi cùng. Vì khi cảm giác hội ngộ với chia tay sẽ rất khác nhau. Càng đông người đưa tiễn lại càng buồn.
Nói vậy để thấy rằng, nhu cầu lớn nhất của con người là cảm xúc. Những vấn đề như mệt mỏi, mất thời gian hay tiền bạc không quan trọng. Ai đó phải đi xa mới biết rằng, được gặp gỡ người thân, được về nhà cảm giác thiêng liêng như thế nào.
Chúng ta là những cá thể không thể chịu đựng nổi sự cô đơn. Chúng ta chỉ có thể sống khi có sự ràng buộc bởi các mối liên kết xã hội, sự đồng điệu về truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ.
Dù ở đất nước văn minh hiện đại đến nhường nào, vẫn thèm lắm được nghe tiếng mẹ đẻ, được gặp những người bạn cùng dân tộc, được ăn những món ăn đã nuôi nấng ta từ thuở lọt lòng.
Tết là dịp để chúng ta trở về, được nối lại sợi dây cảm xúc vốn bị ngắt quãng chỉ vì mối lo cơm áo gạo tiền mà chẳng ai mong muốn. Chẳng ai muốn đi xa, chẳng ai muốn rời bỏ người thân để sống cuộc sống lạnh giá nơi xứ người bao giờ.
Vậy thì việc có 10 người, 20 người, đi đón một người xa xứ về thăm quê thì có sao? Hình ảnh đó chẳng lẽ không đẹp?
Chuyện nực cười là chúng ta đi chê trách những nhu cầu cảm xúc chính đáng của con người trong dịp Tết để bảo vệ cho cái gọi là tránh tắc đường với sự nhốn nháo, đông đúc nơi sân bay.
Bất kỳ thứ đồ vật, tiện ích, dịch vụ nào được sáng tạo ra trong lịch sử đều là để phục vụ cho con người. Từ bao giờ chúng ta phải kìm nén cảm xúc để đi phục vụ lợi ích cho một cái sân bay vô tri như vậy?
Sẽ là vô lý và ngược đời khi có ý kiến cho rằng chúng ta nên bớt đi đón người nhà để cho một cái sân bay đỡ đông đúc chật chội. Tại sao không đặt câu hỏi ngược lại rằng, các sân bay phải mở rộng cơ sở hạ tầng ra như thế nào để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu ngày càng lớn của hành khách?
Không chỉ ngày Tết, các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất vẫn luôn hoạt động vượt quá công suất thiết kế và đó là vấn đề cố hữu của các sân bay này chứ không phải lỗi phát sinh do con người.
Do đó, nhu cầu tăng thì nguồn cung đáp ứng cần phải tăng, chứ không ai lại bắt con người phải thu hẹp nhu cầu lại để phục vụ cho một cái sân bay. Khi pháp luật không cấm, sẽ chẳng có gì đáng phải chê trách ở đây.
Để nuôi dưỡng và thể hiện cảm xúc, chúng ta cần làm tốt hơn các công cụ phục vụ cho mục đích đó thay vì bắt mỗi người phải tiết chế lại. Chúng ta đã đủ mệt mỏi vì cả năm phấn đấu, luồn cúi, ganh đua, có ngày Tết để được yêu thương cũng vẫn phải kìm nén là sao?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả