Tết, khi chúng ta đi tìm căn cước của đời mình

Dù 8km hay 8000km, dù gần hay xa, nhưng chỉ cần thấy hương vị Tết, những đứa con ở khắp mọi miền đều giũ bỏ bụi đường quay về với nơi được gọi là nhà.

img
img

Tôi nhớ ai đó vẫn nghêu ngao câu hát không thanh điệu rằng “đường về nhà là đường đẹp nhất”, và đường về nhà chẳng bao giờ là xa dẫu phải vượt cả ngàn cây số, mấy múi giờ cách trở.

Tết đến rồi, Tết đến ngay đầu ngõ, đến từ những bước chân rầm rập trên đường, đến từ những lời xì xào ở tiệm tạp hoá về một năm Tết đắt đỏ.

Cành đào năm nay muốn đẹp phải mất cả tháng lương, nồi bánh chưng muốn ngon năm nay phải đắt gấp đôi năm ngoái, con gà trên bàn thờ mùng 1 Tết cũng theo giá thị trường mà béo lên hàng loạt. Nhiều người ngao ngán, thở dài, và cũng nhiều người ngượng ngịu gật đầu “tiền trao hàng lấy” bởi nếu không mua thì thiếu mà mua thì “xót ruột”.

Tết đến rồi, Tết khiến nhiều gia đình sắm nắm, book vé máy bay để đi du lịch, nhà nào kinh tế thì tự thưởng cả chục ngày ở xứ bạn để xem "nhà người ta" Tết nhất ra sao, vui vẻ thế nào. Ở vài nước châu Á thì còn có không khí lễ hội, chứ sang trời Tây thì chỉ có ngắm cảnh là chính chứ ở Tây người ta không biết tết Ta.

Tết đến rồi, về thôi!

Nói là nói vậy, sợ là sợ đấy nhưng quả thực Tết là một trong những ngày mọi người mong chờ nhất, đoàn viên, sum họp và hơn hết là quay về với nơi tiềm thức luôn gợi nhớ - một ngôi nhà.

Ở nơi ấy, khói bếp lờ mờ trong sương sớm toả ra thứ hương cay nồng ấm áp không thể gọi thành tên, dư vị của quá khứ đọng trên bờ mi khiến đôi mắt cay xè, đôi môi run rẩy và đôi chân chạy thật nhanh đến nơi sáng đèn.

Ở nơi ấy, nơi một thời thèm bát phở gà gánh chạy dọc con xóm nhỏ, một thời rong ruổi trên khắp triền đê bằng chiếc xe đạp tháo phanh cọc cạch.

Ở nơi ấy, nơi có một bóng lưng tảo tần, sớm sớm lại ngó nghiêng đàn lợn, lại “tích tích” gọi gà, có cả những tiếng quát yêu gọi đứa con gái lười biếng ngủ dậy để đi chợ phiên cho sớm.

Nhà đấy, quê hương đấy, gia đình đấy!

Hết một năm ta sinh sống tại chốn phù hoa hội chợ, nơi của những chiếc xe đắt tiền bóng loáng ở ngã tư làm ta khao khát, nơi của dịch vụ thương mại và cả trăm thứ hiện đại, chẳng hiểu thứ ma thuật nào cứ kéo ta muốn về với căn nhà 3 gian có ụ rơm to tướng trước cổng chào.

Tết xa quê là Tết trở về.

Hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn đong đầy nhiều xúc cảm nhất, nó là một trải nghiệm khó quên trong tâm trí của biết bao nhiêu con người đất Việt.

Người ta dù mệt mỏi nhưng vẫn cố chen chân vào suất xe đông đúc hỗn tạp cả tỷ âm thanh để về quê cầm chiếc chổi tre quệt vào mảnh vườn của tuổi thơ những thanh âm gợi nhớ.

Và không ngoa khi nói rằng, Tết là khoảng thời gian chúng ta đi tìm căn cước của đời mình. Là nhà!

Tôi yêu nhà từ khi mới thành người, tôi yêu nơi mình sinh ra và lớn lên giống như cách biết bao nhiêu người con xa xứ đang làm.

Tình yêu của tôi, nói theo tâm lý học, nó vẫn luôn nằm ở ba bậc cao nhất trên đỉnh tháp nhu cầu Maslow: Được yêu mến, được hoà hợp thuộc về một cộng đồng; được tôn trọng; và được công nhận.

Thế nhưng, nói một cách giản đơn, tình yêu quê nhà của tôi là sự khát khao muốn được về, bởi đơn giản chỉ có ngày Tết, tôi mới thoả mãn vẫy vùng trong thế giới của thời gian kéo dài mà không lo ngại nhiều điều, không bận tâm đến công việc hay bất kì cái gì khác.

Đâu đó trên dọc dải đất chữ S, những chuyến xe ca xuôi ngược, những chuyến đò tấp nập, những cành đào phấp phới phía sau toa xe lửa hay những chậu mai vàng lấp ló trên một cabin nào đó.

Tết đến rồi…về nhà thôi!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img