Thảm sát cả nhà em trai ở Đan Phượng: Không bần cùng, vì sao sinh đạo tặc?

Có câu “Bần cùng sinh đạo tặc” để chỉ những con người vì đói nghèo quá mà sinh ra trộm cắp, giết chóc. Nhưng vụ anh trai giết cả nhà em ruột ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) hôm 1/9 thì không phải, thậm chí hung thủ còn là người khá giả, và diện tích đất tranh chấp với em trai cũng không có giá trị lớn.

img
img

Dư luận còn chưa quên vụ 6 anh chị em ở huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) hồi năm 2016 đã đưa đứa em út tật nguyền ra tòa để tranh mảnh đất do cha mẹ để lại cho em (mặc dù cả 6 con người lành lặn này đều đã được chia phần).

Hình ảnh cậu em chân tay co quắp (do nhiễm chất độc da cam, mất đi 85% sức khỏe) ngồi bệt dưới sàn phòng xử án, trước mặt là la liệt tài liệu pháp lý để chống lại 6 anh chị em ruột đã khiến cả xã hội chấn động, rùng mình về cái gọi là lòng tham.

Hay như vụ án Nguyễn Văn Hậu (SN 1973, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) vì tranh chấp đất mà ngày 13/2/2016 đã vác dao đâm gục 2 người anh của mình khiến một người tổn hại 75% sức khỏe, người còn lại là 14%.

Song có lẽ chưa có vụ tranh chấp đất đai nào phát triển lên thành vụ án man rợ như vụ thảm sát hôm 1/9 ở Đan Phượng: Tên Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1966) là anh trai nhưng đã giết hại 4 người nhà em ruột (ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1969) chỉ vì rẻo đất giáp ranh rộng 0,5m.

Phật dạy rằng: “Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc mà ra: Tham (tham lam), sân (giận dữ), si (ngu tối)”. Trong đó, tham đứng hàng đầu, vì tham mới nổi lên lòng căm hận, mới khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác.

Đương nhiên, phàm là con người ai cũng có lòng ham muốn, nhưng một khi ham muốn bị đẩy lên cao hơn mức bình thường sẽ dẫn đến tham lam. Người không biết tiết chế bản thân thì sẽ bị lòng tham đưa lối dẫn đường đến những hành động sai trái. Ví dụ như muốn có tiền, thông thường người ta phải lao động để làm ra. Nhưng nếu ham muốn tiền của quá mức, một số người chọn cách đi cướp ngân hàng, giết người để cướp của, thậm chí như ông Nguyễn Văn Đông là giết chính em ruột, cháu ruột của mình.

Nhưng liệu hung thủ trong vụ thảm án ở Đan Phượng, Hà Nội có thực sự ra tay để giành tài sản?

Câu trả lời có lẽ là không. Bởi ông ta biết rõ giết người phải đền tội, vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị. Ông ta cũng biết mình không thể thoát án tử cho nên đã định tự tử (nhưng bị ngăn chặn kịp thời). Như vậy, động cơ ban đầu là lòng tham đối với tài sản nhưng hành vi giết người hàng loạt lại thể hiện động cơ về sau chỉ là để trả thù.

Cụ thể, khi mâu thuẫn về quyền lợi kéo dài, ông Đông – được miêu tả là một người rất gia trưởng – đã nuôi mối hận thù trong lòng. Đến trước ngày gia đình người em cắm mốc để xây nhà, ông ta ấm ức đến mức cả đêm không ngủ được. Sáng sớm hôm sau thì thù hận đã thực sự bùng nổ, đẩy hành vi đến cao trào là cầm dao giết người.

Hoàn toàn ý thức được việc làm của mình và hậu quả trong tương lai, tên giết người máu lạnh đã điềm nhiên ngồi uống nước khi toàn thân còn vấy máu của họ hàng ruột thịt. Khi công an đến bảo vệ hiện trường, ông ta hung hãn rượt đuổi cả công an. Rồi khi bị áp giải, ông này thậm chí còn cười tươi với hàng xóm và nói “Chào các bác em đi!”. Như vậy có thể thấy sau khi giải toả được ức chế bằng cách trả thù, tên hung thủ đã đạt được trạng thái cân bằng tâm lý tạm thời khiến hắn dễ chịu và sẵn sàng đón nhận hậu quả.

.....

Người đời có câu “Của cải là vật ngoài thân”, lúc chết không ai mang theo được sang thế giới bên kia mà dùng. Dùng cả sự sống của bản thân để giải quyết mâu thuẫn về của cải - thực là việc làm hết sức ngu dốt.

Cổ nhân dạy “Nhân chi sơ tính bổn thiện” (con người ta sinh ra vốn sẵn tính thiện). Bác Hồ cũng có câu thơ ‘Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Lành, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Những câu này đề cao vai trò của giáo dục trong hình thành nhân cách con người.

Nhìn rộng ra, vụ án đau lòng này cũng để lại một bài học sâu sắc về giáo dục con cái trong gia đình. Ngay từ nhỏ, khi bắt đầu hình thành nhân cách, trẻ cần được ông bà cha mẹ giáo dục về lòng vị tha, nhân hậu, có thái độ sống tích cực, coi trọng tình cảm hơn vật chất, anh chị em biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Đây cũng là một bài học đối với chính quyền địa phương, nó khuyến cáo rằng cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương cần sâu sát hơn nữa đối với quần chúng, phát hiện mâu thuẫn và giáo dục tư tưởng, hoà giải triệt để, không để mâu thuẫn âm ỉ kéo dài phát triển lên thành bạo lực.

Người ta nói “Bần cùng sinh đạo tặc”, nhưng nếu giáo dục đạo đức đạt được hiệu quả thì ngay cả trong hoàn cảnh bần cùng, con người ta cũng biết tiết chế bản thân “Đói cho sạch, rách cho thơm” chứ không phải là để “đạo tặc” sinh sôi, chà đạp lên các giá trị truyền thống ngay cả trong sự khá giả thế này.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả/p>
img