Ngày 17/7, Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật có bài viết Hàng loạt hộ nghèo ở Thanh Hóa bị giả mạo chữ ký, “ăn chặn” tiền hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung phản ánh, rất nhiều hộ nghèo tại xã Thượng Ninh thời điểm năm 2018 bị giả mạo chữ ký, ăn chặn tiền hỗ trợ.
Ông Nguyễn Xuân Nhân – Chủ tịch UBND xã Thương Ninh thời điểm hiện nay - cho biết, sau khi nhận được phản ánh, xã đã báo cáo huyện và cho rà soát việc cấp tiền hỗ trợ cho hộ nghèo năm 2018 trên toàn xã.
Kết quả, phát hiện 326 nhân khẩu tại xã này bị cán bộ giả mạo chữ ký, ăn chặn tiền hỗ trợ của nhà nước. Xã đã yêu cầu ông Phùng Văn Tiến (nguyên Chủ tịch UBND xã) và ông Lê Hữu Nghĩa (nguyên công chức kế toán) dùng tiền của cá nhân, chi trả bổ sung cho người dân để đảm bảo quyền lợi của họ.
UBND xã Thượng Ninh cung cấp cho PV “Danh sách hộ nghèo xã Thượng Ninh năm 2018 thụ hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp theo quyết định 102/2009/QĐ – TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ” lập ngày 30/7/2018.
Điều đáng nói là trong danh sách (bản gốc) có chữ ký của gần như đầy đủ các hộ nghèo năm 2018 của xã Thượng Ninh. Cuối danh sách có chữ ký của ông Lê Hữu Nghĩa (chức danh kế toán) và ông Phùng Văn Tiến (chức danh là Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh) và sử dụng con dấu của UBND xã này để đóng vào.
Trụ sở UBND xã Thượng Ninh -nơi xảy ra việc tiễn hỗ trợ hộ nghèo năm 2018 bị chiếm dụng.
Những hộ nghèo tại xã Thượng Ninh bị giả mạo chữ ký,chiếm dụng tiền hỗ trợ năm 2018 được UBND xã cấp phát bổ sung.
Ông Nguyễn Xuân Nhân thừa nhận, danh sách trên mới được xã lập sau khi có bài viết trên tạp chí phản ánh việc giả mạo chữ ký, chiếm dụng tiền của hộ nghèo.
Theo ông Nhân, do việc cấp tiền dựa theo danh sách hộ nghèo năm 2018 nên xã cho ông Tiến (nguyên chủ tịch) ký vào để “đổi” danh sách được lập trước đây bị giả mạo chữ ký nhận tiền của người dân, lưu vào hồ sơ.
Bản danh sách mới lập này không có chữ ký của bà Bùi Thị Dung (người lập danh sách). Thời điểm ký tên vào bản danh sách mới lập, ông Lê Hữu Nghĩa không còn là công chức kế toán UBND xã Thượng Ninh, còn ông Phùng Văn Tiến đã nghỉ hưu cách đây 1,5 năm.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Nhân thừa nhận, bản gốc danh sách cấp tiền hỗ trợ (1 bản lưu tại xã) đã bị mất, hiện địa phương này chỉ còn bản phô tô.
Dù đã nghỉ hưu từ tháng 1/2019, nhưng cuối tháng 7/2020, nguyên Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh ông Phùng Văn Tiến vẫn sử dụng con dấu của ủy ban để xác nhận danh sách cấp tiền hộ nghèo năm 2018.
Khi được PV giải thích, việc UBND xã để cho nguyên chủ tịch UBND xã đã nghỉ hưu 1,5 năm tiếp tục ký xác nhận vào hồ sơ, sử dụng con dấu ủy ban là vi phạm quy định của pháp luật thì Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh cho hay “sẽ cho làm lại danh sách mới”.
Ông Nhân cũng thông tin, tất cả hồ sơ liên quan đến việc cấp tiền hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn xã năm 2018 đã được bàn giao cho cơ quan công an phục vụ công tác điều tra.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Phùng Văn Tiến – Nguyễn Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh - xác nhận, bản danh sách cấp tiền hỗ trợ bổ sung cho hộ nghèo năm 2018, có chữ ký của các hộ dân do ông ký tên xác nhận, đóng dấu với chức danh Chủ tịch UBND xã mới được thực hiện sau khi tạp chí có bài phản ánh.
Ông Nguyễn Quang Trường – Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính UBND huyện Như Xuân - cho biết, sau khi thực hiện chi trả tiền hỗ trợ hộ nghèo năm 2018, đến 6/2019 thì UBND xã Thượng Ninh đã làm hồ sơ quyết toán với phòng.
Hồ sơ, thủ tục quyết toán gồm: Báo cáo quyết toán, danh sách ký nhận tiền (bản phô tô không công chứng) và xác nhận của Kho bạc đã giải ngân. Khi đầy đủ các hồ sơ trên, phòng Tài chính - Kế hoạch kiểm tra và tiến hành quyết toán theo quy định. Theo ông Trường, quy định không bắt buộc phòng Tài chính - Kế hoạch lưu bản gốc danh sách ký nhận tiền hỗ trợ của người dân (?!)
Quá trình kiểm tra hồ sơ ông Trường không phát hiện các chữ ký nhận của hộ dân là bị giả mạo và UBND xã Thượng Ninh phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các chữ ký này.
Còn ông Lê Huy Thanh - Trưởng phòng dân tộc huyện Như Xuân - cho biết, đây là lần đầu tiên tại địa phương xảy ra sự việc đáng tiếc như ở Thượng Ninh. Trong quá trình triển khai, trên cơ sở danh sách hộ nghèo đã được sở Lao động – Thương binh & Xã hội phê duyệt thì các xã lập danh sách trình UBND huyện phê duyệt đối tượng thụ hưởng. Xã Thượng Ninh năm 2018 có 297 hộ nghèo, với 1280 nhân khẩu được hỗ trợ, tổng số tiền là hơn 102 triệu đồng.
Tiếp đó, huyện cấp ngân sách về xã để địa phương chi trả cho đối tượng thụ hưởng, rồi thực hiện việc quyết toán với phòng Tài chính - Kế hoạch.
Ông Bùi Văn Thương cho rằng chữ ký của mình trong bản danh sách cấp tiền hỗ trợ năm 2018 bị cán bộ giả mạo chữ ký.
“Sau khi làm xong tôi yêu cầu các xã phải có báo cáo bằng văn bản. Xã Thượng Ninh cũng báo cáo đã chi trả đầy đủ, đúng đối tượng. Phòng Dân tộc chỉ quản lý đối tượng, còn việc chi trả phải do xã thực hiện và tự chịu trách nhiệm vì đây cũng là một cấp ngân sách. Tất cả các xã, trong đó có Thượng Ninh cam kết, thề sống thề chết với tôi là đã làm đúng. Thượng Ninh là đơn vị thề, hứa đầu tiên” - ông Thanh thông tin.
Theo ông Lê Huy Thanh - Trưởng phòng dân tộc huyện Như Xuân, sau khi tạp chí có bài phản ánh, UBND huyện Như Xuân đã giao cho phòng Dân tộc trực tiếp xuống kiểm tra, nắm tình hình để báo cáo chủ tịch UBND huyện. Kết quả kiểm tra xác định việc tạp chí phản ánh là đúng sự thật, số tiền bị chiếm dụng bước đầu là hơn 29 triệu đồng.
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chủ tịch UBND huyện Như Xuân : “Tôi đã giao cho Công an vào cuộc, làm đến nơi đến chốn để xử lý đúng người đúng tội”.
X.C