img

Thành phố có trôi vào đêm, kinh tế đừng chìm trong giấc ngủ

Thu Huyền

Ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới, cuộc sống về đêm là điểm nhấn thú vị cho du khách và cũng là “mỏ vàng” cho địa phương. Theo đánh giá của chuyên gia, nếu Việt Nam quy hoạch bài bản và cởi mở, kinh tế ban đêm sẽ đem đến nhiều cơ hội kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và nhất là mang đến cơ hội trải nghiệm, thụ hưởng các giá trị văn hóa, du lịch địa phương cho du khách.

Ngành du lịch “không ngủ”

Tại các nước trên thế giới, kinh tế ban đêm được đánh giá là “mỏ vàng” của ngành Du lịch, có thể giữ chân du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế về đêm ở Việt Nam còn khá manh mún, chưa có quy hoạch một cách bài bản từ góc độ quản lý nhà nước đến dân sinh. Nhiều nơi, dịch vụ về đêm chỉ tự phát theo yêu cầu của người dân và du khách.

img

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã có kiến nghị đáng chú ý về việc nhanh chóng khai thác kinh tế ban đêm trên quy mô toàn quốc.

Cụ thể, các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Trước đó, hồi tháng 9/2019, bộ KH&ĐT cũng đã nghiên cứu xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2020.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, PGS.TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận định, ngành du lịch Việt Nam khi được mở cửa trở lại sẽ quyết tâm, nỗ lực để vực lại được sự phát triển.

img

Là người từng đề xuất khai thác dịch vụ du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết, sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30% trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ ban đêm.

Nói sản phẩm du lịch về đêm đa dạng vì các khu chợ đêm, nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật luôn sôi động khiến du khách có cảm giác như những nơi đó không bao giờ ngủ...

Quy hoạch đồng bộ phải gắn với quản lý tốt

Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nổi bật nhất của kinh tế ban đêm ở Thủ đô là các điểm vui chơi đều nằm ở khu phố cổ, nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Chính vì hoạt động ban đêm đan xen ở các khu dân cư nên hoạt động này diễn ra rất náo nhiệt chỉ từ khoảng 18h nhưng đến khoảng 23h phải nhường chỗ cho sự im lặng của màn đêm.

Ngoài ra, để cân bằng giữa hoạt động về đêm có lợi và tránh xảy ra tệ nạn là bài toán không dễ giải. Bởi lẽ, ban đêm thường xảy ra nhiều hơn, đòi hỏi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phải kiểm soát, tránh ảnh hưởng thuần phong mỹ tục.

img

“Theo tôi, có 2 điều mà ngành du lịch Việt Nam cần làm để phát triển kinh tế ban đêm. Thứ nhất là, cân nhắc kỹ nhu cầu của khách du lịch, không áp đặt tư duy của nhà quản lý vào hoạt động kinh tế.

Thứ hai là, để không lãng phí nguồn tài nguyên, việc triển khai thí điểm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang cần theo hướng phát triển cụ thể, phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn” - PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.

Chia sẻ với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Du lịch đêm cũng là mong muốn của quận thúc đẩy trong thời gian tới, phát triển theo quỹ đạo. Theo vị lãnh đạo, quận Hoàn Kiếm không đặt vấn đề thu thuế các hộ kinh doanh sau 0h, bên cạnh đó cũng đặt mức khoán thuế phù hợp.

img

“Khách du lịch đến Hà Nội, ban ngày thường đi theo tua, đêm đến là khoảng thời gian du khách tự do khám phá, nếu không có dịch vụ đáp ứng thì cũng rất đáng tiếc” - Ông Quân cho hay.

Ông Nguyễn Huy Hân - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: Tập hợp các hoạt động kinh tế, văn hóa diễn ra ban đêm chủ yếu là hoạt động trải nghiệm mang tính giải trí như: quán bar, sàn nhảy, các bữa tiệc tối sang trọng, các địa điểm nhạc sống, nhà hát, những khu chợ đêm, trung tâm thương mại…

img

Nghiên cứu sâu về tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của TP.Nha Trang, ông Hân nhận thấy, hoạt động này vẫn chưa phát triển một cách bài bản, đồng bộ mà chỉ là các hoạt động đơn lẻ của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.

“Là địa phương phát triển du lịch mạnh mẽ hàng tốp đầu của cả nước, tuy nhiên, có một thực tế là du khách, nhất là khách nước ngoài đến Nha Trang mới chỉ chi tiêu chủ yếu ở các hoạt động ăn uống, vui chơi ban ngày, còn khi màn đêm buông xuống họ vẫn phải tự giải quyết câu hỏi đi đâu, ăn gì, chơi gì? Nếu kinh tế về đêm được đầu tư bài bản, chú trọng thì sẽ tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập cho dân cư, tạo nguồn thu ngân sách” - Ông Hân bày tỏ.

Theo ông Hân, nút thắt lớn nhất cần được tháo gỡ để biết được hiệu quả của ngành kinh tế đêm đến đâu chính là phải có những chính sách, cơ chế riêng để phát triển.

T.H

img