Thầy cúng mà cũng sát sinh

Dẫu biết rằng thầy cúng không phải từ trên trời rớt xuống, cũng không phải do nhập khẩu mà có, nhưng sự xuất hiện của những nhân vật này từ ngàn đời vẫn luôn nhận được sự kính ngưỡng của không ít người.

img
img

Từ bao đời nay, thầy cúng được một bộ phận người dân tin là sứ giả nhà trời, giống như một thế lực phi phàm bất thường có khả năng giao tiếp thông thạo với thế giới tâm linh.

Nhận ra thị trường cúng bái ngày càng nhộn nhịp, từ cử nhân tiến sĩ cho tới chuyên gia Phật học bị cuốn vào quá trình thầy cúng hoá, chỉ cần bưng bát hương ấy thế được lên chức thầy.

Dăm ba cái điện, bảy ba cái miếu nghi ngút khói hương, con nhang cầu khấn lia lịa ấy là thầy cúng đã thành danh.

Từ chuyện phán đất xây nhà đến việc động bát kinh doanh, từ trừ âm binh âm tà đến cắt duyên cầu tình mới, các thầy đều có thể "động tay" dễ dàng. Thầy "cao tay" thì gia chủ được như ý, thầy "còn phèn" thì tiền mất tật mang.

Tự khi nào, cuộc chạy đua giữa các thầy cúng trở nên sôi động và rầm rộ hơn bao giờ hết. Thầy nào ngoại giao giỏi thì được nhiều lộc lá, còn thầy nào thường thường bậc trung thì chỉ đủ hưởng phúc hưởng phần.

Lao động và làm việc trong môi trường đặc thù nên nhiều thầy cũng không mấy bình thường.

Còn nhớ có một địa phương nào đó từng được thầy trừ tà bằng cách uống nước bùa trộn tàn hương, ăn cá trắm sống, chịu đánh bằng roi dâu và gần đây thôi, một thầy đã "hạ phàm" đưa luôn 4 người vào "đài hiến tế".

Điều lạ kỳ, 4 nạn nhân ấy lại là người thân của một ông thầy cúng khác. Có thể giữa các thầy cúng với nhau cũng có quy ước riêng chăng?

Thế nhưng, tôi mãi băn khoăn rằng người như thầy phải là người thiện lương lòng không gợn sân si dục vọng, vượt lên trí tuệ của người trần để là người tỉnh táo nhất.

Tỉnh táo để nhận thấy câu chuyện bùa ngải là điều phi lý chưa chắc đã tồn tại ở thế giới thực tại này. Tỉnh táo để kiềm chề bản thân, tỉnh táo để biết yêu thương sinh linh, hiểu quy luật nhân-quả và trân trọng mạng sống con người.

Vậy nhưng, thay vì tìm cách nhân đạo để giải bùa hóa yếm một thế lực thần bí nào đó thầy đã chọn cách "đại khai sát giới" lê máy chém "thăm hỏi" 4 người một lúc, trong đó 2 người đã tử vong.

Các thánh chắc cũng được một phen rùng mình!

Đó có phải là bi kịch hay không? Khi chính các thầy cúng là nạn nhân của những câu chuyện hoang đường phi thực tế trong vết đứt gãy của lịch sử tâm linh.

Tôi cho rằng, tín ngưỡng được xây dựng từ sự trân trọng nguồn sống. Sự sống là điều quan trọng với mình và người khác.

Dù là bạn hay thù nếu không còn sự sống thì mọi thứ khác đều chẳng ý nghĩa gì, từ quyền lực, sắc đẹp, thanh danh đến của cải, cùng bao dự định lớn nhỏ trong đời.

Nếu vị thầy cúng ấy hiểu được thì có lẽ bi kịch tâm linh kia sẽ chẳng thể diễn ra.

img