Gần trọn tuần qua, cái tên "đèo Hải Vân" được xuất hiện với tần suất cao đột biến trên báo chí, trên mạng xã hội và dư luận.
Nếu ở ngoài khơi miền Trung, một cơn áp thấp nhiệt đới đang rập rình chuyển thành bão lớn thì trên đất liền, xung quanh đèo Hải Vân, đã thực sự dấy lên một “cơn bão lòng” - một cơn bão của sự quan tâm, lo lắng và bức xúc trong lòng hàng triệu người dân Việt.
Ngay sau khi Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, trong khoảng 5-7 ngày liên tục tính cho đến đêm 7/10, đã có nhiều đoàn người rời khỏi Tp.HCM và khu vực trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ. Nguyên nhân cơ bản của cuộc hồi hương bất đắc dĩ này, bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, là sinh kế cạn kiệt, là hết chịu đựng nổi vì đã qua 4 tháng cách ly không có công ăn việc làm và thu nhập.
Hàng chục nghìn người dân chạy xe máy về các tỉnh phía Bắc đã phải chạy lên đèo Hải Vân, vì lâu nay hầm Hải Vân chỉ cho phép ôtô chạy qua, người đi xe máy phải trung chuyển bằng xe tải, tuy nhiên dịch vụ này đã dừng vì dịch bệnh.
Đèo dài 21 km, nối Đà Nẵng và Huế, từng là nỗi ám ảnh trên trục đường Bắc - Nam với nhiều khúc cua tử thần. Do đường dốc, khó đi nên nhiều người thường bị rớt lại phía sau. Nhiều người mệt mỏi sau chặng đường dài gục xuống tay lái chợp mắt, những thảm cảnh của người đi xe máy vượt đèo trong mưa to gió lớn đã được ghi lại và đăng tải trên báo chí, trên mạng xã hội. Tất cả những hình ảnh, những clip ấy đã tạo nên “cơn bão” trong dư luận.
Từ tâm “cơn bão” trên đèo Hải Vân, chúng ta đã thấy được những điều gì?
Trước hết là tình đồng bào. Ngay lập tức, trên các bài báo, trên MXH và các diễn đàn đã sôi sục hàng nghìn ý kiến, kiến nghị. Một số nhân sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo thậm chí đã viết đơn kính gửi các vị lãnh đạo Chính phủ. Tất cả đều chung một nguyện vọng là đề nghị cho người dân hồi hương được đi qua hầm, sẽ an toàn hơn so với đi đèo trong đêm tối, sương mù và đường trơn trượt do mưa lớn những ngày qua.
Cùng với đó, rất nhiều tình nguyện viên, nhóm cứu trợ từ Đà Nẵng và địa bàn lân cận đã băng qua mưa gió núi rừng tới đèo Hải Vân, để có mặt bên cạnh những người dân hồi hương. Họ cung cấp cho đoàn người hồi hương lương thực, nước uống, thuốc men cho người ốm đau, sữa cho trẻ nhỏ, xăng dầu cho xe máy...
Một lần nữa, tại đèo Hải Vân, chúng ta lại được chứng kiến những biểu hiện sinh động của tinh thần tương thân tương ái, truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng" của người dân Việt.
Thứ hai, báo chí và dư luận xã hội đã chỉ trích gay gắt việc Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị quản lý hầm đèo Hải Vân đã không chịu mở cửa hầm cho những người hồi hương đi xe máy qua. Các ý kiến đều cho rằng việc chậm trễ của Tập đoàn này trong việc chia sẻ nỗi thống khổ và nguy hiểm của người dân là hành vi vô tâm, lạnh lùng, máy móc và thiếu tình người.
Trước hết là tinh thần trách nhiệm và lòng nhân đạo của một đơn vị kinh tế như Tập đoàn Đèo Cả trước hoạn nạn của đồng bào. Nếu làm kinh tế mà chỉ biết có kiếm tiền nhưng quên thu phục lòng người, thì thương hiệu dù to lớn đến đâu cũng phút chốc trở thành vô nghĩa. Thái độ lạnh lùng vô cảm của “ông chủ” hầm đèo Hải Vân những ngày qua chính là ví dụ điển hình của tư bản hoang dã. Chính họ đã “kiếm củi 3 năm thiêu 1 giờ” trong cách xử lý vụ việc này. Đương nhiên, cũng lưu lại bài học đắt giá cho những đơn vị làm kinh tế như Tập đoàn Đèo Cả bởi cách hành xử của họ với đồng bào mình, với những người đã đóng thuế, góp tiền góp sức cho họ làm hầm qua đèo Hải Vân và mọi công trình khắp cả nước.
Thứ ba, chính quyền địa phương cũng tỏ ra chậm trễ trong việc xử lý vấn đề này. Mãi tới 20h tối 6/10, lãnh đạo Đà Nẵng mới ra thông báo đã đề nghị Tập đoàn Đèo Cả mở cửa hầm Hải Vân để trung chuyển người dân.
Người ta cũng không thấy sự năng động đáng ra phải có từ phía Bộ GTVT. Việc tổ chức các chuyến tàu hoả chở dân về quê không có gì khó khăn cả, nhưng họ làm ngơ, cho đến khi xã hội lên án họ thì họ mới chuyển động. Cả một hệ thống đường sắt, xe tải, xe chở khách nằm yên bất động cho cỏ mọc lút mà lãnh đạo ngành giao thông từ cấp Bộ xuống đến các Sở đã không huy động vào việc góp sức đưa bà con trở về quê hương?
Những đoàn tàu hoả nằm chết dí ở ga, hàng ngàn xe khách phủ bụi ngoài bến xe, mà các vị để trẻ em, có cháu mới 5 ngày sinh, để phụ nữ mang thai, người già cả, đau ốm phải dắt díu bồng bế nhau chạy xe máy hàng trăm nghìn cây số ngoài đường dưới trời mưa bão bên những khúc cua tử thần và những vực sâu thăm thẳm.
Là cơ quan chủ quản ngành dọc theo chức năng quản lý Nhà nước, đáng lý ra Bộ GTVT phải có những quyết định nhanh chóng và kịp thời, phải chỉ đạo quyết liệt cho Tập đoàn Đèo Cả mở hầm nhanh chóng cho người dân đi qua. Không làm được việc này, Bộ GTVT đang nợ đồng bào hồi hương và nhân dân cả nước một lời xin lỗi không nhỏ.
Những quy định cứng nhắc, những tư duy phòng lạnh xa rời thực tế, không linh hoạt, linh động; không phù hợp theo tình hình thực tế gây ra vô vàn cảnh khổ trong cuộc hồi hương bất đắc dĩ này.
Để ở lại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, những người lao động này trước hết cần nơi trú ngụ. Nhưng họ biết ở đâu khi tiền ăn còn không có huống chi là tiền trọ? Chính sách an sinh xã hội đã bàn nhiều, nhất là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp đã đưa ra từ những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhưng chủ yếu vẫn nằm trên giấy... Đại dịch đã bộc lộ tất cả.
Điều cuối cùng nhìn từ “cơn bão” tại đèo Hải Vân là, việc quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn gian khổ của người dân, việc lo lắng cho an toàn tính mạng của người hồi hương khi vượt đèo Hải Vân để về quê là một điểm sáng đáng ca ngợi của chính quyền Đà Nẵng. Đó cũng là một bài học quý về việc AN DÂN khi cả nước đang gồng mình cùng nhau vượt qua đại dịch.
Những cơn bão của trời đất và trong lòng người rồi cũng sẽ tan, còn lưu lại trên đời này là những nghĩa cử nhân ái, nhân văn, những tấm lòng “mình vì mọi người" của tinh thần “tương thân tương ái", tình đồng bào và sự quan tâm dù chậm trễ của chính quyền với người dân khi hoạn nạn và khó khăn.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả