Thấy gì từ vụ cách chức Tổng giám đốc Nước Sông Đà?

Người Hà Nội không vui vẻ gì khi ông Giám đốc công ty nước bị cách chức hay là được dùng nước miễn phí một tháng. Cái chúng tôi cần là vụ bê bối nước Sông Đà sẽ trở thành bài học quản lý hữu ích cho các cơ quan kinh doanh dịch vụ thiết yếu của dân.

img
img

Cuối cùng, một tháng sau khi xảy ra vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải dẫn tới đợt khủng hoảng thiếu nước sạch ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội), Tổng Giám đốc Nước Sông Đà đã bị mất “ghế”.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để công bố thông tin về việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Tốn, đồng thời bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới là ông Nguyễn Xuân Quý.

Theo một nguồn tin, trước khi bị miễn nhiệm, ông Tốn đã có đơn xin từ nhiệm.

Mặc dù nguyên nhân khiến ông Tốn mất “ghế” không được đề cập, dư luận vẫn dễ dàng liên tưởng đến vụ việc nguồn nước sông Đà bị đổ trộm dầu thải hôm 9/10.

Nguyên Tổng Giám đốc Viwasupco, thay vì chỉ đạo ngừng cấp nước khẩn cấp để báo cáo cấp trên, thì lại cho tiến hành xử lý nước qua loa (lấy clo để át mùi dầu thải và nghĩ rằng clo có thể xử lý được tạp chất này) rồi cấp nước bình thường cho dân.

THậu quả là, nguồn nước sạch của 18% (khoảng 25.000 hộ dân) dân số Hà Nội ở khu vực Tây Nam thành phố đã bị ảnh hưởng.

Không những thế, ông Tốn còn có những phát ngôn được cho là rất “hớ” với truyền thông, nói rằng mình “chỉ là Tổng giám đốc làm thuê”, chọn cấp nước bình thường là “vì người dân”, rằng “Công ty cũng có lỗi nhưng người dân cũng phải thông cảm”…

Vì những quyết định quản lý thiếu chính xác, những phát ngôn thiếu trung thực và cầu thị, vị Tổng Giám đốc Viwasupco nên rời ghế lãnh đạo nhằm xoa dịu sự bất bình của người dân Hà Nội – những khách hàng không được lựa chọn nhà cung cấp để mua nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, cách chức ông Tốn rồi thì sao? Và cả việc Viwasupco thông báo miễn phí tiền nước 1 tháng cho những khu vực bị ô nhiễm nước sinh hoạt vì sự cố nói trên, dường như người dân vẫn còn rất tâm tư.

Người ta băn khoăn vì những dịch vụ như điện, nước, xăng dầu… là những mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, không nên mổ xẻ dưới góc độ quyết định của một cá nhân mà phải coi là câu chuyện quản lý ở cấp vĩ mô.

Nếu như cả bộ máy vận hành hợp lý, có tính toán đến các sự cố ngoài ý muốn, thì vụ việc tràn dầu thải đã được kiểm soát tốt từ đầu nguồn chứ không để bị phụ thuộc vào quyết định của ông Tổng Giám đốc Viwasupco như vậy.

Hay nói khác đi, những dịch vụ gắn bó mật thiết đến dân sinh thì phải có sự thay đổi cung cách quản lý. Để an toàn dịch vụ (trong trường hợp này là an ninh nguồn nước), thiết nghĩ cái gốc vẫn là phòng ngừa, chứ không phải là để xảy ra hậu quả thì cách chức cá nhân nào đó là xong.

Một vấn đề nữa là, việc cách chức người đại diện hay miễn phí 1 tháng tiền nước chỉ là hành động xoa dịu dư luận trước mắt, không thể coi là động thái đền bù thiệt hại cho khách hàng.

Bởi vì, hành động bán nước bẩn cho dân, về lý thì Viwasupco đã vi phạm hợp đồng, về tình là lừa dối khách hàng của mình. Viwasupco cần căn cứ vào lượng nước ô nhiễm đã bán cho dân để quy đổi ra số tiền người dùng phải trả để làm căn cứ bồi thường hợp đồng.

Ngoài ra, việc bán nước nhiễm dầu thải cho khách hàng đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải bồi thường cả thiệt hại về sức khỏe cho những khách hàng đã sử dụng nước bẩn này.

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật – Bộ Y tế cần vào cuộc, lấy mẫu nước tại các khu vực được khoanh vùng để điều tra, kiểm tra, xác định sự cố, mức độ thiệt hại làm căn cứ xác định mức bồi thường mà Viwasupco phải chịu.

Vì nói gì thì nói, hoạt động kinh doanh nước sạch của Viwasupco không phải hoạt động phi lợi nhuận, trái lại đang mang lại nguồn lợi nhuận đáng mơ ước.

Năm 2018, Công ty này đã bán ra 91 triệu m3 nước, thu về doanh thu 468 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2%. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ bán ra 2 đồng thu về 1 đồng tiền lãi.

Trong bối cảnh thị trường chung hiện nay, trước khi có vụ bê bối nước nhiễm dầu này, bản thân Viwasupco cũng đã nhận diện được nguy cơ giảm sản lượng theo hướng dừng tăng trưởng vì nguyên nhân cạnh tranh.

Cụ thể, bản quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước.

Ngay lập tức, thị trường cung cấp nước sạch vừa chứng kiến “tân binh” - Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai - rẽ hướng sang đầu tư sản xuất và kinh doanh nước sạch để thu hẹp dần mảng nhựa đang mất dần thị trường.

Một số "ông lớn" ngành nước đang tích cực mở rộng mạng lưới như Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) và Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (Tdmwater)…

Cùng thời điểm này, Tập đoàn AquaOne cũng vừa khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống với quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm). Và theo kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành từ tháng 7 vừa qua thì Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tham gia điều tiết bổ sung nguồn cấp cho Công ty CP Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông (là 2 trong số 3 khách hàng lớn nhất của Viwasupco) khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Viwasupco.

Nếu không có động thái khôn ngoan kịp thời, câu chuyện dừng tăng trưởng, thậm chí mất thị phần mà Viwasupco đã lường trước thiết nghĩ sẽ không chỉ là nguy cơ mà sẽ sớm xuất hiện trên các báo cáo tài chính trong tương lai gần.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
img