Thấy gì từ vụ nữ cán bộ công an “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất?

Có một số người hễ gặp vấn đề không như ý là chửi bới, đập phá… Việc không thể kiểm soát hành vi của bản thân được ngành Tâm lý học xếp vào nhóm nguyên nhân: Không biết quản trị cảm xúc. Sự việc bà Lê Thị Hiền (cán bộ công an quận Đống Đa) “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất hôm 11/8 là một ví dụ điển hình.

img
img

Hôm qua (22/8), mạng xã hội Facebook xuất hiện 2 video clip khiến dư luận được một phen hoảng hốt về thái độ ứng xử nơi công cộng của một nữ hành khách tại sân bay.

Sự việc có thể tóm tắt như sau: Vào khoảng 13h35 ngày 11/8, nữ hành khách Lê Thị Hiền (36 tuổi, trú tại Hà Nội), đi cùng khách Ngô Tiến Dũng và Lê Bảo An đến làm thủ tục chuyến bay VN248 lộ trình TP.HCM - Hà Nội.

Khi đó, bà Hiền đã gửi 4 kiện hành lý miễn cước nhưng vẫn đề nghị gửi thêm một kiện nữa. Vì quá số cân quy định nên nhân viên mặt đất của Hãng hàng không Vietnam Airlines đã từ chối nhận kiện hành lý thứ 5. Lập tức bà này có lời lẽ chửi bới, mạt sát nhân viên.

Buộc phải đồng ý mang theo hành lý xách tay, nhưng sau đó qua khâu an ninh soi chiếu, bà Hiền làm mất thẻ máy bay nên đến quầy check-in của Vietnam Airlines lớn tiếng đòi... trả vé với những lời lẽ thô tục, thậm chí vu khống nhân viên an ninh.

Những hình ảnh từ clip cho thấy, trong khi nhân viên hàng không hành xử nhã nhặn, yêu cầu hành khách nói nhỏ tránh ảnh hưởng đến hành khách khác thì bà này tỏ thái độ bất hợp tác, cố tình lớn tiếng gây náo loạn sân bay, xúc phạm người khác. Thậm chí, đoạn video còn ghi lại cảnh bà Hiền đánh nhân viên an ninh nhưng la lên bị nhân viên hành hung.

Từ hành vi của bà Lê Thị Hiền, tôi thấy có mấy vấn đề cần “soi chiếu” như sau:

Thứ nhất, là một chiến sĩ công an (báo chí đã xác minh, bà Lê Thị Hiền là cán bộ của Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự - Phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội), được đào tạo về tác phong chuẩn mực của ngành nhưng bà Hiền đã ngang nhiên vi phạm pháp luật. Cụ thể là chống lại người thi hành công vụ, gấy rối trật tự công cộng.

Theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội gây rối trật tự công cộng: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngành Công an cần thiết phải xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ vi phạm pháp luật, làm xấu hình ảnh của ngành này.

Thứ hai, với tư cách là một người mẹ, bà Hiền đã có hành vi ứng xử vô cùng xấu xí nơi công cộng, trở thành tấm gương xấu cho chính đứa con gái nhỏ đi cùng khi cháu phải chứng kiến toàn bộ vụ việc.

Có lẽ vì còn quá nhỏ (chừng 3-4 tuổi), cháu bé sẽ không thể hiểu nổi vì sao mẹ mình lại nhảy nhót, la lối và tuôn những lời lẽ tục tĩu như vậy với người khác.

“Loại mày ra ngoài gặp người khác người ta vả vào mặt mày. Loại này tôi phải chạy 5 triệu đồng facebook chửi con này, có chồng thì ế chồng, có con thì dị tật”.

Khi những hành khách khác phản ứng, yêu cầu bà Hiền nói nhỏ, không gây rối trật tự công cộng, bà này thậm chí còn thách thức cả hành khách. “Anh định làm gì tôi à, anh đánh tôi đi, ... miệng tôi to, tôi phải ăn to nói lớn”.

Thấy nữ nhân viên khóc vì bị mắng chửi, bà Hiền vẫn không chịu dừng lại, tiếp tục sa sả.

Xem clip, nhiều người cảm thấy vô cùng bất bình khi đứa bé gái liên tục bị bà Hiền kéo đi xềnh xệch trong quá trình đôi co. Cháu bé tỏ rõ vẻ sợ hãi, hoảng loạn. Thậm chí khi bé sợ quá phát khóc thì bà mẹ này không những không dỗ dành trấn can con mà lại nói: “Đúng rồi, khóc đi con…” rồi xô đẩy nhân viên an ninh và la lên rằng "Mày đánh tao", "Mày đánh con tao rồi đấy".

Thứ ba, xét dưới góc độ tâm lý ứng xử, có thể thấy người phụ nữ này đã thất bại trong việc quản lý cảm xúc của mình.

Nhân đây xin kể một câu chuyện: Tôi có người bạn, hễ gặp vấn đề trong công việc hay tình cảm thì đều lấy điện thoại ra chơi game. Người bạn khác thì chọn cách đứng dậy đi ra ngoài đi dạo một lúc. Cố tình làm chậm một nhịp đối với việc ra quyết định, những người bạn này cho biết sau đó họ thường ra quyết định chính xác hơn.

Tích xưa còn có chuyện “câu cá chờ thời” của Khương Tử Nha (Trung Quốc). Là bậc hiền tài nhưng không được Chu Văn Vương trọng dụng, Khương Tử Nha đã ẩn cư tại một nơi bên bờ sông Vị, hàng ngày đi câu nhưng không gắn mồi vào lưỡi câu mà chờ cá tự mắc vào cần câu. Bằng cách nhẫn nại đó, một ngày Chu Văn Vương phát hiện ra bậc hiền tài thông qua hành động khác người và vời tới giúp triều đình. Sau này Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương hưng bang lập quốc, còn giúp Võ Vương tiêu diệt triều Thương và trở thành công thần được người đời ca ngợi.

Trong môn học Quản trị cảm xúc đang được nhiều người quan tâm hiện nay, lý thuyết “Chậm lại 3 giây” khuyên con người bình tĩnh đánh giá lại toàn bộ vụ việc trước khi quyết định hành động. Bởi sự hối hận sau cơn nóng giận là một trong những lý do đầu tiên khiến người ta nên quan tâm đến cảm xúc của mình. Bây giờ, chắc hẳn bà Lê Thị Hiền đang vô cùng hối hận vì sự thiếu kiềm chế của bản thân.

Rõ ràng cảm xúc thì không thể điều khiển một cách triệt để được. Nhưng người ta có thể tạo thói quen cho nó. Ban đầu là ý thức được cảm xúc của mình. Tiếp theo đó là theo dõi và uốn nắn cảm xúc đó.

…..

Cách đây hơn một tháng, câu chuyện đại gia địa ốc Đất Lành Vũ Anh Cường lên máy bay ở sân bay Nội Bài, dõng dạc hỏi: “Mày biết tao là ai không?” sau khi bị cáo buộc sàm sỡ nữ hành khách cùng khoang hạng C, đã làm dậy sóng cộng đồng mạng.

Người ta “ném đá” vị đại gia địa ốc vì sàm sỡ thì ít (theo sự việc được ghi lại thì ông này có hành vi chạm tay vào vai nữ hành khách rồi trượt tay xuống dưới sườn) mà vì thái độ hống hách, thô thiển nơi công cộng thì nhiều.

Tuy nhiên, so với câu nói “Mày biết tao là ai không?” của ông Cường thì “trường đoạn” la lối, mạt sát, “vừa ăn cướp vừa la làng” của bà Lê Thị Hiền xem ra còn “nặng ký” hơn nhiều

Màn ra oai không đúng chỗ này đã khiến đại gia Vũ Anh Cường bị xử phạt tới 10 triệu đồng, do có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên máy bay…

Chúng ta cùng chờ đợi xem màn “đại náo sân bay” của bà Lê Thị Hiền sẽ bị xử lý ra sao. Chắc chắn không thể dừng lại ở mức 200 nghìn đồng mà Đồn công an Tân Sơn Nhất đã xử phạt bà này tối qua về hành vi: "Gây mất trật tự ở khu vực Cảng".

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img