Thầy cô là người chèo lái con thuyền, chở đạo đến để vun trồng nhân cách, trí tuệ của học trò chứ không phải chở những “mối tình ngang trái” để rồi gieo sóng gió cho cuộc đời các em.
Trong bất kỳ thể chế hoặc bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, mối quan hệ giữa thầy và trò luôn được đề cao, tôn trọng. Đó không đơn giản chỉ là đạo học trong môi trường sư phạm mà đó còn là đạo làm người, ẩn chứa những giá trị tốt đẹp.
Ngay từ thời phong kiến, tôn sư trọng đạo – tức tôn trọng người thầy, trọng đạo lý làm người luôn được đặt lên hàng đầu trong học hành thi cử. Học trò muốn thành công thì trước tiên phải học lễ nghĩa làm người, coi người thầy như cha mẹ của mình ở nhà.
Dưới góc độ đạo lý đó, người thầy được học trò tôn trọng, từ đó mang tâm huyết, trí tuệ, công sức để truyền tải, dạy dỗ học trò như con, em của mình những điều hay lẽ phải trong kho tàng tri thức của nhân loại để sau này trò vận dụng vàocông việc và cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Dù xã hội biến đổi theo từng thời kỳ lịch sử nhưng mối quan hệ thầy – trò luôn là mối quan hệ tình cảm thiêng liêng, đáng quý trọng.
Thời hiện đại, không thiếu những mối tình thầy – trò. Tuy nhiên, mối tình thầy và trò ở đây được hiểu rõ thầy là những giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trò là những nữ sinh viên trong trường. Ở đây, các nữ sinh viên đã bước qua độ tuổi dậy thì, đã bắt đầu có những hiểu biết về giới, về các mối quan hệ xã hội, nhận thức được tình cảm của mình.
Và người thầy nếu chưa có gia đình, phát sinh tình cảm với nữ sinh viên và được đáp lại thì cũng là điều bình thường, bởi sự chênh lệch về tuổi tác là không lớn, dễ có sự đồng cảm để tiến tới hôn nhân nghiêm túc.
Thế nhưng, sự việc một thầy giáo trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình) nhắn tin “gạ tình” nữ sinh lớp 10 mà thầy này làm chủ nhiệm là một câu “chuyện buồn” như ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình đã nói với PV Người Đưa Tin.
Trong sự việc này, nếu người thầy nhắn tin trao đổi về bài giảng, hỏi thăm tình hình sức khỏe của nữ sinh khi đau ốm sẽ là chuyện bình thường. Nhưng ở đây, những tin nhắn “mùi mẫn” của người thầy đã vượt quá giới hạn mối quan hệ thầy trò.
Không thể có chuyện thầy giáo này “vô tư” nhắn cho học trò những tin nhắn như: “Tối nay, thầy cứ mong được gặp em, hai thầy trò ở lại lâu chút nhưng rồi thầy lại bị hẫng hụt. Chán quá”. “Em chẳng hiểu sự mong mỏi, khát khao của thầy dành cho em lớn như thế nào đâu. Chỉ có thuyền mới hiểu”. “Thầy muốn em cùng nhịp đập với thầy. Nếu chỉ có tình cảm một phía thì thầy thất vọng lắm”. “Thầy chỉ mong em có được một chút cảm xúc giống của thầy dành cho em, thì em sẽ cảm nhận được phần nào tình cảm của thầy dành cho em. Gặp em chỗ đông người thì gọi gì là gặp”…
Sự việc bị dư luận lên án, một cuộc họp khẩn giữa Thanh tra Sở GD&ĐT và Ban Giám hiệu nhà trường, cá nhân thầy giáo đã diễn ra. Thầy giáo đã thừa nhận nhắn tin “quá giới hạn”, bị nhà trường tạm đình chỉ công tác chủ nhiệm, đình chỉ việc dạy học 15 ngày để chờ kết quả xử lý.
Ở đây, thầy giáo này đã trên 40 tuổi, đã có gia đình riêng. Còn nữ sinh đang học lớp 10, chưa bước qua tuổi vị thành niên, cái tuổi vô tư hồn nhiên, ăn chưa no, lo chưa tới, nhận thức về tâm sinh lý, về giới, về các mối quan hệ xã hội rõ ràng là chưa đầy đủ, hoàn thiện.
Việc thầy giáo có tình cảm vượt quá giới hạn với nữ sinh trong trường hợp này không chỉ vấp phải búa rìu dư luận, đi ngược lại các giá trị đạo đức làm thầy mà còn khiến tâm lý của nữ sinh dao động, ảnh hưởng lớn đến học tập cũng như trong cuộc sống.
Thầy cô là người chèo lái con thuyền, chở đạo đến để vun trồng nhân cách, trí tuệ của học trò chứ không phải chở những “mối tình ngang trái” để rồi gieo sóng gió cho cuộc đời các em.
Thầy cô là những người có học thức đầy đủ, bởi vậy chúng ta không thể rao giảng đạo đức đối với họ, mà vấn đề nằm trong nhận thức hành vi, hành động.
Thay vì thể hiện tình cảm quá giới hạn, người thầy nên tập trung vào chuyên môn, hiểu đúng vị trí của mình trong xã hội để góp phần vào việc trồng người, đào tạo nhân tài cho đất nước, để luôn được mọi người tin yêu, kính trọng.