Thế giới ảo và cái chết thật

Một trong những sai lầm khủng khiếp mà nhiều người lớn, những bậc cha mẹ hiện đại vô tình tạo nên bi kịch cho chính con mình, đó là dùng các thiết bị điện tử để khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn con trẻ.

img
img

Đã có những cái chết xảy ra từ thói quen trên thế giới ảo. Mạng ảo, cái chết thật là nỗi ám ảnh khôn nguôi, bởi cái ác hiện hình và bước ra từ bàn phím…

Phủ kín thời gian của đứa trẻ bằng máy tính bảng, bằng điện thoại thông minh, bằng tai nghe nhạc và vô số các ứng dụng công nghệ... Người lớn đã sai lầm khi tin rằng với trẻ em, như vậy chẳng còn có lý do gì mà buồn chán.

Tuy nhiên, khỏa lấp việc thiếu thời gian và năng lượng để ở bên vui chơi với con trẻ của cha mẹ bằng cách này đang trắng trợn tước dần năng lực tự giải trí, tự tìm kiếm giải pháp để tái tạo cảm hứng của những đứa trẻ. Và rồi một cách vô hình trung, những đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, vào thế giới ảo để cứu bản thân thoát khỏi sự buồn chán. Hệ lụy tất nhiên sẽ ập đến như một điều không thể tránh.

Cái chết của Đ., bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An mới đây thực nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Thủ phạm H., nam sinh lớp 11 được nạn nhân tin tưởng và chính cậu bé đã xin mẹ cho sang nhà anh hàng xóm chơi.

H. khai nhận đưa bé Đ. vào khu vực rừng dẫn đến cái chết của bé là do nam sinh này thực hiện theo trò chơi điện tử giấu bé rồi sau đó làm "người hùng" đi giải cứu. Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm, H. lo sợ không đưa bé về nữa, dẫn đến sự việc đau lòng. Đây là lúc con nghiện thế giới ảo phải đối diện với thực tại và không biết xử lý thế nào.

Căn bệnh nghiện game của H. có chăng giống như thủ phạm tên An, ở Nghệ An hồi năm ngoái sát hại lái xe taxi xong dường như mới sực tỉnh đây không phải trò chơi game? Bệnh của H. cũng giống như việc nam sinh viên Cần Thơ lên kế hoạch sát hại 10 người theo một mệnh lệnh ảo của chủ nhóm game? Và sự việc này cũng có điểm tương đồng với vụ hai học sinh của tỉnh An Huy, Trung Quốc sát hại cụ già rồi dùng rượu hỏa thiêu bắt chước trò luyện đan trong game?

H., An hay hai học sinh Trung Quốc kia có chăng chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm của những bi kịch về những đứa trẻ, người trẻ đối mặt với bi kịch: Mong muốn được yêu thương, mong muốn cuộc sống có ý nghĩa nhưng đã thất bại trên chặng đường kiếm tìm?

Trong hành trình vươn mình trưởng thành, trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì, trải qua vô vàn những xung đột, khủng hoảng trong tâm sinh lý. Cảm giác cô đơn, trống trải, vô định của lứa tuổi ấy hơn bất cứ bao giờ cần một bàn tay nắm chặt sẻ chia, một ánh mắt yêu thương xoa dịu cơn nổi loạn bất ngờ của tuổi trưởng thành, một cái đầu lạnh để ngăn chúng lạc lối sai đường...

Vậy nhưng có bao nhiêu người lớn hiểu được điều đó để mà không dán nhãn “lười”, “vô trách nhiệm” lên những đứa trẻ như tờ giấy trắng? Có bao nhiêu cha mẹ vì con mà bỏ những thú vui bản thân?

Bao cột mốc quan trọng trong cuộc đời của những đứa con và bố mẹ đã bỏ lỡ bao nhiêu cột mốc với quỹ thời gian luôn thiếu thốn của mình? Bao lâu trong mỗi ngày, mỗi tuần các con được thỏa sức ngồi thật lâu bên bố mẹ để nhìn vào mắt nhau, để nói những câu chuyện vu vơ hay chỉ đơn giản, lặng yên cùng ngắm nhìn một điều tươi đẹp nào đó? Bao nhiêu? Có bao nhiêu khoảnh khắc hạnh phúc như vậy? Bao nhiêu lần trẻ đọc được cảm xúc của bố mẹ hay được thể hiện cảm xúc của mình?

Hay là mỗi ngày điệp khúc vô cảm “Bố bận lắm!”, “Mẹ không có thời gian!”, “Để lúc khác nhé”, “Mày xem bố có để cho mày thiếu cái gì đâu”, “Vì ai mà tao lao tâm khổ tứ thế này”… lặp lại đầy ám ảnh?

Kỷ nguyên công nghệ số tưởng như đã cứu rỗi cho những ông bố bà mẹ yêu việc hơn con, trọng vật chất hơn tinh thần. Sự sôi động của mạng xã hội, sự cuốn hút của game, của những giao lưu trực tuyến... từ các thiết bị công nghệ được người làm cha làm mẹ, một cách vô tình hay cố ý, gắn trọng trách: Bù đắp cho sự thiếu vắng thời gian dành cho con của họ. Nhưng xin thưa, sự thực rằng càng chìm vào thế giới ảo, sự cô đơn, vô định và nỗi buồn trong trẻ càng ngày một lớn.

Khảo sát trên tạp chí American Journal of Preventive Medicine đã từng chỉ ra thời gian trải nghiệm mạng xã hội có thể mang đến cảm giác thèm muốn điều người khác có và niềm tin vô lý rằng người khác đang có một cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn mình.

Đó là lý do không phải ngẫu nhiên, từ gần chục năm về trước, Hàn Quốc, đất nước nổi tiếng vì công nghệ sản xuất thiết bị thông minh đã phải tổ chức các lớp học đặc biệt về nghiện internet và triển khai các trại huấn luyện du lịch để giúp các học sinh cai nghiện thiết bị thông minh.

Chưa bao giờ thế giới ảo lại thu hút nhân loại như hiện nay. Làm cha mẹ của những đứa trẻ thời đại công nghệ này bởi vậy cũng thật nhiều thách thức và trở ngại.

Có điều, giống như trên một bàn cờ, quân vua yếu đuối và vô dụng nhất, tuy nhiên nó cũng lại là quan trọng nhất, mất vua coi như mất tất cả. Con cái với cha mẹ cũng giống như quân vua trên bàn cờ vậy. Nỗ lực để tận hưởng những điều kì diệu mà những đứa trẻ mang đến cho cuộc sống của chúng ta chưa bao giờ lỗi nhịp và hãy giành lại những đứa con của mình từ sức mạnh ma mị của thế giới ảo. Nếu không, rất có thể một ngày bạn sẽ mất đi máu mủ của mình theo một cách bi thảm nhất...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img