Tôi thấy ngạc nhiên, không ngờ nhiều người yêu quý Sulli đến vậy. Nhưng chỉ đến khi cô gái ấy chọn cách đau thương nhất để giải thoát, những mỹ từ mới được thốt ra để an ủi linh hồn người đã khuất.
Chỉ trong vài giờ, thông tin về nữ ca sĩ Hàn Quốc Sulli đột ngột qua đời ở tuổi 25 gây chấn động giới truyền thông không chỉ trong nước mà cả châu Á. Khắp nơi trên mạng xã hội xuất hiện những tin tức về sự ra đi của Sulli, cùng với đó là vô vàn những thương tiếc dành cho cô gái xinh đẹp quyết định từ bỏ cuộc sống ở độ tuổi đẹp nhất ở cuộc đời.
Tôi thấy ngạc nhiên, không ngờ nhiều người yêu quý Sulli đến vậy. Nhưng chỉ đến khi cô gái ấy chọn cách đau thương nhất giải thoát, những mỹ từ mới được thốt ra để an ủi linh hồn người đã khuất.
Trước đó, cũng từ mạng xã hội, cũng từ miệng lưỡi kẻ đời lại chỉ có những lời ác ý và cay nghiệt, vì Sulli lựa chọn lối sống buông thả, phóng đãng, vượt ra khỏi cái mác ca sĩ thần tượng. Vậy lời nào là thật lòng?
Xót xa biết chừng nào khi cô gái bé nhỏ từng thẳng thắn bộc bạch: “Em nói rằng bản thân đã kiệt sức rồi, nhưng không một ai lắng nghe cả".
“Không một ai” nghe có vẻ phóng đại quá không? Sulli có một gia đình tuyệt vời, những người bạn thân thiết, một lượng lớn người hâm mộ, và cô hoàn toàn có thể tìm đến một bác sĩ tâm lý hàng đầu.
Khi Sulli còn sống, chúng ta sẽ tắt TV và cho rằng sẽ có ai đó – không – phải – mình sẽ giúp cô ấy. Khi Sulli mất, chúng ta lại nghe ra rả câu nói đầy ám ảnh và tự vấn: “Vì sao mình không làm gì?”.
Ai đó đã từng nói: “Người đầu tiên rời khỏi bữa tiệc là người cảm thấy lạc lõng, kẻ từ bỏ cuộc sống không phải lúc nào cũng suy nghĩ méo mó mà đôi khi lại là người cô độc”.
Sulli chỉ là một trong hàng nghìn mảnh ghép buồn, trong hàng triệu người chọn rời khỏi bữa tiệc, phải thầm lặng đấu tranh với sự cô quạnh, đấu tranh với căn bệnh trầm cảm. Họ gồng mình lên chiến đấu với nội tâm trong khi vẫn nở một nụ cười giả tạo với cuộc sống bên ngoài.
Họ buộc phải nở nụ cười khi không ai đón nhận nỗi buồn của họ, không ai muốn cùng họ vượt qua. Mọi người chỉ muốn xua đi những phút giây đau buồn của những người lạc lối mà không thực sự muốn dính líu đến những rắc rối mà họ phải gánh chịu bấy lâu nay. Mọi người cho rằng mình luôn sẵn sàng lắng nghe rằng mình luôn ở bên nhưng đâu thực sự thấu hiểu những gì mà con người đau khổ kia đang trải qua.
Và khi mọi người nghe về những ý nghĩ tiêu cực họ lại lên tiếng chỉ trích, yêu cầu người kia không được nhắc đến chúng nữa. Bạn cho rằng sự phản đối mạnh mẽ là một cách quan tâm chăm sóc. Bạn cố gắng dập tắt những ý nghĩ sai lệch bằng một gáo nước lạnh, dứt khoát và phũ phàng.
Nhưng sự gay gắt dù mục đích tốt hay xấu cũng mang lại những cảm xúc tiêu cực. Những người đau khổ đã phải nhận quá nhiều sự chỉ trích, họ không còn cần điều đó nữa. Sự “giúp đỡ” cực đoan ấy chỉ đẩy họ xa hơn ra khỏi cộng đồng, xã hội.
Chẳng trách vì sao họ cảm thấy cô độc trong vòng tay “yêu thương” của gia đình và bạn bè.
Hãy đưa bàn tay nắm lấy những người đang chới với, đừng để họ rơi vào hố sâu của tuyệt vọng. Bình tĩnh và lắng nghe họ, để hiểu được nguồn gốc của những ý nghĩ tăm tối trao cho họ sự thấu hiểu rồi cùng họ vượt qua, tìm giải pháp tích cực hơn.
Trong lúc buồn đau có thể họ sẽ không đủ tỉnh táo để tìm được hướng đi cho mình, hãy đi cùng họ đến tận cùng của tăm tối và dẫn lối họ trở lại với ánh sáng. Hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn với họ, từng bước thắp lên hi vọng trong họ, sưởi ấm trái tim và cho họ thấy rằng cuộc sống này không chỉ có những thương đau. Và khi họ sẵn sàng mở lòng, họ hiểu được tình thương mà gia đình, bạn bè và cả cộng đồng này cho họ.
Đừng để những lời yêu thương trở nên muộn màng, hãy giúp đỡ nhau khi còn có thể.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả