img

Thi hội khỏe mà bất chấp thì sẽ thành hội yếu

Cẩm Mịch

Hình ảnh hàng trăm học sinh tại Thừa Thiên - Huế phải dầm mình dưới mưa tham gia Hội khỏe Phù Đổng đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Lý giải từ phía đại diện phòng GD&ĐT càng thể hiện căn bệnh thành tích, bệnh hình thức trầm kha trong giáo dục.

Thi hội khỏe hay thi để ốm?

Mới đây, Hội khỏe Phù Đổng huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) năm 2020 vừa diễn ra với sự tham gia của học sinh từ hơn 40 trường tiểu học và THCS toàn huyện. Điều đáng nói là ngoài các môn thi tổ chức trong nhà như cầu lông, cờ vua, bóng bàn… một số môn thi ngoài trời như chạy (nhiều nội dung), nhảy xa, nhảy cao, bật nhảy dành cho bậc tiểu học, THCS (cả nam và nữ) được tổ chức dù trời đang mưa, rét (nhiệt độ khoảng 16 - 17 độ C). Không chỉ thế, nơi để thi môn điền kinh là sân của nhà văn hóa xã Lộc Bổn (cạnh QL1A) đang ngập nước mưa khiến học sinh bị ngã khi chạy với đôi chân trần.

Sau khi những hình ảnh trên được chia sẻ, không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của hàng trăm học sinh trong buổi thi đó, đồng thời, cũng không khỏi băn khoăn về quyết định tổ chức các nội dung thi của địa phương này, bởi Hội khỏe diễn ra ngay trước thềm thi học kỳ I.

img

Đáng nói, khi dư luận quan tâm đến sự việc trên, đại diện phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc còn cho rằng, phản đối việc đưa học sinh chạy, nhảy dưới trời mưa, rét là suy nghĩ thiển cận, bởi: “Bóng đá ở Thường Châu mang tầm châu Á, mưa tuyết mà họ vẫn lấy cào mà cào để đá còn đây chỉ là mưa bay bay mà thôi”.

Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL), PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT - cũng bày tỏ: “Hội khỏe Phù Đổng là đại hội thể dục thể thao của học sinh phổ thông các bậc học, cấp học; nhằm thúc đẩy phong trào thể dục thể thao học đường, góp phần nâng cao phong trào rèn luyện thân thể cho học sinh. Tuy nhiên, không phải vì tổ chức một Hội khỏe mà bất chấp”.

Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT chỉ ra: “Khi tổ chức bất kỳ một hoạt động gì cũng cần các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó, thời tiết là rất quan trọng. Trong một cuộc thi đối với phạm vi toàn quốc thì cần phải nhanh chóng tìm biện pháp để khắc phục khi không có đẩy đủ các yếu tố đó. Còn đối với hoạt động của một địa phương, tôi cho rằng, không tổ chức vào lúc này thì có thể lui lại tổ chức vào buổi sau.

img

Bây giờ, việc theo dõi thời tiết cực kỳ đơn giản. Nếu thời tiết thuận lợi thì tổ chức, nếu không thì phải hoãn lại. Trên thực tế, nếu học sinh vì cố gắng tham gia Hội khỏe Phù Đổng xong mà chẳng may bị ốm, rồi ảnh hưởng đến kỳ thi sắp tới thì điều đó lại trở thành nguy hại”.

TS.Võ Văn Đăng - Trưởng bộ môn khoa Giáo dục Thể chất (trường đại họcVinh) - cũng cho rằng: “Hoạt động thể chất phải phù hợp với từng lứa tuổi và từng điều kiện thích hợp”.

Theo TS.Võ Văn Đăng phân tích, khi nhiệt độ quá lạnh, thí sinh tham dự những nội dung phải thi đấu ngoài trời sẽ gặp nhiều khó khăn. “Thứ nhất, trong quá trình tham gia thi đấu, trang phục của các thí sinh thường không thể đảm bảo độ ấm. Đối với các môn thi trong nhà thì không sao nhưng với những môn thi ngoài trời thì không đảm bảo vấn đề thể chất cho các em. Chính vì vậy, khi phải tham gia thi trong điều kiện thời tiết xấu, sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe của thí sinh. Còn trong trường hợp, nếu như học sinh mặc nhiều trang phục để giữ ấm thì cơ thể lại mất đi sự linh hoạt, khó mang lại thành tích tốt trong cuộc thi” - ông cho biết.

Bệnh thành tích đã quá nặng

img

Chính vì những bất lợi đó, TS.Võ Văn Đăng cho rằng, khi điều kiện thời tiết bất lợi, không nên tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, đặc biệt là các nội dung thi ngoài trời: “Theo tôi, không nên tổ chức mà nên cắt bỏ bớt những bộ môn thi đấu ngoài trời, hoặc có thể bố trí, sắp xếp lùi lịch lại, tổ chức thi đấu vào thời điểm khác”.

Nhắc đến những lý giải của đại diện ban tổ chức, TS.Võ Văn Đăng bày tỏ: “Không thể có một sự so sánh khập khiễng như vậy! Đây là hai đối tượng khác nhau, trình độ khác nhau. Và kể cả trận thi đấu tại Thường Châu giữa mưa tuyết như năm đó, khi ban Tổ chức quyết định để diễn ra trận bóng đó, truyền thông và báo chí cũng không ủng hộ về mặt chuyên môn”.

“Muốn tổ chức một Hội khỏe Phù Đổng, phải lựa chọn được thời điểm thích hợp và phải có kế hoạch từ trước. Nếu thời tiết mưa rét, sẽ rất khó thực hiện, bởi, không đảm bảo an toàn cho học sinh, mà nếu có tổ chức được thì kết quả thi cũng không phản ánh được toàn bộ thực lực. Vì vậy, không thể “cố đấm ăn xôi”, tổ chức mang tính chất thủ tục, thực hiện cho xong” - vị giảng viên trường đại học Vinh nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của TS.Võ Văn Đăng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng đánh giá: “Có thể, chính những người đứng ra tổ chức Hội khỏe Phù Đổng bị nặng nề về bệnh thành tích, cố gắng thực hiện bằng được mà không xem xét hết mọi điều kiện, thậm chí có phần hơi bảo thủ”.

Có nhiều cách để rèn luyện!

Thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, không thiếu cơ hội để cho học sinh rèn luyện, không nhất thiết phải dầm mưa thi đấu.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước câu chuyện học sinh ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) phải thi đấu Hội khỏe Phù Đổng dưới mưa, đang trở thành “tâm điểm” của dư luận.

img

PV: Từ câu chuyện hàng trăm học sinh phải dầm mưa tham dự Hội khỏe Phù Đổng, xin thầy cho biết quan điểm của mình?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Việc tổ chức các chương trình về thể dục thể thao cũng đều đã có các quy chế, quy định cụ thể về thể lệ thi đấu, ban Tổ chức phải phổ biến đến toàn bộ thí sinh tham dự. Nếu điều kiện thời thiết không thuận lợi ở một mức độ nào thì các em sẽ không phải thi đấu hoặc có thể dời lịch thi đấu lại sau, chứ không thể cứ nhất định phải tổ chức ngay bằng được, nhất là hoạt động ngoài trời. Ban Tổ chức thi ở bất kỳ cấp độ nào cũng phải có kế hoạch và lường trước những tình huống có thể xảy ra, không phải cứ bất chấp thời tiết để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Nếu như chưa chuẩn bị những phương án trong các tình huống đó, là lỗi ở ban Tổ chức, đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm mà vẫn không thể lường trước, đó là điều không thể! Còn nếu nhận thấy khi thời tiết bất lợi mà vẫn cố tình tổ chức thì lại càng sai.

Chúng tôi cũng từng gặp những tình huống tương tự về thời tiết khi tổ chức các hoạt động rèn luyện cho học sinh, nhưng thay vì bất chấp, chúng tôi quyết định hoãn lại hoặc có phương án thay thế và tổ chức bù vào một buổi khác. Tất cả phải đề cao sự an toàn của học sinh là trên hết.

Ngay cả một chuyện rất đơn giản như khai giảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo, không được tập dượt trước dưới trời nắng, chỉ tổ chức trong thời gian ngắn nhất để tránh ảnh hưởng của thời tiết đến sức khỏe của học sinh. Bởi vậy, muốn làm gì cũng phải chú ý đến an toàn của học sinh.

PV: Sau khi vấp phải phản ứng của dư luận, phía phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc lại so sánh với trận bóng đá của U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc) trong điều kiện mưa tuyết. Thầy có đồng tình với cách lập luận này?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Mọi so sánh đều là khập khiễng, bởi lẽ, thí sinh tham dự thi đấu Hội khỏe Phù Đổng ở đây là những học sinh tiểu học và THCS, còn trong trận bóng của U23 tại Thường Châu là những vận động viên chuyên nghiệp, đã được rèn luyện suốt bao nhiêu năm. So sánh về thể lực, thể chất và cả các điều kiện về tâm lý, tất cả đều không tương xứng. Học sinh tiểu học, THCS chưa thể phát triển đầy đủ từ thể chất, tâm lý đến khả năng chịu đựng…, sao có thể đặt vào so sánh?

PV: Một số ý kiến cho rằng, để học sinh thi đấu dưới mưa cũng là một cách để rèn luyện thể lực. Điều đó có thực sự cần thiết không, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Quốc Bình: Để rèn luyện ý chí của một vận động viên, có rất nhiều cách, đâu phải chỉ có duy nhất một cuộc thi này. Chưa kể, nếu như chỉ vì chăm chăm thực hiện cho xong cuộc thi này, mà bỏ qua các điều kiện, không đảm bảo sức khỏe của học sinh thì thậm chí còn nguy hại chứ không phải là tốt.

Việc quyết định linh hoạt trong các điều kiện khác nhau cũng là một cách để rèn luyện cho học sinh về kỹ năng sinh tồn, các em phải biết lúc nào thì thực hiện, lúc nào thì phải tìm cách để bảo vệ mình, chứ không phải cứ bất chấp mọi thời tiết. Làm như vậy là một sự hy sinh vô ích, không phù hợp.

Đây cũng là một bài học về công tác giáo dục!

Xin cảm ơn thầy!

“Chẳng ai vui, khỏe được trong tình huống như vậy”

“Theo tôi, những hoạt động có hại đến sức khỏe của học sinh thì nên hạn chế, đặc biệt, trong tình hình này, khi trong nước và trên thế giới vẫn còn tồn tại dịch Covid-19. Đây là thời điểm chúng ta nên tập trung chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nâng cao đề kháng và giảm những hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trời mưa rét mà còn bắt thi Hội khỏe Phù Đổng để làm gì? Chẳng ai vui vẻ và khỏe mạnh được trong tình huống như vậy!” - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ngay sau khi báo đăng tải thông tin, ông Nguyễn Tân - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê bình những người liên quan ngành GD&ĐT huyện Phú Lộc về việc tổ chức những môn thi của Hội khỏe Phù Đổng ngoài trời mưa, rét. Theo chỉ đạo ngày 23/12, sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn gửi phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc yêu cầu báo cáo, giải trình sự việc. Theo ông Tân, quan điểm của Sở thì Hội khỏe Phù Đổng là một hoạt động cần thiết nhằm rèn luyện thể chất cho học sinh. Tuy nhiên hoạt động này phải được tổ chức trong điều kiện thuận lợi, không được ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của học sinh. Trước làn sóng phản đối của dư luận, phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc đã hoãn thi hai môn còn lại là bóng đá và bơi lội.

C.M

img