img

Thị trường ô tô nhập khẩu “ế ẩm” sau giảm 50% lệ phí trước bạ

Đỗ Tuấn

Nghị định 70/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng ô tô nội địa được kỳ vọng là giải pháp khắc phục “khủng hoảng” và kích cầu kinh tế sau đại dịch. Tuy sản phẩm nội địa đã có khởi sắc nhưng thị trường ô tô nhập lại rơi vào trạng thái ảm đạm, lượng khách mua sản phẩm giảm sâu.

Doanh nghiệp “than ngắn”, người mua “thở dài”

Kể từ khi Nghị định 70/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc giảm 50% lệ phí trước bạ, thị trường ô tô nội địa đã có khởi sắc, ấm dần lên khi nhận được những gói hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, sau gần một tháng Nghị định có hiệu lực thì thị trường ô tô nhập lại ảm đạm, lượng khách quan tâm giảm đáng kể, sản phẩm ế ẩm không có người mua… khiến nhiều cơ sở kinh doanh ô tô nhập “chao đảo” đứng ngồi không yên.

Đồng thời với các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, túi tiền của người dân cũng là vấn đề đáng quan ngại, thu nhập bấp bênh vì nghỉ dịch kéo dài. Do đó, các doanh nghiệp “than ngắn” người mua cũng “thở dài” bởi có nhu cầu nhưng eo hẹp về tài chính. Đây cũng là một phần đáp án trả lời cho bài toán kinh tế “ế vẫn hoàn ế” của thị trường ô tô sau dịch Covid-19.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 6/2020, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm mạnh 27% (tương ứng giảm 1.314 chiếc) so với lượng nhập khẩu trong tháng trước.

Cụ thể, lượng nhập khẩu trong tháng này là 3.552 chiếc, tương ứng đạt 97,9 triệu USD. Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng trước đạt 4.886 chiếc với trị giá đạt gần 109 triệu USD. Trong tháng 6, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 3 thị trường chính là từ Thái Lan với 1.092 chiếc, từ Trung Quốc với 716 chiếc và từ Indonesia với 638 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm tới 87% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng. Cụ thể, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có 2.082 chiếc được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với trị giá đạt 32,8 triệu USD, chiếm 58,6% lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu. Với kết quả này, số xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam trong tháng đã giảm tới 48,9% (tương đương giảm 1.989 chiếc) so với tháng trước. Xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống được đăng ký nhập khẩu trong tháng 6/2020 chủ yếu là xe xuất xứ từ Thái Lan với 1.313 chiếc, tăng 39,5% và xe xuất xứ từ Indonesia với 379 chiếc, giảm 85,1% so với tháng trước.
img
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, anh Trần Thế Cường, nhân viên bán hàng tại một showroom ô tô nhập tại Hà Nội cho biết: “Thời gian gần đây, thị trường ô tô nhập cũng bị ảnh hưởng từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ, khiến khách hàng không mấy mặn mà đối với các sản phẩm ô tô nhập thời điểm hiện tại. Khi khách hàng mua các sản phẩm ô tô được sản xuất trong nước sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí thì họ cũng không mấy quan tâm đến vấn đề xe được sản xuất từ đâu. Do đó, thị trường ô tô nhập mới rơi và tình trạng ế ẩm”.

Theo anh Cường, ảnh hưởng về việc giảm lệ phí trước bạ, nhưng giá các sản phẩm xe nhập vẫn giữ nguyên không có gì thay đổi… Ảnh hưởng chủ yếu là xe nhập mới. Một số hãng xe phổ biến có xe nhập, xe sản xuất trong nước, tuy nhiên, về mức giá lại khác nhau, xe sản xuất trong nước thì được giảm 50% lệ phí trước bạ, xe nhập thì giữ nguyên giá khi mua. Đối với các hãng xe lớn tại Việt Nam, hầu như không bị tồn đọng về sản phẩm, vì những hãng đó thường có khách thì hãng mới đặt xe về.

Cũng theo anh cường thông tin, hiện tại, một số đơn vị kinh doanh xe nhập tại Việt Nam cũng đang đề xuất được giảm lệ phí trước bạ giống như xe ô tô sản xuất ở trong nước.

Cần ưu tiên phục hồi phát triển kinh tế nội địa

Bên cạnh mặt tích cực của Nghị định thì một số doanh nghiệp mua bán và phân phối ô tô nhập khẩu cũng bắt đầu đề xuất đòi quyền lợi khi rơi vào cảnh “thất thu” kéo dài, vốn đã “ế” nay còn cạnh tranh khắc nghiệt với các hãng ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã đưa ra đề xuất về giảm lệ phí trước bạ cho cả các dòng ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, theo chuyên gia nhận đinh, đề xuất của các doanh nghiệp nhập khẩu là không hợp lý trong thời điểm hiện tại. Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Bằng – Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội nhận định: “Thị trường xe nhập khẩu rơi vào tình trạng khó khăn như hiện tại vì hai lý do, thứ nhất là quy luật của thị trường, thứ hai là ưu tiên phục hồi, phát triển kinh tế nội địa sau dịch Covid-19 của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các doanh nghiệp lắp ráp trong nước đóng góp doanh thu rất lớn. Ngoài đóng góp doanh thu lớn cho Nhà nước thì họ còn giải quyết khâu người lao động, nên việc kích cầu các doanh nghiệp trong nước là phù hợp trong thời điểm hiện tại, là một quyết định sáng suốt của Chính phủ”. Về kiến nghị của các doanh nghiệp nhập khẩu là không hợp lý trong thời điểm hiện tại, ông Bằng nhận định: “Giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô nhập khẩu là không đúng với mục đích kích cầu trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát triển”. Thị trường nhập khẩu là thị trường phụ thuộc, vì vậy khâu nhập khẩu cũng được quyết định bởi cơ chế chính sách và thuế theo quy định của Nhà nước. Không chỉ có các hãng tô tô nhập khẩu phải tuân thủ quy định thuế phí mà các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô nội địa cũng phải chịu trách nhiệm về các loại thuế nhập khẩu linh kiện. “Nếu không giảm lệ phí trước bạ cho xe nhập khẩu mà kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu chẳng hạn thì vô hình trung không khác gì tay phải đập tay trái, gây ảnh hưởng đến nguồn ngân sách của Nhà nước, không đảm bảo ngân sách thì làm sao có thể chống chọi tốt trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại được”, ông Bằng nêu quan điểm.

Lượng ô tô xe nhập khẩu giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, tính trong 6 tháng đầu năm nay, lượng ô tô nguyên chiếc các loại đạt 40.288 chiếc, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 30.605 chiếc, giảm 44,2%; ô tô vận tải là 7.381 chiếc, giảm 56,6%.

img

Đ.T

img