Mấy ngày vừa qua, nhiều vận động viên từng tham gia nhiều giải chạy marathon vẫn chưa hết bàng hoàng khi một vận động viên tham gia giải Dalat Ultra Trail 2020 ở Lâm Đồng bị lũ cuốn trôi và tử vong. Những người tham gia cuộc thi cho biết trưa 20-6 xuất hiện một trận mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước lũ dâng cao đột ngột. Khu vực nạn nhân tử vong là vùng rừng núi hoang sơ, địa hình hiểm trở và có nhiều suối sâu, suối cạn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ban tổ chức giải Dalat Ultra Trail 2020 đã tạm dừng mọi hoạt động liên quan đến việc tổ chức giải để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả vận động viên. Được biết, giải siêu marathon quốc tế Dalat Ultra Trail là giải chạy địa hình lớn thuộc hệ thống Asia Trail Master. Giải đấu cũng thu hút nhiều vận động viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và người nổi tiếng đến từ nhiều nước.
Ngay sau sự việc đáng tiếc xảy ra, PV đã có cuộc trò chuyện với anh Ngọc Thịnh (SN 1991, Hà Nội) là người đam mê cũng như đã chinh phục không ít những giải marathon. Nói về lý do tham gia các giải chạy anh Thịnh cho hay, hiện nay phong trào chạy đang phát triển rất mạnh mẽ trong cộng đồng, nhất là đối với những “phượt thủ” đam mê xê dịch, vì thế họ tham gia các giải chạy từ đường bằng đến đường núi, thậm chí vách đá treo leo. Với mỗi người, khi đã hoàn thành xong một giải chạy họ lại muốn dần độ khó trong việc để tự khẳng định mình.
Các vận động viên lên đường với niềm háo hức nhưng không phải ai cũng có thể hoàn thành (Ảnh NVCC).
“Với địa hình Việt Nam có nhiều rừng núi nên tham gia các giải chạy nhất là chạy trên núi vừa là khó khăn nhưng cũng là thách thức để các vận động viên chinh phục. Tôi nhớ, cách đây không lâu tôi tham gia giải chạy Vietnam Mountain marathon tại Sapa (Lào Cai) với cự ly từ 10km đến 100km.
Trong giải chạy có rất nhiều vận động viên nữ, nghiệp dư tham gia nên chúng tôi cũng được phổ biến luật lệ cũng như những khó khăn mà bản thân mỗi người đã phải trải qua. Không ai có ý định lùi bước ở vạch xuất phát và ai cũng mang tâm thế háo hức. Tuy nhiên, không ai lường trước được việc gì sẽ xảy ra khi thời tiết thất thường”, anh Ngọc Thịnh nhớ lại.
Thế nhưng, quãng đường lại “không như là mơ” đối với các vận động viên. Theo anh Thịnh, khi chạy được khoảng 2 tiếng là bắt đầu vào đến đoạn địa hình hiểm trở, thường xuyên phải băng mình qua các con suốt thì trời bắt đầu đổ mưa.
Thời tiết mưa thực sự là một thách thức lớn đối với những người nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Bởi, đường đi sẽ trở nên lầy lội và trơn trượt hơn. Vì thế, không ít các nữ vận động viên đã phải gọi sự trợ giúp khi đi được nửa đường.
“Tôi nhớ rất rõ, tôi cũng đồng nghiệp của mình khi đi được gần hết một sườn núi, lúc đó cả hai anh em đã thấm mệt, đang tính dừng chân để ngồi nghỉ ngơi thì bỗng nhiên một hòn đá từ vách núi rơi xuống, có lẽ là do mưa quá to. Đồng nghiệp đi cùng tôi hô to “chạy nhanh, nhanh lên không chết đấy”.
Khi tôi chưa kịp định hình có chuyện gì đang xảy ra thì bị bàn tay của anh đồng nghiệp đẩy mạnh ra chỗ khác. Rất may hòn đá rơi chệch hướng nếu không chúng tôi đã…không thể trở về. Có những đoạn, vì đường quá trơn chúng tôi phải bò và bị trượt chân, sau đó lấy cây rừng làm trụ để lôi nhau lên lại vị trí ban đầu. Qua mấy pha nguy hiểm tôi bị thương ở chân phải, được anh bạn đồng nghiệp băng bó và vẫn cố chinh phục hết quãng đường còn lại, với đúng thời gian quy định”, anh Thịnh bàng hoàng nhớ lại.
Sự cố nguy hiểm lần đó khiến cả anh Thịnh và bạn đi cùng lo sợ cho những giải chạy tiếp theo khi phải vượt qua những dốc núi cheo leo. Từ đó, bản thân anh Thịnh cũng tự mình rút ra được nhiều kinh nghiệm khi tham gia những chặng đường băng rừng, vượt núi là phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Mỗi người cần phải nghiên cứu trước địa hình theo độ cao mà ban tổ chức đã cung cấp, ngoài ra phải kiểm tra thời tiết vào ngày chạy.
Một vận động viên đang cố vượt qua cung đường khá nguy hiểm (Ảnh NVCC).
Các vận động viên dù chuyên nghiệp, hay nghiệp dư nên mang theo dày dễ thoát nước, có độ bám tốt để đảm bảo độ bám trong suốt quá trình chạy. Không nên đi giày thể thao thông thường vì nó là đế phẳng, độ bám kém. Quần áo khi mặc cũng phải là quần áo thấm hút mồ hôi, mau khô, tránh mặc đồ quá dày
Nên chuẩn bị gậy chạy hoặc trong quá trình chạy cố kiếm lấy một chiếc gậy bằng tre để chống đỡ, tránh bị trơn trượt. Đèn pin cũng là vật dụng không thể thiếu đối với một vận động viên tham gia giải marathon. Bởi, trong trường hợp thời tiết xấu có thể bị kẹt lại có thể tìm đường đến các điểm check point gần nhất để có sự trợ giúp của cứu hộ.
Áo mưa, thuốc men, đồ ăn cũng phải được chuẩn bị kỹ. Nếu không chuẩn bị kỹ các vật dụng lẫn kiến thức, sự phòng tránh,rất có thể bạn sẽ không còn cơ hội về nhà lành lặn.
M.T