Từ vụ thủ khoa đầu vào đại học Sư phạm Hà Nội xin nghỉ học do liên quan đến việc gian lận điểm thi, tôi bất giác đau và nhớ đến nữ thủ khoa đầu ra đại học Sư phạm Hà Nội 2 cầm tấm bằng giỏi về nhà chăn lợn. Nếu việc gian lận trót lọt, liệu Trần Phương Thảo có cầm được tấm bằng giỏi và về nhà chăn lợn không?
Nữ sinh Trần Phương Thảo quê tỉnh Hòa Bình, trở thành Thủ khoa ngành Sư phạm Văn với số điểm 27.75, cũng là thí sinh có điểm đầu vào cao nhất của đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018. Thời điểm đó, "cơn bão" gian lận điểm ở Hòa Bình đang khiến dư luận cả nước xôn xao.
Vậy nhưng, Thảo tự tin khẳng định: "Điểm số đó là do bản thân em tự làm được chứ không phải bằng một tác động nào hết. Và em tự tin, tự hào về điều đó”. Thế mà nay, Thảo lại tự xin nghỉ với lý do gian lận điểm thi.
Từ chuyện của Thảo, tôi nhớ chuyện của em Bùi Thị Hà. Hơn một năm sau khi ra trường, cô thủ khoa đại học Sư phạm Hà Nội 2 (năm học 2015-2016) đã quen với việc đồng áng, nuôi lợn cùng mẹ.
Ra trường với tấm bằng giỏi, Hà là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), một sự kiện thường niên do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức. Nhưng thế, có lẽ chưa đủ để cô có thể xin việc ở quê nhà.
Ai đã tước đoạt "biên chế" của một thủ khoa ra trường với tấm bằng giỏi? Những người như Thảo chăng? Đó là câu hỏi cần được kiểm chứng và có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.
Nhưng, tôi chắc nếu Thảo ra trường dù không được tấm bằng giỏi, cô ấy vẫn không phải đi chăn lợn, hoặc làm một công việc trái ngành để chờ "biên chế". Bởi, Thảo đã được trải thảm từ đầu, con đường danh vọng của Thảo được lót bằng những con điểm giả dối, bằng sự tước đoạt cơ hội của những học sinh miệt mài học tập bằng lòng trung thực.
Một việc khó là thay đổi điểm số của một kỳ thi cấp Quốc gia mà "ê-kíp" của nữ sinh này còn làm được thì "biên chế" vào dạy tại một ngôi trường ở địa phương hẳn không khó, hoặc quá dễ dàng. Có lẽ, nơi Thảo về dạy học và rồi thăng tiến đã được hoạch định, chỉ đợi nữ sinh mang tấm bằng tốt nghiệp trở về quê hương.
Nước mắt của thủ khoa chăn lợn sẽ không tái diễn với nữ thủ khoa dỏm đã ngạo nghễ, tự tin che lấp sự giả dối ở ngày khai giảng dưới mái trường đại học.
Đam mê dạy học của Bùi Thị Hà sẽ phải nhường chỗ cho những sắp đặt đen tối phía sau dành cho những người như Thảo. Những trẻ thơ đáng ra được học với cô giáo Hà có tài năng thực thụ, lại phải dùi mài trên ghế nhà trường bằng sự giả dối như cô Thảo. Bởi, ai dám chắc Thảo sẽ lĩnh hội hết những điều học ở giảng đường sư phạm khi cô ấy bắt đầu bằng sự giả dối, trơ trẽn.
"Đâm lao phải theo lao", nếu không đủ năng lực giảng dạy, Thảo có thể lại phải "chạy giáo viên giỏi" hay chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục chăng? Nếu đúng vậy, sự nghiệp “trồng người” của đất nước lại trở thành trò “đánh lận con đen” của những người đáng ra phải đi chăn lợn? Và điều tôi lo sợ nhất là cô Thảo có thể sẽ dạy học sinh mình những điều giả dối khi điều đó đã giúp cô ấy có được tất cả quá dễ dàng.
Dù về nhà chăn lợn nhưng Hà vẫn tự hào với tấm bằng có được nhờ sức học và sự chăm chỉ. Còn Thảo, cô đã đánh mất cơ hội được là chính mình khi trông cậy vào bệ đỡ đen tối phía sau.
Giá như, cuộc đời là một bộ phim giả tưởng, để phép màu hoán đổi Thảo vào hoàn cảnh của Hà. Lúc ấy, Thảo sẽ biết Hà đã khổ sở ra sao khi cầm bằng thủ khoa đi chăn lợn. Liệu rằng khi ấy, Thảo có gật đầu chấp nhận ai đó "chạy điểm" cho mình. Và nếu Thảo trung thực, cuộc đời cô ấy có thể sẽ ở một trang khác thú vị hơn.
Nhưng, Thảo đã không lựa chọn trung thực. Và, cuộc đời không bao giờ có bản nháp để chúng ta lựa chọn phần hoàn hảo...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.