Trước đó, người ta cũng đã biết đến thủ môn này, nhưng phải sau đêm chung kết và đăng quang AFF Cup, nhiều người mới thực sự biết đến cái tên Văn Lâm. Có người cho rằng chàng thủ môn này “nổi lên như một ngôi sao thầm lặng trong đội hình tuyển Việt Nam”, tôi lại không thấy vậy.
Anh là một ngôi sao từ lâu đến một nơi vừa lạ nhưng lại vừa thân quen để được mọi người công nhận thứ ánh sáng của mình. Và bằng sự nỗ lực, miệt mài, vượt qua mọi trở ngại, gian khổ, thậm chí là cay đắng tột cùng… anh đã đi đến thành công hôm nay.
Văn Lâm sinh ra ở Nga, bố là nghệ sĩ ballet người Việt, mẹ là nghệ sĩ người Nga. Trước khi trở về Việt Nam thử sức với nền bóng đá quê hương, Đặng Văn Lâm đã trải qua lò đào tạo trẻ của Spartak Moskva (từ năm lớp 3) và Dinamo Moskva. Ở Nga, tài năng của Văn Lâm được ghi nhận, báo chí luôn ca ngợi chàng thủ môn trẻ này.
Thế nhưng, khi về Việt Nam, Văn Lâm trầy trật thử việc hết CLB này đến CLB khác. Hết thi đấu cho HAGL ở đấu trường V-League thì thủ môn Việt kiều này lại trôi dạt về chơi cho CLB TP.HCM để mong lọt vào mắt xanh của tuyển trạch viên các đội tuyển trẻ Việt Nam. Thế nhưng, chẳng có ai để mắt đến Lâm, nản lòng anh đã từng phải gạt nước mắt trở lại Nga.
Nhưng anh chàng vẫn khát mộng khoác áo đội tuyển, Văn Lâm đã viết một tâm thư mong muốn gửi đến HLV Miura. Anh tha thiết: “Mong muốn nhất bây giờ là về Việt Nam thử việc đội tuyển U23 Việt Nam. Một lần nữa thôi, không cần thì Lâm sẽ về Nga và không phiền nữa đâu ạ. Vì năm nay là năm cuối Lâm đủ tuổi để tham dự SEA Games. Miura có biết Lâm không? Nếu không bây giờ thì không bao giờ nữa. Help. Mọi người REPOST chia sẻ dùm Lâm với.
Dù Lâm đẻ ra ở Nga nhưng bố của Lâm là người Việt Nam! Lâm có hộ chiếu Việt, Lâm biết nói và đọc tiếng Việt! Lâm sống 5 năm ở Việt Nam. Về chuyên môn Lâm không yếu, từng được đào tạo ở các CLB nổi tiếng bên Nga, trường Dinamo và Spartak Moskow”.
HLV Miura đã hồi âm: “Chúng tôi đã bàn bạc về cậu nhưng không thể gọi cậu”. Văn Lâm nhẹ nhàng trong đau đớn: “Không sao. Tôi hiểu. Cám ơn thầy!”.
Đến đây, tôi phần nào hiểu được giọt nước mắt cùng nụ hôn khung thành của chàng thủ môn Văn Lâm sau tiếng còi trận chung kết AFF Cup vang lên. Để được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển đối với người mang trong mình hai dòng máu như Lâm đâu phải điều dễ dàng. Mong muốn cống hiến tài năng của mình cho quê hương nhưng không phải cứ mong muốn là được ghi nhận, Văn Lâm đã phải mất bao nhiêu ngày tháng bền gan vững chí theo đuổi mộng ước.
Câu nói: “Khi một cánh cửa đóng lại một cánh cửa khác mở ra” quả thật không sai. Sau khi viết bức tâm thư vào năm 2015, một cánh cửa khác đã mở ra và lần thứ 2 Văn Lâm trở về Việt Nam đầu quân cho CLB Hải Phòng.
Nhưng cuộc sống của anh ở Việt Nam không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Văn Lâm từng bày tỏ: “Những lần trở về quê hương với tôi đều không dễ, vì cuộc sống ở Nga và Việt Nam khác biệt, nhất là trong khía cạnh tâm lý. Nhưng tôi yêu đất nước Việt Nam giống như Nga. Tôi đang cố gắng học và làm mọi thứ để có một cuộc sống tốt đẹp ở Việt Nam”.
Năm 2016, Văn Lâm có tên trong đội hình tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng tham dự AFF Cup nhưng cánh cửa chỉ mới mở ra thôi, thần may mắn chưa ngự trị bởi ở mùa giải đó, Văn Lâm mài mòn đũng quần trên ghế dự bị cho Nguyên Mạnh.
Dòng nước trên con sông quê cha dường như đã từng ngấm ngầm muốn chàng trai trẻ phải chìm nổi với thời gian. Vào ngày 11/9/2017, Văn Lâm đã đăng tải bức hình chống nạng lên trang cá nhân của mình kèm theo dòng chú thích: "Tôi tới Việt Nam để đá bóng, chứ không phải để đánh nhau".
Lời than thở của Văn Lâm phần nào cho thấy được nhiều lúc cậu đã bế tắc như thế nào và những sự cố anh gặp phải cũng không kém phần chua chát. Cũng dễ hiểu thôi, khi đang ở độ tuổi sung sức cậu chọn về quê cha để khởi nghiệp chứ không phải nước Nga – nơi cậu được đào tạo về bóng đá.
Người con mang hai dòng máu Việt – Nga ấy chấp nhận mọi khó khăn để về phục vụ đất nước vì tình yêu mãnh liệt với quê cha. Vậy mà, cánh cửa để được đứng trong khung gỗ, canh giữ khung thành trên chính quê cha lại luôn khép chặt.
Sau xung đột ấy, anh đã trở về Nga. Nhưng rồi, cuối cùng, mọi xích mích đã được giải quyết. Văn Lâm quay trở lại CLB Hải Phòng. Sau sự cố đó, người ta thấy Văn Lâm càng bắt càng hay. Những cố gắng của thủ thành này đã được ghi nhận với giải thưởng "Thủ môn xuất sắc nhất V-League" mùa giải vừa qua.
Tưởng chừng như cuộc đời nở hoa, khi Văn Lâm lọt vào mắt xanh của thầy Park Hang-seo. Song hóa ra những chông gai vẫn ở đó, ngay trước thềm Asiad 2018, Văn Lâm bị chính ông Park loại với lời hứa: “Cậu rất tốt nhưng tôi rất tiếc. Tôi sẽ gọi cậu lên đội tuyển quốc gia lần sau!”.
Lần sau đó chính là sân chơi AFF Cup 2018 mà thủ môn Văn Lâm sau biết bao trầy trật đã cùng đồng đội trở thành nhà vô địch Đông Nam Á. Chỉ khi thấy được những khó khăn như vậy, người ta mới thấy được sự vươn lên của Đặng Văn Lâm đáng quý nhường nào.
Trong nhiều năm qua, đã có những cánh chim xa xứ bay về quê hương để gia nhập làng bóng đá Việt Nam. Những cái tên nổi tiếng nhất phải kể đến Lee Nguyễn, Robert Đặng Văn Việt, Michal Nguyễn, Mạc Hồng Quân... và giờ là Đặng Văn Lâm.
Tại sao VFF chưa thực sự chú ý đến những tài năng bóng đá này? Chắc chắn một điều ở các CLB khắp nơi trên thế giới có những cầu thủ trẻ gốc Việt đang được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Họ miệt mài tập luyện để rồi có ngày được chứng tỏ tài năng trên các đấu trường. Vậy, tại sao chúng ta không mở một cánh cửa rộng lớn thực hiện cuộc tìm kiếm gọi các cầu thủ trẻ gốc Việt về thử sức tại các U. Như vậy, chúng ta sẽ có một nguồn cầu thủ dồi dào được đào tạo một cách chuyên nghiệp bổ sung thêm vào đội ngũ cầu thủ Việt Nam, khi đó HLV Park Hang-seo và các HLV sau này cũng không phải quá đau đầu trong vấn đề lựa chọn người.
Đó chỉ là ý kiến cá nhân của riêng tôi khi nhìn thấy sự nỗ lực không ngừng từ chàng thủ môn Văn Lâm cùng với lời chia sẻ gan ruột của mẹ anh: “Người ta cứ nói chẳng ai tắm hai lần trên một dòng sông nhưng con đã phải làm như vậy. Chàng trai 17 tuổi ngày nào của mẹ đã nhảy ùm xuống con sông đó, cũng bơi và cũng bước ra được khỏi dòng sông đó đầy quả cảm.
Và cái con được là con đã trưởng thành, chín chắn, khôn lớn. Khi con một lần nữa trở lại dòng nước dữ ngày nào, con đã đủ lớn khôn, đủ ngón đủ nghề để chinh phục nó”. Mong muốn được phục vụ cho màu cờ sắc áo, Văn Lâm đã phải “tắm hai lần trên dòng sông cha” một cách gian nan song cũng đầy vinh quang khi lên ngôi vô địch.
Ông Đặng Văn Sơn (bố Văn Lâm) chia sẻ về hình ảnh cậu con trai lực lưỡng khụy gối trước khung thành, khóc nức nở như một đứa trẻ: "Tôi nghĩ, khi con người ta đã đổ sức quá nhiều và khi đạt tới đỉnh cao thì khụy luôn. Khóc sẽ khiến con người ta nhẹ nhàng hơn. Tôi rất hiểu con trai mình. 8 năm dài ở Việt Nam mà không có bố mẹ ở bên, nó đã chịu đựng biết bao điều tủi thân, bao nỗi khổ đau giấu kín trong lòng. Cháu từng khẳng định mình người Việt Nam, chứ không phải là Tây. Nó luôn muốn chứng minh điều đó".
Đó cũng chính là lý do tôi luôn gọi cậu bằng cái tên Văn Lâm chứ không phải Lâm “Tây” như báo chí vẫn thường gọi cậu. Văn Lâm cái tên Việt thân thương dù cho trong người cậu có đang chảy hai dòng máu Việt – Nga. Chắc chắn, sau thành công này, Văn Lâm trở thành nguồn cảm hứng cho những Lâm 1, Văn Lâm 2… mang hai dòng máu trở về “úp mặt trên con sông quê”, phục vụ cho đất nước với niềm tự hào vô bờ bến…