Những ngày gần cuối tháng Chín, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Tiếp chúng tôi vào giờ nghỉ, khi đã hết bệnh nhân đến khám, bác sĩ Hồng Thu cho biết trong thời gian dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, phía bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc trầm cảm.
Trong quá trình thăm khám và điều trị cho bệnh nhân trong đợt dịch Covid-19, BS Hồng Thu nhớ nhất trường hợp bệnh nhân N.T.A. (30 tuổi, Hà Nội) do chị trực tiếp điều trị. “Nữ bệnh nhân này xinh đẹp, giỏi giang, có gia đình đầm ấm và làm công việc tổ chức sự kiện, có thu nhập “khủng” khiến nhiều người mơ ước. Nhưng từ sau khi công việc bị gián đoạn do Covid-19, thu nhập của T.A chỉ bằng 1/10 so với lúc trước, vì thế T.A. bắt đầu có những biểu hiện bất thường về tâm lý”, BS Hồng Thu cho biết.
Theo nữ bác sĩ, bệnh nhân T.A có các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp… Mặc dù tổng thu nhập của cả gia đình vẫn ở mức cao, không phải bận tâm về mặt tài chính, được chồng con hết mực yêu thương nhưng bệnh nhân này luôn rơi vào trạng thái chán nản, buồn bã…
Giảm thu nhập hay vỡ nợ cũng khiến nhiều người nhập viện vì trầm cảm (Ảnh minh họa).
“Thấy mình có biểu hiện bất thường về tâm lý, T.A cũng đã tìm đến bệnh viện để thăm khám, nhưng đi nhiều nơi kiểm tra vẫn không xác định được bệnh. Đến khi có một bác sĩ đa khoa nghi ngờ T.A. trầm cảm, khuyên bệnh nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa về sức khỏe tâm thần thì mới phát hiện T.A thực sự đã mắc bệnh trầm cảm”, chị Thu nói.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T.A, BS Hồng Thu phân tích thêm bệnh nhân này mắc phải dạng bệnh tâm thần có tên là “rối loạn cảm xúc lưỡng cực”. Bệnh nhân có những biểu hiện cảm xúc đối lập “hưng cảm - trầm cảm” thay phiên xuất hiện từng giai đoạn khác nhau.
Bác sĩ Hồng Thu hỏi thăm tình hình bệnh nhân.
“Tôi lấy ví dụ, ở giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân sẽ cảm thấy lạc quan, vui vẻ, khoan khoái, dễ chịu, đầy sinh lực, luôn phấn khởi, tự tin và tự đánh giá cao bản thân. Nhưng, khi chuyển sang trầm cảm, bản thân bệnh nhân lại buồn rầu, ủ rũ, chán nản, thụ động. Mỗi giai đoạn kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng”, BS Hồng Thu nói.
Theo BS Hồng Thu, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến công việc có thể góp phần khiến T.A. cảm thấy thất vọng, mệt mỏi, không còn sức lực, không thích giao tiếp, bi quan, chán nản, giảm hứng thú với công việc, khó thích ứng với cuộc sống… Trước đó, qua thăm khám, nữ bác sĩ cũng được bệnh nhân chia sẻ, ngay trong thời điểm trước dịch bệnh nhân đã có những biểu hiện bất thường như ban ngày thì vui tươi, nhưng đêm đến lại mất ngủ khó giải thích. Để điều trị, T.A. phải uống thuốc lâu dài, kết hợp điều trị tâm lý. Hiện tại sức khỏe của nữ bệnh nhân đã ổn định.
Trường hợp của T.A. chỉ là một trong số nhiều trường hợp trầm cảm do tác động của Covid-19. Theo chia sẻ của bác sĩ Hồng Thu, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, tỉ lệ bệnh nhân đến bệnh viện điều trị các rối loạn liên quan stress tăng hơn trước.
Những bệnh nhân mắc rối loạn stress cấp sau sang chấn liên quan đến vỡ nợ, xung đột tình cảm như quan hệ hôn nhân, quan hệ mẹ chồng nàng dâu hoặc mất mát tiền bạc quá lớn … Bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng rất dữ dội như kích động, la hét, đánh người, nói lảm nhảm... Tình trạng này chỉ là tạm thời, lành tính và có thể thuyên giảm nhanh bằng trị liệu tâm lý.
BS Hồng Thu đưa ra lời khuyên: “Sức khỏe tâm thần tốt là một phần quan trọng làm nên chất lượng cuộc sống. Hiểu biết đúng về bệnh tâm thần sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị kịp thời và hồi phục nhanh.
Trầm cảm là vấn đề rất thường gặp, có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng thường dễ bị bỏ sót chẩn đoán hoặc chẩn đoán sai. Nhất là các trường hợp trầm cảm ẩn, triệu chứng chính là đau. Đau liên quan đến dạ dày, ruột, hệ thống tiết niệu - sinh dục, đau vùng trước tim, đau xương cơ khớp. Đau không biệt định cho cơ quan nào và không đáp ứng với điều trị đặc hiệu cho bệnh cơ thể. Bởi vậy, người bệnh không thừa nhận vấn đề trầm cảm của mình. Ban đầu những bệnh nhân mắc chứng này thường khám đa khoa với biểu hiện các triệu chứng đau hoặc khó thở dai dẳng, các rối loạn thần kinh thực vật: Hồi hộp, run, vã mồ hôi, chóng mặt.
Người bệnh làm đủ các xét nghiệm tốn kém để tìm cho bằng được bệnh lý cơ thể và có thể điều trị một thời gian, nhưng không hiệu quả. Chỉ khoảng 50% trầm cảm ẩn được nhận biết và điều trị đúng, do vậy rất gây tốn kém về thời gian và tiền bạc của người bệnh.
“Vì vậy, tôi khuyên tất cả mọi người đều nên sàng lọc sức khỏe tâm thần đồng thời với khám các chuyên khoa khác. Gặp phải tâm trạng buồn nản, lo âu, căng thẳng là điều bình thường. Nhưng, nếu tâm trạng này chi phối toàn bộ cuộc sống, khiến người đó không thể tiếp tục công việc hàng ngày, thông thường 2 tuần trở lên hoặc có những hiện tượng bệnh không rõ ràng, chưa từng đi khám hoặc đã từng đi khám nhiều nơi vẫn nên khám sàng lọc chuyên khoa tâm thần”, vị bác sĩ khuyến cáo.
Nhiều nguy cơ
“Các triệu chứng của bệnh trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội thành đạt mà đáng lẽ ra mình xứng đáng có được. Tâm trạng ức chế khiến bệnh nhân không thể duy trì được các mối quan hệ một cách hiệu quả, không thể tập trung công việc, buông xuôi và thụ động. Suy nghĩ tiêu cực lâu ngày có thể dẫn tới ý tưởng và hành vi tự sát. Có thể thấy, thời gian qua, tỉ lệ bệnh nhân có ý tưởng tự sát đến bệnh viện điều trị mặc dù không cao nhưng cũng đủ để nâng cao cảnh giác” - TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương
T.L - H.Y