Trong thời gian học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch viêm phổi cấp do virus Covid-19, làn sóng kêu gọi “giải cứu giáo viên” xuất hiện đã gây nhiều tranh luận trái chiều.
Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền bài viết có nội dung “Cô giáo mầm non tự giải cứu cho mình” kèm theo hình ảnh hai cô giáo đứng bán hàng giải khát trước cổng trường.
Đọc biển hiệu thì được biết đây là trường mầm non tư thục Ngôi Nhà Trẻ Thơ (ở P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM). Nhóm bán hàng là 6 cô giáo, bán nước giải khát và nước rửa tay.
Bức ảnh và câu chuyện đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Đa số đồng tình với giải pháp tình thế thông minh của các cô đồng thời chia sẻ với đời sống của giáo viên trong mùa dịch bệnh. Từ đó nhiều người có ý kiến về việc nên chung tay giải cứu nghề giáo viên (nhất là giáo viên tiểu học) - những người bị ảnh hưởng thu nhập do học sinh nghỉ học kéo dài.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/2, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường Phổ thông liên cấp Newton Hà Nội phản ánh là nhận được thông báo của nhà trường về thu thêm tiền học trực tuyến.
Cụ thể, theo thông báo, trường đề nghị mức phí thu thêm trong thời gian con học trực tuyến tại nhà là 2,2 triệu đồng/tháng đối với học sinh khối Tiểu học và 2,5 triệu đồng/tháng đối với khối THCS và THPT.
Việc thu học phí này được giải thích là để chia sẻ với nhà trường nhằm đảm bảo ổn định đội ngũ giáo viên, hỗ trợ một phần chi phí cho nhà trường triển khai việc dạy, học online.
Sự việc này ngay lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía các bậc phụ huynh trong và ngoài trường. Nhiều phụ huynh không đồng ý với cách làm của nhà trường vì cho rằng tiền học phí cả năm đủ đảm bảo việc học tập. Nhưng cũng có ý kiến đồng tình, cho biết sẵn sàng chia sẻ khó khăn với giáo viên và trường học.
Cá nhân tôi cho rằng, trong khi cả nước cùng chung tay chống dịch bệnh thì việc trường Newton đòi thu phí học online không khác gì việc tăng giá khẩu trang kiếm lời của một số cửa hàng thuốc. Bởi vì dịch bệnh xảy ra là điều không ai muốn và các ngành nghề đều bị ảnh hưởng chứ không riêng nghề giáo viên.
Học sinh phải nghỉ học, thu nhập của giáo viên giảm sút. Nhưng học sinh nghỉ học cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải thuê người trông con hoặc phải chia nhau nghỉ làm trông con và cũng bị ảnh hưởng thu nhập. Đó là chưa kể, nếu phụ huynh làm các nghề dịch vụ, du lịch, kinh doanh… thì cũng bị tổn thất nặng nề không kém nghề giáo viên. Nếu chỉ hô hào giải cứu giáo viên, vậy ai giải cứu phụ huynh?
Năm 2017, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT - TS. Lê Trường Tùng từng hứng nhiều “gạch đá” khi đưa ra lời kêu gọi giải cứu giáo viên tiểu học (do lương thấp) bằng cách thu mỗi học sinh 100 nghìn đồng/tháng.
Dư luận cho rằng, giáo viên là một nghề cao quý, không thể dùng từ “giải cứu” như giải cứu các món hàng hoá: thanh long, dưa hấu, thịt lợn… Và đảm bảo đời sống giáo viên là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của phụ huynh học sinh.
Bạn nghĩ sao về quan điểm này? Bạn có sẵn sàng nộp tiền để giải cứu giáo viên hay không?
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.