Cây chay thuộc loại cây gỗ, được trồng ở các tỉnh Đông Bắc Bộ của Việt Nam, có tên khoa học là Artocarpus tonkinensis. Cây này còn được gọi với tên là cây chay Bắc Bộ hay cây chay vỏ tía.
Từ lâu nay cây chay được nhiều người biết đến hơn khi nó gắn liền với quả cau, miếng trầu mà các bà, các mẹ khi xưa hay ăn. Thân vỏ của cây chay được dùng để ăn trầu, giúp cho miếng trầu thêm mùi thơm và màu đỏ thắm.
Thông thường loại cây này thường bắt đầu ra quả vào tháng 3 hoặc tháng 4 và thu hoạch trái chín vào mùa hè. Quả chay có kích thước khá nhỏ và không hề có hình dạng nhất định. Trái chay thường được dùng để nấu canh, kho cá, nhưng trước đây không mấy ai đem quả chay đi bán, nay được nhiều người săn lùng dù giá đắt đỏ.
Quả chay xanh có vị chua chua, ruột hồng trông rất bắt mắt. Đặc biệt khi quả chay chín, chúng chuyển sang màu vàng, ruột hồng và ăn có vị chua. Chính bởi đặc điểm này mà người dân thường dùng quả chay để chế biến một số món canh chua, hay làm các món kho. Ngoài ra, quả chay khi chín ăn cũng rất thú vị, vị vừa ngọt ngọt vừa chua chua, có thể chấm với muối ớt ăn rất “bon miệng”. Phần ruột chay chín thường có màu hồng hoặc cam, tùy loại. Chính vì vậy những năm gần đây, quả chay nổi lên như một thứ quả mà chị em nội trợ yêu thích, săn lùng.
Ngoài dùng ăn trực tiếp chế biến món ăn, quả chay cũng có tác dụng như một vị thuốc trong Đông y. Trong quả chay có chứa nhiều chất như axit amin, men béo, men phân giải… nên có tác dụng tốt trong hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, nhuận tràng và kích thích ăn ngon...
Từ một loại quả dân dã, được ít người biết tới, thời gian gần đây quả chay bất ngờ được nhiều người biết tới và săn lùng. Điều đáng nói không phải ở đâu cũng có bán và không phải lúc nào cũng có thể mua được. Tùy vào mỗi vùng mà giá bán loại quả này sẽ có sự chênh lệch, trung bình từ 50.000đ - 200.000đ/kg. Với quả chay thái miếng, phơi khô thì giá sẽ dao động khoảng 250.000đ - 300.000đ/kg.
Theo Dân Việt các tiểu thương cho hay, quả chay khi chín thì chuyển sang màu vàng, bên trong ruột màu hồng trông rất bắt mắt. Người tiêu dùng thường dùng quả chay để chế biến một số món canh chua, hay làm các món kho... Quả chay sạch 100%, không có thuốc bảo quản nên tuyệt đối an toàn.
Mẹo hay bảo quản quả chay
1. Trữ đông
Khi trữ đông quả chay, bạn rửa quả chay thật sạch sau đó để khô rồi bỏ vào túi zip. Cất quả chay vào ngăn đông của tủ lạnh, khi nấu chỉ cần lấy ra chế biến.
2. Phơi khô
Không phải lúc nào đi chợ cũng gặp quả chay. Do đó, nếu muốn bảo quản loại quả này đem rửa sạch, thái khoanh tròn sau đó xếp ra mẹt lớn. Phơi chay từ 2 - 3 nắng cho tới khi miếng chay khô hoàn toàn là được.
Trúc Chi (t/h)