Ông Nguyễn Xuân Các - giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng khẳng định, không hề có chuyện “Ban Quản lý làm ngơ cho "lâm tặc" triệt hạ hàng trăm cây to có nhỏ có, còn lại trơ gốc trông đến thảm hại, tạo thành một con đường trống huếch rộng từ 2-3m từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh kéo dài xuống tới chân núi”.
Ông Các cho rằng thông tin có hàng nghìn m2 rừng đặc dụng bị xẻ thịt là sự quy kết không có căn cứ. Theo ông Nguyễn Thế Hùng - phó giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, rừng quốc gia Đền Hùng được bảo vệ nghiêm ngặt. Quy định bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích nêu rõ: chặt một cành cây, cây chết hay đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được tùy ý cưa chặt mà phải báo cáo UBND tỉnh.
Cây bị đổ do mưa bão đã được thu dọn
Trong Công văn số 55T/CV- ĐH ngày 12/3/2012 của Khu di tích lịch sử Đền Hùng gửi các cơ quan chức năng cho biết: Trong quá trình tu bổ, tôn tạo, công trình đền Thượng (gồm các hạng mục: đền chính, lăng Hùng Vương, nhà Quản cư, nhà bảo vệ hệ thống sân vườn cảnh quan (giai đoạn 1), đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cao 175m so với mặt nước biển). Từ năm 2007 đến năm 2009 đã tu sửa, tôn tạo Đền Thượng và các đền trên núi, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã mở một lối theo lối mòn từ trước ở phía sau núi Hùng để đưa được vật liệu xây dựng lên các đền mà không phải chặt tỉa bất cứ một cây nào, đồng thời đảm bảo an toàn, giữ vệ sinh môi trường và không ảnh hưởng đến du khách.
Bên cạnh đó, trên thực tế, trong năm 2007 và ngày 8/5/2011, tại khu vực Đền Hùng đã xảy ra 2 trận bão lốc, đã làm thiệt hại và đổ một số cây trên núi Nghĩa Lĩnh. Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ đã tiến hành kiểm kê vào đã có báo cáo số 94/BC- ĐH xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xử lý thiệt hại do bão lốc gây ra ngay ngày 9/5/2011.
Theo đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã có 2 văn bản số 1501/UBND-VX1 và 1703/UBND-VX1 thông báo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh về việc này, cho phép Khu di tích lịch sử Đền Hùng được chặt dọn cây bị mưa bão làm đổ và tỉa một số cây có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão và bán tận thu số củi, gỗ nói trên. Số tiền thu được từ việc bán gỗ, củi nói trên được phép sử dụng vào việc khắc phục hậu quả ban đầu do mưa bão gây ra.
Ông Đào Xuân Thận, một trong 21 hộ dân ký hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng với Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: việc bảo vệ rừng được Khu di tích lịch sử Đền Hùng ký hợp đồng rõ ràng với các hộ dân, trong đó giao diện tích, vị trí, số lượng các loại cây vào tháng 12 hàng năm, Khu di tích phối hợp với Hạt Kiểm lầm Việt Trì nghiệm thu số lượng cây.
Ông Thận cũng khẳng định, từ năm 2000 tới nay, tại Khu di tích chưa bị chặt trộm bất cứ cây nào. Đã đến lúc câu chuyện “lâm tặc phá rừng quốc gia Đền Hùng” thực hư thế nào cần sớm được cơ quan chức năng làm rõ bởi ngày Quốc giỗ đang đến gần.
Duyên Huyền