Thương cảm cho "hộ cận nghèo" ở Thanh Hóa

Con người có ba thứ không thể giấu giếm: ho khan, nghèo khổ và tình yêu. Những hộ “cận nghèo” ở Thanh Hóa đã cố giấu giếm bằng vỏ bọc nhà lầu, xe hơi, nhưng xót xa thay khi cái nghèo thực sự của họ ngày càng lộ ra: nghèo ý thức, nghèo văn minh.

img

Năm 2019, câu chuyện cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ngày ngày đạp chiếc xe cũ kĩ lên UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa để gửi đơn xin tự nguyện thoát nghèo trở thành câu chuyện truyền cảm hứng và lan tỏa đến rất nhiều vùng quê trên cả nước.

Nói về quyết tâm thoát nghèo của mình, cụ Mơ bảo vì đó là lòng tự trọng hơn sự tranh giành lợi ích ở đời. Chuyện về cụ Mơ không chỉ nằm ở lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, nó nằm ngoài tiêu chuẩn xét duyệt chuẩn nghèo đa chiều được ban hành cách đây 5 năm, vượt qua ranh giới của bầu bán, hay tính toán được – thua.

Cũng tại Thanh Hóa, ở một làng quê khác thuộc xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, thì hàng chục hộ “cận nghèo” đang phải nơm nớp bị đẩy ra khỏi diện chính sách vì UBND xã đang thực hiện rà soát sau những lùm xùm trên báo chí.

Những căn nhà hai tầng khang trang đối lập với căn nhà cấp 4 của cụ Mơ, những chiếc xe hơi, xe bán tải có thể “nuốt chửng” chiếc xe đạp cọc cạch của cụ bà 83 tuổi, họ giống nhau ở chữ “nghèo”, nhưng họ khác nhau ở tiêu chuẩn được xét vào hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm: thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo tiêu chí xét duyệt cho hộ cận nghèo (thu nhập bình quân đầu người từ 700.000 đồng – 1 triệu đồng/tháng), liệu sau bao lâu những hộ “cận nghèo” ở xã Quảng Lưu có thể xây được căn nhà 2-3 tầng to đẹp như biệt thự, có thể mua được chiếc xe ô tô trị giá vài trăm triệu đồng? Hay tỉnh Thanh Hóa đã “bỏ quên” mất một địa phương để nhân dân thiếu hụt hàng loạt dịch vụ cơ bản, để họ phải lọt vào diện “hộ cận nghèo”?

Phải chăng cán bộ xã Quảng Lưu đã tự xây dựng một bộ tiêu chí khác để đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, bỏ qua những tiêu chí được ban hành trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ?

Giả thiết trên càng có cơ sở khi phóng viên đi thực tế tại địa phương, nhiều hộ được ngồi chễm chệ trong danh sách 712 hộ cận nghèo lại là gia đình người thân lãnh đạo xã…

Hay bộ tiêu chí mới này là “một người làm quan cả họ được… nghèo”?

Họ tự hào vì danh xưng người nghèo? Hay họ tự hào vì sống trong ngôi nhà khang trang vẫn đều đều nhận tiền trợ cấp từ ngân sách mỗi tháng? Tự hào vì được đứng đầu trong danh sách nhận tiền hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng đầy tính nhân văn của xã hội?

Chủ nhân những căn nhà đó có lúc nào có ý định sẽ lái chiếc xe hơi của mình – như cụ Mơ đạp chiếc xe cọc cạch lênh UBND xã để nộp đơn xin thoát nghèo?

Có người từng nói: “Con người có ba thứ không thể giấu giếm: ho khan, nghèo khổ và tình yêu, càng cố giấu thì lại càng hở”. Nhìn hoàn cảnh của những hộ “cận nghèo” ở Thanh Hóa, chắc cụ Mơ cũng phải xót xa.

“Hộ cận nghèo” ở nhà lầu, đi xe hơi không còn là chuyện khôi hài, đó là một câu chuyện buồn.

Cái nghèo vật chất có thể khắc phục, hỗ trợ bằng chính sách, bằng sự đồng cảm của xã hội. Nhưng cái nghèo ý thức, nghèo vì lòng tham trục lợi chính sách, ỷ lại vào xã hội, thì chính quyền nào, xã hội nào có thể hỗ trợ họ, để họ “thoát nghèo”?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img