Chửi bới, đe dọa, làm nhục, uy hiếp sau khi khách hàng phản ánh trong thực ăn có giun sán khiến “thượng đế” khiếp sợ và khủng hoảng tâm lý, phải đóng Facebook, nhập viện… Đó đâu là cách hàng xử giữa người với người, giữa người mua và kẻ bán mà là hành vi của người mang tính chất côn đồ coi thường pháp luật. Từ bao giờ, côn đồ lên ngôi bắt “thượng đế” quỳ gối như vậy?
Lực lượng chức năng kiểm tra quán Nhắng nướng Hiền Thiện. (Ảnh: Thanh Niên)
Những ngày qua, dân mạng được phen dậy sóng trước vụ việc chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện (ở đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) đe doạ, bắt nữ khách quỳ xin lỗi sau khi cô phản ánh đồ ăn có giun sán trên trang Facebook cá nhân.
Trong chuyện này, khoan bàn đến chuyện thức ăn có giun sán hay việc nữ thực khách đăng tin "bóc phốt" lên mạng đúng hay sai, mà tập trung vào thái độ và cách hành xử của chủ quán hay nói một cách chuyên nghiệp đó là cách xử lý khủng hoảng truyền thông.
Xin lỗi và mong khách hàng thông cảm, tỏ thái độ cầu thị, đưa ra phương án giải quyết là cách xử lý của những người quản lý chuyên nghiệp. Kinh doanh, mua bán là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và được thiết lập dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng giữa một bên trả tiền để được sử dụng dịch vụ và một bên nhận tiền để cung cấp dịch vụ tương ứng.
Quay trở lại vụ việc vừa xảy ra ở Bắc Ninh, thay vì thực hiện những điều trên, chủ quán tìm hiểu về nữ khách hàng, nhờ bạn bè “đánh tiếng” muốn gặp, khi gặp được rồi thì bắt quỳ gối, chửi mắng, văng tục, dọa dẫm, yêu cầu nữ khách hàng phải viết đính chính nội dung đã đưa lên trên Facebook.
Chủ quán bắt "thượng đế" quỳ gối giữa quán.
Không những vậy, người chủ quán còn cho livestream thóa mạ, làm nhục khách, coi đó như một cách trừng trị kẻ nào chống đối và nói thẳng vào sự thật và cũng như một cách răn đe. Trong đoạn video, người chủ quán hả hê, hai tay đặt lên đầu gối, oai vệ ngồi trên ghế như một kẻ bề trên đang nghiêm trị kẻ bề dưới quỳ dưới chân. Hình ảnh này khiến ta liên tưởng đến những ông chủ chuyên quyền, độc đoán đang trách phạt người ở.
Nhưng không, đây là khách hàng, là “thượng đế” - cách gọi của những người làm kinh doanh dịch vụ. Thế mà, nhìn vào, “thượng đế” không khác gì kẻ tôi tớ. Song kể cả, người quỳ dưới chân gã chủ quán Thiện có là nhân viên làm thuê, thì trên phương diện đạo đức và pháp luật ngày nay cũng không thể chấp nhận được cách hành xử “coi trời bằng vung”, muốn xử ai kiểu gì thì xử như vậy được.
Chưa dừng lại ở hình ảnh, lời lẽ của Thiện khiến ta rùng mình: “Trừ khi về quê, chứ mày sống ở đâu trong mảnh đất Bắc Ninh, xuống đất bố cũng móc mày lên... 10 người như mày cũng xử được. Mày là ai, ở trên trời cũng móc lên bằng được…". Người chủ quán thốt ra những lời ngang tàng, ra oai, thể hiện là người có tầm ảnh hưởng trên địa bàn, nắm trong tay quyền lực ngầm.
Từ khi nào, làm kinh doanh lại không lắng nghe phản hồi của khách, không cho phép “thượng đế” được chê. Nếu khách hàng chê, đúng thì tiếp thu còn nếu sai thì tìm hướng giải quyết để cho “thượng đế” hài lòng. Còn nếu như giữa đôi bên không thể giải quyết, có thể đưa vụ việc ra cơ quan chức năng.
Còn đây, Thiện chỉ chăm chăm tìm “thượng đế” để trả đũa, cho thấy đó là cách hành xử không chỉ kém cỏi mà còn thô bạo. Và chắc chắn, cách xử lý khủng hoảng bằng bạo lực như vậy không được phép tồn tại.
Cái kết bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Tội làm nhục người khác” thật đúng người đúng tội dành cho Thiện.
Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng mới hay hiếm có, tình trạng này đã xuất hiện từ lâu và đặc biệt nhức nhối vào mỗi mùa du lịch, “thượng đế” bỏ đồng tiền ra nhưng lại phải nhận lại thái độ phục vụ không tốt.
Và nếu có ý kiến chắc chắn sẽ có những gương mặt dữ tợn cùng những lời đe dọa nên “thượng đế” đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Điều đó cho thấy, thói côn đồ ngày một bén rễ, ăn sâu vào không ít hoạt động kinh doanh dịch vụ ở nước ta. Chính những kẻ côn đồ đội lốt này đã và đang góp phần làm biến chất, méo mó môi trường kinh doanh lành mạnh. Vụ việc lần này như một hồi chuông cảnh báo tới các nhà quản lý và xem ra việc khởi tố bắt tạm giam kẻ bắt “thượng đế” quỳ gối sẽ là bài học nhãn tiền cho những người kinh doanh dịch vụ, phục vụ khách hàng mà ứng xử như những kẻ “xã hội đen” vô học.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Dương Nga
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.