Tiếc cho cây xanh, tiếc cho ông Nguyễn Đức Chung!

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Tôi chẳng bất ngờ vì lưới trời thưa mà khó lọt, chỉ thấy tiếc cho cây xanh.

img
img

Ông Nguyễn Đức Chung bị bắt có lẽ không gây sốc với mọi người, bởi trước đó, ông đã bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ sinh hoạt ban Chấp hành Đảng bộ, ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội.

Quan lộ của một người đứt gánh chẳng phải là tin tức vui vẻ gì. Bởi để có được một cán bộ, lại là cán bộ ở tầm lãnh đạo thì phải trải qua một quá trình dài học tập và rèn luyện. Bản thân người cán bộ ấy cũng đã từng phải chứng minh được năng lực và phẩm chất đạo đức của mình.

Quy trình của Đảng trong công tác cán bộ vốn dĩ rất chặt chẽ. Bản thân người được cất nhắc cũng phải thể hiện mình một cách rõ ràng và chắc chắn rồi mới được lựa chọn.

Nhưng vấn đề ở đây là lòng tham – một thứ không thể kiểm soát bằng quy trình - mà một số cán bộ đã từng không thể tiết chế khi có quyền lực trong tay.

Lòng tham của một con người có thể khiến mắt mờ đi, chân bước trệch đường và suy nghĩ bất chấp. Lòng tham với một cán bộ, lại là cán bộ lãnh đạo thì còn nguy hiểm hơn, bởi họ nắm quyền lực trong tay, họ có thể định đoạt điều này, quyết định điều kia.

Vì tham mà sân si, rồi bớt đi chỉ một nét mực, một chữ ký mà thành tội đồ. Giữa vinh và nhục, giữa thanh liêm và quan tham đôi khi chỉ cách nhau có một dấu chấm. Lòng tham đã khiến cho một số cán bộ vướng vòng lao lý.

Ông Nguyễn Đức Chung có sân si hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong những ngày tới. Có một thực tế là khi ông Chung bị bắt, sẽ có người ngậm ngùi, người hả hê. Âu cũng là lẽ thường ở chốn quan trường.

Còn tôi thì thấy tiếc – tiếc vì dấu ấn nhiệm kỳ đã bị phủ lên màu u ám, tiếc vì cả những gì ông Chung đã làm cho Hà Nội như dự án trồng 1 triệu cây xanh chẳng hạn. Rồi việc ông Chung đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong những ngày Hà Nội không bình yên vì Covid – 19...

Tiếc vì ông Nguyễn Đức Chung đã từng là một vị tướng Công an giỏi, cảm hóa tội phạm và đánh án tài tình, khôn khéo, lập nhiều chiến công.

Ông Nguyễn Đức Chung được phong Thiếu tướng khi mới 46 tuổi, là Thiếu tướng trẻ nhất ngành công an thời điểm được phong quân hàm (tháng 7/2013), một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (khi mới 37 tuổi, năm 2004), được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất…

Tiếc cho một con người, đáng lẽ cứ thẳng đường vinh quang mà bước thì tiếng thơm lưu mãi muôn đời, nhưng rồi cũng không thể tròn vai vì những sai lầm.

Người ta bảo rằng trong mỗi con người đều có 2 mặt sáng và tối, tôi tin những điểm sáng của một vị lãnh đạo đã được ghi nhận trong lòng nhân dân. Nhưng cũng chính nhân dân sẽ khắc sâu vi phạm, sai trái hơn ai hết, vì đó là những điều sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và cả niềm tin của họ.

Bởi chiến dịch đốt lò của Đảng vẫn rất quyết liệt, không có vùng cấm. Lò vẫn không ngừng cháy và dù là củi tươi vẫn tiếp tục vào lò… Nên, sự thức tỉnh lúc này với những cá nhân trót nhúng chàm hẳn không phải là quá muộn.

Nhưng có mấy ai đang đương nhiệm mà dám đứng ra nhận hết tội lỗi về mình, rồi dám từ bỏ chiếc ghế đã phấn đấu bao năm. Nên mới tồn tại một cái vòng luẩn quẩn từ phấn đấu, có chức có quyền rồi tham quyền cố vị, sân si, phạm tội và lại mất sạch khi đang ở đỉnh cao của quyền lực.

Một người đã thiếu kiên định với lý tưởng, giao động trước những vinh hoa phú quý và không tiết chế được lòng tham trong sâu thẳm mình để đứng vững thì sẽ ngã.

Hiểu biết luật pháp nhưng lại lợi dụng quyền lực trong tay để tìm cách vun vén cho bản thân, như thế thì quy trình chặt chẽ đến mấy cũng khó có thể kiểm soát được. Những cán bộ như thế đã quên mất việc tu dưỡng, rèn luyện suốt đời.

Thượng tôn pháp luật, hẳn ông Nguyễn Đức Chung là người rõ nhất.

Sớm mùa thu hôm nay, những hàng cây trong chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh của Hà Nội cách đây mấy năm vẫn thản nhiên reo vang bản giao hưởng không lời của thiên nhiên. Nhìn cây lại nghĩ đến người…

Mỗi lần bổ nhiệm một cán bộ cũng giống như ta kỳ vọng khi trồng một cái cây – ươm nên màu xanh tươi mát cho đời. Đất là cội nguồn của sự sống, như cốt cách của người cán bộ. Đất tốt thì cây trường tồn, rễ cây bám chắc vào lòng đất thì không sợ bão gió quật vùi.

Sự chăm sóc của con người cũng như chất xúc tác cho cây sinh trưởng, phát triển lớn mạnh. Người cán bộ để đến đỉnh vinh quang cũng phải tu dưỡng, rèn luyện không ngừng.

Nhưng như cái cây, đã mục ruỗng từ sâu bên trong thân rất khó phát hiện, người cán bộ đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì thật khó để đi hết đường quan.

Tiếc thay…

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
img