“Sán lợn” – 2 từ ghê rợn đang làm cả tỉnh Bắc Ninh chấn động vì cuộc sống bị đảo lộn: Nhiều học sinh phải nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm đưa con đi xét nghiệm, cán bộ y tế gồng mình làm việc vì quá tải, cán bộ giáo dục bị đình chỉ công tác… Thế còn Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Khương – bà Cao Thị Hòe đang ở đâu???
Số điện thoại cá nhân của bà Hòe hẳn là đã và đang đổ chuông liên tục trong những ngày này. Bà có dám nghe không? Có dám trả lời thẳng thắn vào vấn đề không? Thậm chí cao hơn là có dám xin lỗi phụ huynh – những người đã tin tưởng giao con cho bà không? Tôi e là không.
Quả vậy, sáng 18/3 khi PV báo Người Đưa Tin gọi điện để hỏi về trách nhiệm của bà trong việc lựa chọn công ty Hương Thành là đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường, bà Hòe trả lời PV một câu ráo hoảnh: “Tôi đã từ chức nên không trả lời phỏng vấn nữa”.
Thật là một câu trả lời đạt đến đỉnh cao của sự vô trách nhiệm.
Thế mà mới chỉ cách đây hơn chục ngày, bà Hòe đã khóc nấc khi làm việc với cơ quan công an. Hôm đó là 19h ngày 6/3, một ngày sau khi phụ huynh trường Thanh Khương “phanh phui” ra vụ thịt gà bóp nát vụn trên tay. Trả lời PV Người Đưa Tin, bà Hòe đã khóc nấc lên trong điện thoại và nói: “Tôi đang làm việc với cơ quan Công an, tôi sẽ trả lời sau”.
Tiếng khóc của vị Hiệu trưởng có vai trò quyết định chất lượng bữa ăn của 568 cháu học sinh mầm non có lẽ đã ít nhiều lấy được sự cảm thông của dư luận. Ai đó chắc sẽ mủi lòng nghĩ rằng bà đang hối hận, hoặc là bà chỉ tắc trách, thiếu trách nhiệm trong vụ việc này.
Nhưng tôi thì không nghĩ vậy.
Ngược dòng câu chuyện về trước thời điểm bà Hiệu trưởng rơi nước mắt thì có thể thấy được cái mức độ “cố đấm ăn xôi”, thậm chí dã man của bà này như thế nào.
Giữa tháng 2/2019, sau khi một số phụ huynh đăng ảnh, video phản ánh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương, Ban giám hiệu trường này đã trả lời phụ huynh vòng vo, không thỏa đáng.
Công ty Hương Thành - đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 trường học trên địa bàn huyện Thuận Thành (trong đó có trường mầm non Thanh Khương), vẫn khẳng định thịt lợn "không có bất thường gì". Thậm chí ngay cả khi phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhà trường vẫn tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.
Tiếp đó, trưa 5/3 (là ngày mà chỉ có 115 trên tổng số 568 trẻ tới lớp, vì phụ huynh đã cho con nghỉ học đồng loạt sau clip thịt lợn nổi hạch trắng), phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, bóp nát vụn trên tay.
Lúc này bà Cao Thị Hòe cũng có mặt. Nhưng thay vì nhận lỗi và khẩn trương xác minh vụ việc thì bà Hòe hồn nhiên giải thích đây là thịt gà công nghiệp nên không dai và sẽ bở.
Chưa cần phải đợi các bậc phụ huynh kia ra chợ mua một miếng thịt gà công nghiệp về luộc thử thì dai và không thể bóp nát trên tay – như báo chí phản ánh, cá nhân tôi cho rằng không thể chấp nhận nổi lời giải thích “cố đấm ăn xôi” trên của bà Hòe. Là một người phụ nữ của gia đình, bà Hòe hẳn phải biết, nếu thịt gà tươi sống thì khi luộc lên không thể bóp nát vụn như đậu phụ thế được.
Và phải đến khi cơ quan công an vào cuộc, biết không thể bưng bít, lấp liếm cho qua được nữa, bà này mới đành phải nhận trách nhiệm về vụ việc và hứa sẽ hợp tác với cơ quan chức năng làm rõ, nếu có sai phạm sẽ cùng với công ty cung cấp thực phẩm chịu trách nhiệm.
Nghe được lời hứa của bà, hàng nghìn vị phụ huynh có lẽ cũng cảm thấy nguôi ngoai phần nào. Thế mà đến hôm nay, bà lại xổ toẹt một câu là bà đã từ chức nên không trả lời phỏng vấn nữa. Nếu đã dám nhận trách nhiệm, thì có gì mà không dám trả lời thẳng thắn báo chí, công khai cho dư luận được biết – thưa bà Hòe?
Đến đây tôi trộm nghĩ, có lẽ giọt nước mắt hôm nọ bà khóc chỉ là khóc vì hoảng loạn, không nghĩ có ngày lại phải trình diện cơ quan công an vì chuyện mớ rau con cá thế này. Chứ trong tiếng khóc nấc ấy chẳng có mấy hàm lượng của sự ăn năn hối hận hay là cầu thị muốn sửa sai.
Thưa bà Hiệu trưởng Cao Thị Hòe!
Những ngày qua hẳn là bà đã đọc hàng trăm bài báo viết về vụ bê bối thực phẩm bẩn tại ngôi trường mà bà đang ngồi chiếc ghế quyền lực nhất. Bà hẳn cũng đã hứng không ít búa rìu dư luận từ đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng, mạng xã hội… Nhiều người ác ý còn cho rằng nên trừng phạt bà bằng cách yêu cầu bà ăn hết cái kho thực phẩm mà công ty Hương Thành đó đang cung cấp.
Bởi vì người ta không thể chịu đựng nổi khi báo chí ngày ngày đăng tải thông tin sán lợn là gì, ấu trùng sán lợn có khả năng sinh trưởng khủng khiếp bằng cách “nhả đốt” như thế nào, và một khi sán lợn xâm nhập vào tim hay lên não thì những đứa trẻ sẽ phải chịu di chứng khủng khiếp ra sao...
Cá nhân tôi chỉ muốn hỏi bà một câu: Trong khi 568 đứa trẻ mầm non ngơ ngác như thiên thần ngày ngày há chiếc miệng xinh xắn của chúng ra để nhân viên của bà đưa những thịt gà thối, lợn nổi hạch vào miệng thì bà đang ở đâu? Bà có ăn đồ ăn đó không hay có suất ăn phục vụ riêng? Hay đang ăn những bữa sơn hào hải vị mà nguyên liệu nhảy tanh tách, co giật từng thớ thịt – sống động như chữ ký tươi màu mực trên bản hợp đồng cung cấp thực phẩm của bà?
Giá như bà biết khóc vì lương tri, và khóc kịp thời hơn. Còn bây giờ, sau khi đã ráo hoảnh trả lời báo chí một câu vô trách nhiệm sau khi từ chức, có lẽ bà đã bình tâm, thì đến lượt chúng tôi khóc.
Còn gì đáng khóc hơn khi 209 đứa trẻ nhiễm thứ ấu trùng ghê sợ ấy là những đứa con chúng tôi cưng nựng như báu vật trong nhà? Chúng tôi dạy con mình ăn chín uống sôi, dạy chúng rửa tay trước khi ăn nhưng không thể dạy chúng cách phát hiện ra sự giả dối của người lớn, nhất là những người lớn đang ngồi chiếc ghế quyền lực cao như bà.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả