Trong đợt dịch Covid- 19 bùng phát vừa qua, bộ Thông tin & Truyền thông kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để phòng, chống dịch. Cơ chế hoạt động của ứng dụng là, nếu phát hiện một người nhiễm bệnh Covid-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh sẽ được nhập trên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng.
Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận trước đó.
Chàng trai trẻ Võ Duy Khánh- Trưởng phòng cấp cao An ninh di động - một trong những người tạo ra ứng dụng Bluezone.
Hiện tại, chàng trai Võ Duy Khánh đang là Trưởng phòng cấp cao, phòng An ninh di động, trung tâm nghiên cứu Mã độc, thuộc tập đoàn Công nghệ BKAV.
Công việc của Duy Khánh là nghiên cứu và phát triển những tính năng, ứng dụng bảo mật, an ninh bảo vệ người sử dụng điện thoại di động.
Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, Duy Khánh chia sẻ: “Sau khi trung tâm nghiên cứu Mã độc lập thuộc tập đoàn Công nghệ BKAV nhận được ý tưởng về việc này, mình được giao nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ lõi và bảo mật. Sau buổi chiều tìm hiểu, team quyết định sử dụng công nghệ Bluetooth Low Energy (công nghệ tiết kiệm năng lượng của Bluetooth) để phát triển Bluezone”.
Để hoàn thành được nhiệm vụ được giao, khi mọi người đang ngủ, Duy Khánh và các đồng nghiệp vẫn miệt mài làm việc. Trong suốt 48 tiếng liên tục, đội core (mã) và đội viết app (ứng dụng) làm việc liên tục không nghỉ và cho ra bản demo đầu tiên của Bluezone.
Qúa trình hoàn thiện ứng dụng gặp rất nhiều khó khăn như sức ép thời gian, về công nghệ và tính tương thích. Duy Khánh tâm sự: “Thời gian rất gấp rút, dịch đang diễn biến phức tạp, nên nó không còn là hạn chót như bình thường mà mục tiêu là làm được bằng mọi giá. Chúng tôi làm việc và báo cáo phải kết quả từng giờ”.
Chàng trai Võ Duy Khánh sau cuộc thi đã có nhiều thành công.
Sau 3 tuần nỗ lực, ứng dụng Bluezone được “ra đời” một cách “thần tốc” với những tính năng vượt trội. Được sự đón nhận của đông đảo người dùng, Duy Khánh và các đồng nghiệp không khỏi vui mừng và tự hào: “Trước đó, khi bệnh dịch bùng phát, mình thấy được những hy sinh của y bác sĩ, công an, các ban bộ ngành, thấy họ làm việc ngày đêm tôi rất ngưỡng mộ. May mắn thay, khi là người làm công nghệ nhưng tôi đã góp được một chút công sức vào việc phòng, chống dịch bệnh nên cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều về ứng dụng này. Nhiều người cho rằng app chưa thông báo chính xác về những người tiếp xúc gần, hay lo sợ thông tin cá nhân bị lộ.
Là một trong những người đã “thai nghén” ra Bluezone, Duy Khánh không khỏi chạnh lòng trước những bình luận trên. Tuy nhiên, chàng trai cho rằng, đó là những ý kiến đóng góp giúp Bluezone ngày càng hoàn thiện hơn.
Đằng sau sự thành công của ngày hôm nay, Duy Khánh đã từng “thất bại” trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9. Bước ra từ cuộc thi, Duy Khánh khiêm tốn dừng lại ở vị trí thứ Ba tuần, điều đó làm chàng trai trẻ có chút buồn và thất vọng.
Tuy nhiên, lại là động lực to lớn để Duy Khánh cố gắng hơn trong kỳ thi đại học. Anh chàng theo học tại viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông và được nhận thực tập ở tập đoàn Công nghệ Bkav khi là sinh viên năm 2.
Từ một chàng trai cấp 3 ngây ngô, thất bại trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đến Trưởng phòng cấp cao là một hành trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ.
10 năm trước, anh chàng từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Từ một thí sinh không giành được chức quán quân đến là người viết những dòng code đầu tiên cho “ứng dụng quốc dân” đã minh chứng cho câu: “Luyện mãi thành tài/ Miệt mài tất giỏi”.
Cùng là thí sinh bước ra từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, bày tỏ quan điểm về việc “Olympia đào tạo nhân tài cho Australia, Mỹ”, Duy Khánh chia sẻ quan điểm: “Thực ra, bài toán tổng quát ở đây là những người Việt Nam đi du học nước ngoài và không về nước. Nhưng, do chương trình Olympia lớn và ăn sâu vào tiềm thức của bao người trong vòng 20 năm nay nên bị lôi ra làm bia đỡ đạn. Thực ra, hàng năm, có rất nhiều người vẫn đi du học nước ngoài, không phải là Úc mà là châu Âu, Singapore,… không trở về”.
Sự thay đổi từ cuộc thi của chàng trai trẻ 29 tuổi.
"Có thể vì cơm áo gạo tiền, thu nhập ở nước ngoài cao hơn, điều đó là không phải bàn cãi. Tại sao bạn sinh ra ở Nghệ An, học ở Hà Nội mà lại làm việc ở Hồ Chí Minh. Nếu bạn giải được bài toán nhỏ ấy bạn sẽ giải quyết được bài toán lớn này. Nhưng, tôi nghĩ, người Việt Nam nào cũng mong muốn về nước và góp phần xây dựng để đất nước phát triển. Có thể, họ đang đợi chờ o một cơ hội nào đó, khi công việc, nghiên cứu của họ dần tiệm cận với Việt Nam. Mình tin họ sẽ về!", Duy Khánh cho biết thêm.
“Mọi sự đóng góp ý kiến dù là tích cực hay tiêu cực đều tốt cho Bluezone, và thật sự, ở những bước đầu tiên nó đã có những hỗ trợ tích cực. Người Việt ở trên khắp mọi nơi đều muốn Việt Nam có 1 ứng dụng góp sức vào công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 và sự thật chúng ta đã có. Ý kiến đóng góp cho thấy, sự quan tâm của mọi người về việc phát triển công nghệ ở Việt Nam nói chung và muốn nó phát triển mạnh mẽ”.
L.N