Tiểu bậy loạn đàm (!!)

Những tưởng cái việc “giải quyết nỗi buồn” là việc tế nhị cá nhân, ai cũng biết nhưng không cần thiết phải đề cập tới. Thế mà gần đây nó lại được bình luận xôn xao dưới góc độ đạo đức xã hội. Thật buồn lắm thay!

img
img

Chúng ta biết, không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, từ W.C (Water closet: nhà vệ sinh) lại chứa thành tố “closet”, nghĩa là buồng riêng, buồng kín.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà bất cứ công trình kiến trúc nào, dù là căn hộ gia đình hay tòa nhà thương mại, công sở… cũng đều thiết kế khu vệ sinh ở cuối hành lang hoặc mặt sau tòa nhà, phải đi theo mấy cái mũi tên chỉ dẫn mới đến được.

Tất cả đều chứa hàm ý rằng, chuyện tiêu tiểu của con người được mặc định là phải thực hiện ở một nơi kín đáo.

Thế nhưng đáng buồn là hành vi rất bản năng, cá nhân này thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí, trên các diễn đàn mạng xã hội và bị soi chiếu, mổ xẻ dưới góc độ đạo đức. Gần đây nhất, vụ người phụ nữ đứng che chắn cho người đàn ông tè bậy trong thang máy chung cư Moscow Tower (quận 12, TP.HCM) hôm 3/10 đã khiến cả cộng đồng “dậy sóng” phản đối.

Nguyên nhân tè bậy là gì? Vài chục năm trước đây nhiều người đổ tại do cơ sở hạ tầng thiếu thốn làm nảy sinh hành vi xấu xí. Thời mà nhà cấp 4 chật chội, đa phần là nhà ống, ngăn phòng bằng vách ngăn rồi kéo ri đô, nhà ai cũng chỉ có một góc nhỏ để tắm giặt và đi tiểu. Nhu cầu cao hơn hoặc nhà có nhiều người nảy sinh nhu cầu cá nhân cùng lúc thì người chậm chân hơn sẽ phải đi ra “nhà 7 gian”.

Mà cả ngõ chỉ có một công trình dân sinh như thế, nên lâu lâu lại thấy cảnh có anh hàng xóm nhà đang bao việc mà cứ đứng bắt chéo chân ở lan can, có cô em thập thò, bứt rứt (không vì lý do tình cảm) ở dãy nhà tế nhị. Bao câu chuyện tình cảm đôi lứa đã nảy sinh trong hoàn cảnh khó tả đó.

Và, không khó lý giải khi trong một số trường hợp đứng bắt chéo chân mãi chẳng đặng đừng, nhiều người đã phải chọn cách ra cánh đồng, vỉa hè để “xả lũ”… cho “nó” mát.

Thế rồi thời đó, trẻ em thường hay hỏi bố mẹ vì sao chú kia đứng úp mặt vào tường? Và các bậc cha mẹ, để giữ cho đầu óc con trẻ khỏi vẩn đục, đã phải bịa ra rằng vì chú hư nên bị cô giáo phạt (!)

Thế rồi vẫn thời đó, nhan nhản ngoài đường phố, trên những bức tường gạch bong tróc nham nhở - phản ánh năng lực kinh tế của một giai đoạn xã hội – bên cạnh những dòng chữ quảng cáo thông tắc bể phốt lại có vài nét chữ to tướng, nguệch ngoạc: “Cấm đ… bậy”.

Dòng chữ này phổ biến đến nỗi mà nhiều khách du lịch nước ngoài khi sang Việt Nam đã mải miết đi tìm nơi có vịnh Cam Dai (từ “bậy” được khách nước ngoài đọc không dấu thành “bay”, trong tiếng Anh nghĩa là hòn vịnh) và hi vọng nó sẽ đẹp như Ha Long bay (vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh), Ninh Van bay (vịnh Ninh Vân ở Nha Trang)… Đến khi họ hiểu ra “Cam dai bay” là gì, đa phần người Việt cảm thấy bẽ bàng!

Câu chuyện “đầu ra” của con người sau đó đã được nghiên cứu bài bản dưới góc độ xã hội học cũng như hạ tầng đô thị. Và kết quả là những năm tiếp theo, cùng với sự phát triển đi lên của nền kinh tế, nhu cầu bức thiết về những cái W.C đạt chuẩn đã được thỏa mãn.

Đến giờ, “nhà 7 gian” bị khai tử vì nhà ai cũng có công trình phụ riêng. Đường phố được trang bị những nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ. Trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và bất cứ quán sá nào cũng có toilet. Đi xa thì cứ vài chục kilomet lại có một cây xăng hay trạm dừng nghỉ có khu vực để giải quyết nhu cầu cá nhân.

Ấy thế nhưng đâu đó vẫn có người tè bậy ở nơi công cộng và lọt vào camera để rồi vài tiếng sau, anh/chị ta được “sáng” nhất toàn cõi mạng. Điều đáng nói, không phải ở cánh đồng, cũng không phải trên núi cao hẻo lánh, không hiểu vì lý do gì mà thang máy những tòa nhà chung cư hiện đại thời gian gần đây lại thu hút số người đến tè bậy đến thế?

Bây giờ không đổ tại cho hoàn cảnh thiếu thốn nhà vệ sinh được rồi. Chỉ có thế nói là do trình độ dân trí thấp, lối sống hoang dã, tư duy “cha chung không ai khóc”… mà ra.

Năm ngoái, tôi có chuyến du lịch cùng một đoàn các bác hưu trí ở khu phố. Xe đi từ Hà Nội vào miền Trung, thời gian ở trên xe kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Biết các bác tuổi cao, thận yếu nên cứ đi được 2 tiếng tài xế lại tìm trạm dừng nghỉ cho hành khách xuống đi vệ sinh. Nhưng không ai chịu vào trạm dừng nghỉ vì vào đó mất tiền, thay vào đó đồng loạt xin xuống giữa cánh đồng để “giải quyết”.

Thế là cứ từng tốp các bác trai đứng dàn hàng ngang, các bác gái nhấp nha nhấp nhổm. Sau khi đứng lên thì cả một cánh đồng cỏ xanh rì trở nên lốm đốm màu trắng của giấy vệ sinh. Lên xe, các bác hỉ hả bảo nhau: “Thời chiến, ta còn khỏe thì phải xả thân cứu nước, nay già rồi, chậm “xả nước cứu thân” là chết”. Tất cả cùng cười vang, hoàn toàn không bận tâm đến vấn đề ý thức hay là môi trường.

Hiện nay, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định, từ ngày 1/2/2017, mức phạt tiền lên tới 3 triệu đồng (gấp 10 lần mức cũ) với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Thiết nghĩ, việc xử phạt cần phải được thực hiện nghiêm minh, đi kèm với các hình phạt bổ sung mang tính giáo dục ý thức như: Phạt lau dọn vệ sinh toàn bộ khu vực thang máy nơi vi phạm, bị dán ảnh tại nơi vi phạm… Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng “tiểu đường” nhưng không do bệnh lý, mà do ý thức.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
img