Ranh giới giữa giàu và nghèo có lẽ rất mong manh. Hôm trước bạn có thể là người không một xu dính túi, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần vì có thể hôm sau bạn sẽ trở thành triệu phú và… ngược lại.
Nếu may mắn nhận được một số tiền lớn đủ để sống dư dả suốt phần đời còn lại, chúng ta sẽ làm gì? Hầu hết phần lớn đều sẽ chọn cách sống hưởng thụ để bù đắp cho chuỗi ngày tháng cực khổ, gian nan, chi li, mà bản thân trải qua trong quá khứ. Con người là thế. Rốt cuộc kiếm thật nhiều tiền cũng chỉ để được tiêu tiền một cách thật đã đời.
Thế nhưng, Elaine Thompson, 64 tuổi, ở hạt Tyne and Wear, đông bắc Vương quốc Anh lại nghĩ khác. Theo tờ Mirror, 25 năm trước, bà Thompson là một trong những người vô cùng may mắn khi từng trúng số gần 3,6 triệu USD (hơn 83 tỷ đồng), một khối tài sản vô cùng lớn vào thời điểm thập niên 90.
Trở thành triệu phú, lẽ ra Thompson sẽ phải tận hưởng cuộc sống một cách ra dáng hơn bằng cách sở hữu cho mình những món đồ hàng hiệu, những chuyến du lịch xa hoa, hay chí ít cũng thay đổi bản thân theo lối sống thượng lưu một chút. Trái lại, Thompson vẫn tiếp tục gắn bó với công việc quen thuộc của mình kể từ ngày trúng số cho đến nay, đó là nhân viên siêu thị.
Bất chấp bản thân bị bệnh hen suyễn và nguy cơ rủi ro do Covid-19, Elaine Thompson có tiền mà vẫn “hành hạ bản thân” khi làm việc đều đặn theo ca từ 2h-9h sáng mỗi ngày, cái giờ mà nếu là người giàu, họ đã say giấc ngủ từ rất lâu sau khi suy nghĩ trằn trọc để xem ngày mai nên tiêu gì cho “tiền đỡ mốc”.
Sau khi trúng số vào năm 1995, Thompson chỉ mua cho mình một chiếc xe hơi bình dân, sau đó bà hỗ trợ cho con cái mua nhà và tích lũy thêm tài sản. Giải thích về lý do dù đã trở thành triệu phú nhưng vẫn làm công việc ở siêu thị suốt 25 năm qua, Thompson nói rằng bà muốn nêu gương và truyền cảm hứng sống cho con cái. “Điều quan trọng là bọn trẻ thấy bạn làm việc chăm chỉ và hiểu rằng bản thân sẽ không thu được gì từ cuộc sống, trừ khi bạn nỗ lực vì nó”, nữ đại gia 64 tuổi nhắn nhủ.
Mỗi người chúng ta hầu như đều hướng đến quan điểm sống rất đơn giản. Chăm chỉ thời trẻ, tích lũy tài sản và nghỉ hưu sớm để tận hưởng cuộc sống, giống như xu hướng FIRE - Financial Independence, Retire Early (Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm) của giới trẻ Trung Quốc được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Đó có lẽ là một xu hướng khá tốt, khi bản thân người trẻ hiểu được giá trị của sức lao động và cân bằng hài hòa giữa công việc và hưởng thụ để có thể lên kế hoạch kỹ càng cho việc nghỉ hưu ở tuổi 40 mà không gặp chướng ngại gì quá lớn. Thế nhưng, cũng có những người đã sớm tự cho mình nghỉ hưu khi bỗng dưng có một khoản tiền khổng lồ từ trên trời rơi xuống.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, khi quy hoạch đô thị, giao thông phát triển ở khắp mọi nơi, người ta được chứng kiến những “làng đền bù” mọc lên như nấm, nơi mà những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, gắn bó với ruộng đồng bỗng đổi đời khi nắm tiền tỷ trong tay.
Nhưng khi nhận số tiền đó, nhiều người lại chọn cho mình một lối đi hời hợt, thiếu suy tính. Họ không còn công cụ sản xuất, ở nhà chẳng biết làm gì, mà cầm tiền thì nóng ruột, thế là lại lao vào tiêu xài bằng cách xây nhà lớn, mua xe xịn, cờ bạc, rồi chẳng mấy chốc lại ví rỗng, trắng tay. Những cậu ấm choai choai mới ngày nào còn lấm lem theo mẹ đi cấy nay được mua cho nào những SH, Liberty… để nở mày nở mặt với chúng bạn, rồi sau đó lại sa ngã vào tệ nạn, hút chích, vay nợ.
Từ đó mới có câu chuyện những hộ gia đình được đền bù tiền tỷ nhưng vẫn có nguy cơ đói nghèo. Người ta vẫn còn nhớ thời điểm những năm 2000, những "làng lên phố" ở huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay phân thành Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) nhiều vô kể những gia đình được đền bù nhiều tỷ đồng. Kể từ đó cũng có giai thoại về những “công tử Bạc Liêu” đất Hà thành, ăn chơi, tiêu tiền bạt mạng, khiến ai cũng nể phục, ghen tỵ.
Trở lại vào 20 năm sau, những ngôi làng đó vẫn còn thấp thoáng hình bóng nhà cửa bề thế, biệt thự xa hoa, đứng sừng sững như một minh chứng cho thời hoàng kim xa xăm. Nhưng chủ nhân của những ngôi nhà đó thì trôi dạt phương nào không ai biết. Hóa ra, giàu lên mà không có sự chuẩn bị, không có tính toán, thì nghèo vẫn cứ lối cũ trở về nghèo mà thôi.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.