Từng là cửa ngõ, là nơi giao lưu buôn bán của kinh thành Thăng Long xưa, giờ đây sông Tô Lịch đã trở thành nơi chứa nước thải của TP, trở thành một dòng sông “chết”, chờ cơ hội được tái sinh.
Xa xưa nhắc đến sông Tô Lịch, người ta thường ví nó như dòng sông thơ mộng, trữ tình. Mang trong mình một thời oai hùng tráng lệ, nước trong xanh có thể nhìn thấy đáy, dòng sông đã trải qua những cột mốc lịch sử chống giặc ngoại xâm cùng nhân dân (cùng nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh năm 1425, hay kháng chiến chống Pháp năm 1873 - 1882).
GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam từng ví: “Ngày xưa, các vua thường đi thuyền ngắm cảnh hai bên bờ sông, tản mạn, viễn cảnh, như vậy cũng đủ biết, trước kia sông Tô Lịch đẹp cỡ nào”.
Những ngày này, người dân Thủ đô lại được thắp lại hy vọng hồi sinh dòng sông này khi mà chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp đang nỗ lực cải tạo nguồn nước sông.
Nhóm phóng viên Người Đưa Tin cùng PGS.TS.Hà Đình Đức – người nhiều năm nghiên cứu về các dòng sông, đi dạo trên bờ sông những ngày thu trong vắt. Nhìn dòng sông ngát xanh khác hẳn thời điểm cách đây vài tháng, ông Đức nhớ lại về những ngày xưa cũ: “Ngày trước sông Tô Lịch chảy dài, cửa sông mãi tận phố Chợ Gạo, chảy theo hướng Bắc Hà Nội rồi quanh co quanh Hà Nội, chảy qua các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, rồi vào Hàng Cá, quặt lên Hàng Lược, rồi ngược lên hướng Phan Đình Phùng ra Thụy Khuê rồi mới tới đoạn sông Tô Lịch bây giờ”.
Trước đây, sông Tô Lịch được xem là nhánh nhỏ của sông Hồng, nhưng từ năm 1889 khi Pháp đô hộ nước ta, đoạn đầu nguồn của sông chảy quanh khu phố cổ hiện nay đã bị lấp đi. Từ đó, sông Tô Lịch trở thành con sông độc lập dài chưa đầy 14km kéo từ Thụy Khuê dọc đường Bưởi xuôi theo đường Láng rồi chảy ra sông Nhuệ (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
“Cũng kể từ khi bị lấp, không còn nguồn nước cấp trực tiếp từ sông Hồng để thau rửa, sông Tô Lịch chỉ là còn nhiệm vụ gánh hàng trăm cống nước thải với lưu lượng 15.000m3 mỗi ngày”, PGS.TS. Hà Đình Đức nói.
Sống nửa đời người ngay cạnh dòng sông Tô Lịch, cụ Nguyễn Văn Hồ (SN 1959, tại phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy – làng Cót trước kia) vẫn nhớ ngày còn nhỏ mặc quần cộc cầm cần ra sông câu cá, mò cua nhưng chẳng được bao lâu.
“Đến khoảng năm 2000-2001, thành phố cho nạo vét, kè sông còn đào lên bao nhiêu xương người, xương súc vật rồi nhiều chuyện ma mị xảy ra lắm.
Khi đô thị phát triển, nhiều nhà dân tập trung hai bên bờ sông khiến nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đổ ra sông ngày càng nhiều, nước sông lúc nào cũng hôi thối, đen sì” , người đàn ông chạm tuổi lục tuần chép miệng nhớ lại.
Ông Hoàng Minh Khoa (SN 1950, Phó Chủ tịch hội khuyến học phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có tuổi thơ gắn liền với sông Tô Lịch. Những năm 60-70 của thế kỷ trước, rau muống mọc ở sông Tô còn được coi là “đặc sản”, có giá cao gấp đôi rau muống thường.
“Nhưng rồi khi hòa bình lập lại, hai bên bờ sông các hộ dân sinh sống tấp nập hơn thì các cống nước thải nhiều hơn, cũng như đầu nguồn khu vực Thuỵ Khuê có nhà máy sản xuất giấy, thì sông bắt đầu ô nhiễm. Mà ô nhiễm nặng nhất bắt đầu từ năm 1995 đến bây giờ”, ông Khoa chia sẻ.
Từ khi sông Tô Lịch ô nhiễm, thành phố Hà Nội đã có rất nhiều chủ trương, biện pháp nhằm cứu sống dòng sông, các nhà khoa học, các chuyên gia và rất nhiều giải pháp được đặt ra để đưa sông trở lại bản chất vốn có của nó. Tuy nhiên đến nay tất cả vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”.
Còn nhớ, vào năm 2009, Hà Nội đã có đề án dùng nước sông Hồng thau rửa sông Tô Lịch. Đề án này được coi như “tiểu đề án” đầu tiên thực hiện việc xử lý 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất trên địa bàn.
Năm 2010, UBND TP. Hà Nội tiếp tục giao các sở, ngành thực hiện 2 biện pháp: Bổ sung nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, giúp duy trì cân bằng nước, giảm nồng độ ô nhiễm và xây dựng các trạm xử lý nước thải kết hợp với xử lý nước thải ngay tại nguồn. Nhưng vẫn không hiệu quả.
Năm 2014, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành kiểm kê các nguồn thải dọc sông và phát chế phẩm sinh học cho 8.000 hộ dân. Đồng thời, TP.Hà Nội đã tiến hành triển khai Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bờ sông Tô Lịch kết hợp với xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông. Bên cạnh đó, UBND TP giao các quận, huyện tổ chức quản lý, thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi xuống hai bờ sông, mời chuyên gia nước ngoài khảo sát, nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ xử lý ô nhiễm phù hợp, chỉ đạo sở Quy hoạch Kiến trúc, viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn nước thải sinh hoạt đang đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý tập trung Phú Đô và Yên Xá.
Song song với đó, UBND TP giao sở Xây dựng tăng cường trồng cây xanh, tu sửa kè bờ, các vườn hoa, bãi cỏ, đường dạo ven sông và thường xuyên nạo vét lòng sông, giao sở TN&MT phối hợp với UBND các quận, huyện trên lưu vực sông tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, nhằm trả lại vẻ đẹp cho sông Tô Lịch.
Tất cả những biện pháp trên vẫn chỉ là tạm thời, vẫn không thể đưa con sông trở về trạng thái cũ vốn có của nó, thậm chí càng ngày càng ô nhiễm hơn, nước đen kịt, bùn dày hơn, người dân hai bên bờ khổ sở mỗi khi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, đặc biệt là những ngày nắng nóng.
Giữa năm 2019, một đơn vị đến từ Nhật Bản bất ngờ tiến hành thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch khiến bài toán “Tìm thần dược hồi sinh dòng sông chết” bất ngờ nóng trở lại. Từng nghĩ, một thử nghiệm vốn dĩ chỉ là một phép thử nhưng hình ảnh chuyên gia Nhật Bản tự do bơi lội, tắm giữa khu xử lý nước sông Tô như hồi ức cách đây vài chục năm đã khiến nhiều người phải suy nghĩ lại.
Không chỉ người dân mà chính quyền thành phố cũng bắt đầu hy vọng sẽ có một “thần dược” thực sự để cứu vãn tình trạng ô nhiễm, hôi thối đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ngay giữa Thủ đô.
Không lâu sau khi chuyên gia Nhật Bản đích thân chứng tỏ “phép màu” của mình, TP. Hà Nội tiếp tục cho lắp đặt thí nghiệm Redoxy 3C của Đức tại một đoạn sông Tô Lịch đoạn cầu Khương Đình. Được biết công nghệ này được Thành phố sử dụng xử lý ao tù và đã thành công, tuy nhiên việc xử lý ở sông thì vẫn là dấu hỏi lớn.
Tiếp đó, hồi giữa tháng 8 vừa qua, công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã đề xuất xây dựng trạm bơm với công suất 156.000m3/h để dẫn nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch với dự toán kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.
Nếu đề xuất của công ty thoát nước Hà Nội được đi vào thực tế, trên dòng sông “chết” cùng lúc sẽ có tới 3 giải pháp – 3 liệu trình thử nghiệm để tìm ra phương thuốc tốt nhất đưa sông Tô Lịch được khoác tấm áo xanh trong thay vì oằn mình gánh nước thải như hiện nay.
Tuy nhiên, GS.TS.NGND. Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho biết: “Trước hết, muốn đưa sông Tô Lịch trở lại như ngày xưa, làm sống được dòng sông, thì chúng ta cần phải làm theo trình tự. Đầu tiên làm trẻ hoá hai bờ, tiếp theo là xử lý ô nhiễm sông, cuối cùng là đưa nước vào sông.
Theo PGS.TS.Hà Đình Đức phân tích: “Muốn xử lý dứt điểm sông Tô Lịch cần phải hiểu bản chất của nó như thế nào. Theo cá nhân tôi thí điểm công nghệ hiện nay mà thành phố đang sử dụng mỗi cái có những ưu điểm riêng, và nếu muốn biết kết quả thì chúng ta cần có thời gian. Nhưng theo tôi muốn giải quyết ô nhiễm trước hết cần xử lý gần 300 cống thải đổ ra sông thì lúc đấy sẽ xử lý được”.
Để sông Tô Lịch sống trở lại được, chúng ta cần phải thực hiện theo trình tự không thể nóng vội ngày một ngày hai được.