Bất ngờ nguyên nhân khiến bé gái khàn tiếng, khó thở suốt 4 tháng
Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa ghi nhận một trường hợp đặc biệt về dị vật đường thở ở trẻ em. Khác với các ca bệnh thông thường, lần này các bác sĩ phát hiện một dị vật kẹt tại vị trí cực kỳ hiếm gặp - ngay giữa hai dây thanh của một bé gái.
Theo đó, bệnh nhi H (18 tháng tuổi, đến từ Sóc Trăng) đã trải qua gần 4 tháng với các triệu chứng khàn tiếng và khó thở. Dù đã thăm khám tại nhiều cơ sở y tế và được chẩn đoán viêm thanh quản cấp, tình trạng của bé vẫn không cải thiện hoàn toàn sau nhiều đợt điều trị.
Khi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé H trong tình trạng thở rít thanh quản kéo dài. Tuy nhiên, qua khai thác bệnh sử, bác sĩ không ghi nhận bé có hít sặc dị vật trước đây. Bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng với các phương pháp chuyên sâu như nội soi Tai mũi họng và chụp CT Scan cổ ngực.
Ban đầu, kết quả cho thấy có khả năng xuất hiện một màng chắn vùng hạ thanh môn. Tuy nhiên, qua nội soi phế quản vào ngày 5/11/2024, ê kíp bác sĩ đã phát hiện và gắp thành công một mảnh dị vật nhựa sắc, mỏng và trong suốt đang cắm giữa thanh môn của bé.
May mắn là dù dị vật tồn tại trong đường thở một thời gian dài, nhưng không gây biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng hay xuyên thủng khí phế quản. Sau khi được gắp dị vật, sức khỏe của bé H. đã phục hồi nhanh chóng và xuất viện sau 2 ngày điều trị.
BSCKII Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 khuyến cáo các bậc phụ huynh: không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn (kẹo, đậu phộng, nho, các loại hạt…). Khi ăn, trẻ nên được ngồi thẳng và phải được giám sát bởi người lớn. Người lớn cần hướng dẫn trẻ cách nhai kỹ thức ăn và tránh la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc khi ăn. Để những vật dụng hay những mảnh đồ chơi nhỏ xa tầm tay trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ có tình trạng ho, khò khè kéo dài kém đáp ứng điều trị, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế chuyên sâu về hô hấp nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phân biệt các kiểu sốt
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trương Cẩm Trinh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ, ở giai đoạn đầu, trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng hay hô hấp đều có dấu hiệu bị sốt. Trong một số trường hợp, trẻ sẽ nổi ban trên da. Tuy nhiên, tiến triển cơn sốt và nốt ban của các bệnh này có thể được phân biệt dựa trên các yếu tố sau đây.
Thứ nhất, bệnh sởi.
Sốt trong bệnh sởi: Sốt cao, có thể kéo dài 4-7 ngày. Sốt thường bắt đầu trước khi nổi ban.
Đặc điểm ban sởi: Ban đỏ, có dạng dát sẩn, không có mụn nước, thường xuất hiện từ sau tai, trán, mặt và lan xuống ngực, bụng, lưng, rồi đến tay chân, và biến mất cũng theo trình tự đó. Ban có thể kéo dài từ 5-7 ngày.
Triệu chứng kèm theo: Trước khi phát ban, trẻ thường có triệu chứng giống cảm lạnh như ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, kèm theo mệt mỏi và chấm trắng trong miệng (hạt Koplik). Sau vài ngày sốt, ban đỏ mới xuất hiện.
Tiến triển: Khi ban nổi rõ, sốt có thể giảm dần, nhưng nếu sốt vẫn kéo dài sau khi ban nổi thì cần cảnh giác với biến chứng.
Thứ hai, bệnh tay chân miệng.
Sốt trong bệnh tay chân miệng: Sốt thường nhẹ đến vừa, từ 37,5 độ C đến 39 độ C. Sốt kéo dài 1-2 ngày trước khi nổi mụn nước.
Đặc điểm ban trong bệnh tay chân miệng: Ban thường có dạng mụn nước nhỏ, đôi khi xuất hiện những vết loét. Ban thường nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối và đôi khi ở mông, miệng.
Triệu chứng kèm theo: Trẻ có thể quấy khóc, kém ăn do loét miệng và đau họng. Kèm theo là mụn nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và đôi khi ở khuỷu tay, đầu gối.
Tiến triển: Sốt thường giảm nhanh sau khi ban và mụn nước xuất hiện.
Thứ ba, sốt xuất huyết.
Sốt trong bệnh sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột (trên 39 độ C), thường kéo dài từ 2-7 ngày.
Đặc điểm ban sốt xuất huyết: Ban dạng xuất huyết dưới da (chấm hoặc mảng xuất huyết), không nổi cộm, không ngứa. Ban có thể xuất hiện khắp cơ thể, nhưng thường ở hai chân và tay.
Triệu chứng kèm theo: Sốt đi kèm với đau đầu, đau nhức cơ, khớp, đau sau hốc mắt, mệt mỏi. Bệnh nhi có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu xuất huyết dưới da.
Tiến triển: Sốt cao đột ngột, kéo dài khoảng 2-3 ngày, sau đó nhiệt độ có thể giảm. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nguy hiểm vì có thể xảy ra biến chứng sốc hoặc xuất huyết nghiêm trọng.
Thứ tư, nhiễm khuẩn hô hấp.
Sốt trong nhiễm khuẩn hô hấp: Sốt có thể nhẹ hoặc cao, tùy thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng (viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,...). Nhiễm vi khuẩn thường gây sốt cao (trên 38,5 độ C) còn nhiễm virus thường gây sốt nhẹ hơn.
Triệu chứng kèm theo: Ho, khò khè, đau họng, khó thở, mệt mỏi. Trong trường hợp viêm phổi, có thể có đau ngực và khó thở.
Tiến triển: Sốt có thể kéo dài vài ngày nếu không được điều trị đúng cách, đặc biệt trong các trường hợp nhiễm khuẩn.
Mỹ ghi nhận ca tử vong liên quan đến vi khuẩn E.Coli từ cà rốt
Ngày 17/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đã ghi nhận 1 ca tử vong và ít nhất 39 trường hợp khác gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến vi khuẩn E.Coli có trong cà rốt tươi do một số hãng bán lẻ lớn phân phối tại 18 bang.
Trong tuyên bố, CDC cho biết các ca nhiễm khuẩn E.Coli có liên quan đến cà rốt nguyên củ đóng túi và cà rốt baby do hãng Grimmway Farms cung cấp, được các hãng bán lẻ như Walmart, Target, Kroger, Whole Foods, Albertsons, Publix, Food Lion, và Trader Joe's phân phối dưới nhiều thương hiệu khác nhau. Mặc dù các sản phẩm này đã được thu hồi khỏi các cửa hàng, CDC khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ tủ lạnh và vứt bỏ ngay lập tức bất kỳ sản phẩm cà rốt nào có thương hiệu và hạn sử dụng nằm trong danh sách thu hồi.
Trước đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết Grimmway Farms đã ban hành lệnh thu hồi tự nguyện đối với các mặt hàng cà rốt, vốn cũng đã được vận chuyển đến nhiều cửa hàng ở Canada và Puerto Rico. Trong thông cáo báo chí vào ngày 16/11, Grimmway Farms, hãng trồng trọt và sản xuất cà rốt lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bakersfield, California, cho biết công ty đang xem xét lại hoạt động trồng trọt, thu hoạch và chế biến của mình, cũng như đang làm việc với các nhà cung cấp và cơ quan y tế về vấn đề này.
Theo CDC, số cà rốt bị ảnh hưởng có thể liên quan tới vi khuẩn E.Coli O121:H19. Khi ăn phải cà rốt bị nhiễm vi khuẩn này, bệnh nhân có thể bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy và nôn mửa. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 3 - 4 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn và hầu hết các trường hợp có thể tự hồi phục mà không cần điều trị sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, một số người có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thận và cần phải nhập viện.
T.M (tổng hợp)