Mấy hôm rồi, bộ Công Thương đưa ra “ý tưởng” tính “điện một giá” khiến dư luận được phen râm ran bàn tán. Chưa biết sự ưu việt của cách tính mới như thế nào nhưng với tư cách là khách hàng, bản thân người viết cũng hoang mang lắm!
Cách tính giá điện luôn là vấn đề “nóng” được dưu luận quan tâm (Ảnh minh họa)
Giữa thời Covid, khó khăn chồng chất khó khăn, người dân chật vật mưu sinh, đùng một cái, cơ quan quản lý “nhà đèn” lại đề xuất áp điện một giá, mà với cách tính mới, giá điện phải cao hơn giá bình quân hiện hành (1.864,44 đồng/kWh) và có thể lên tới mức gần 3.000 đồng/kWh thì dân nào chịu nổi?
Tất nhiên, một đề xuất đưa ra cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn ý kiến phản đối không thể áp đặt dùng nhiều hay dùng ít cũng… chỉ một giá. Nếu áp dụng chính sách điện một giá, chẳng may tiêu thụ nhiều điện (trên 500 kWh) thì rõ ràng hộ nghèo nơm nớp lo đến ngày… nhận hóa đơn.
Giá điện là phải công khai (Ảnh minh họa).
Nói như lời một chuyên gia, người thu nhập thấp sẽ chọn phương án bậc thang để có lợi hơn vì dùng ít. Còn những người chọn điện một giá sẽ là giới giàu, thu nhập cao bởi với họ điện một giá có lợi hơn. Hoá ra, đấu tranh cho điện một giá là đấu tranh cho người giàu?!
Ở chiều ngược lại, không ít ý kiến ủng hộ phương án "điện một giá". Với cách tính đó, tất cả khách hàng đều bình đẳng khi cùng mua một loại hàng của cùng một nhà cung ứng. Ít nhiều, khách hàng có thể không có lợi về giá thì cũng có lợi vì minh bạch hơn. Bởi từ xưa đến nay, người dân thắc mắc rất nhiều về việc đo đếm chỉ số công tơ, cách tính điện bậc thang.
Thực tế, những tranh cãi về chuyện thu đúng, thu đủ tiền điện còn lắm sự “cười ra nước mắt”. Hôm rồi, 1 “bạn bè Facebook” của tôi đã bức xúc lên tiếng về cách tính giá điện của ngành điện lực.
Chị này chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Hai tháng liên tiếp dù nhà mình dùng rất ít thiết bị điện nhưng “nhà đèn” đều báo sử dụng hết 1012kWh, số tiền phải thanh toán là 2.901.551 đồng. Hai tháng, tiền điện giống y hệt nhau, không sai một số. Thắc mắc với sở Điện lực, em nhận được câu trả lời “em trúng số độc đắc, 2 tháng tiền bằng nhau chẵn từng đồng”. Tháng kế tiếp, em sinh con, điều hòa, bình nóng lạnh bật hết công suất, điện trong nhà lúc nào cũng bật 24/24 thì số tiền phải thanh toán là 2.931.720 đồng. Dùng nhiều mà chỉ tốn hơn 30 nghìn đồng so với trước đó. Ô hay, sở Điện lực tính giá… kì cục ghê”.
Đó chỉ là một ví dụ cho chuyện ghi số điện và tính đúng tiền điện mà thôi. Trong khi ngành Công Thương loay hoay với cách tính giá, nhiều người vẫn phải "nghiến răng" trả nhiều tiền điện hơn cho những hóa đơn ghi những chỉ số tiêu thụ điện "trên trời”. Thử hỏi, có bao nhiêu bản hóa đơn bị ghi sai, ghi ẩu mà người dân phải “mắt nhắm, mắt mở” cho qua?
Quay trở lại câu chuyện “điện một giá”, báo mạng đồng loạt đưa tin, Bộ trưởng Công Thương quyết định rút lại phương án người dân được lựa chọn dùng điện một giá hay điện bậc thang. Thay vào đó, tiếp tục lấy ý kiến biểu giá điện bậc thang giảm 6 bậc còn 5 bậc. Thế nhưng cách tính bậc thang mới còn nhiều thứ “oằn tà vằn”, khó hiểu lắm!
Lâu nay, đề xuất về cách tính giá điện thay đổi đến chóng mặt nhưng dù chọn cách nào, phương án nào, bộ Công Thương cũng cần tính toán lại cho phù hợp và nếu phương án bất hợp lý thì dù có cho người dân chọn cũng không có ý nghĩa. Giá điện là phải công khai chứ đừng để dân bán tín bán nghi “nhà đèn” muốn tạo sức ép đẩy giá cao lên để khi “trả giá” xuống thấp hơn một chút là vừa ý nguyện?
Nếu đảm bảo nguyên tắc thị trường, ngành điện sẽ không phải sợ thiệt và người dân cũng chẳng ngao ngán phải bất đắc dĩ tham gia gameshow… “hãy chọn giá đúng”!
Hương Lan *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.