Quy luật sinh – lão - bệnh - tử bao hàm trọn vẹn vòng tròn của một kiếp người. Nhưng khi bước vào tuổi già, được sống cùng với một người con có hiếu hay không cũng là một điều may mắn. Cay đắng thay, không phải ai cũng may mắn trong phần cuối của cuộc đời…
Theo Global Times, hồi tháng 5 vừa qua, dư luận Trung Quốc hết sức bất bình vì câu chuyện một cụ già 79 tuổi bị chính con trai mình chôn sống một cách nhẫn tâm. Trước đó, cảnh sát huyện Tĩnh Biên thuộc tỉnh Thiểm Tây nhận được trình báo về vụ mất tích của bà cụ 79 tuổi khi con dâu cụ nói, chồng mình là ông Ma đưa cụ ra khỏi nhà nhưng sau đó không thấy ông đưa bà mẹ trở về.
Ngay lập tức, cơ quan cảnh sát làm việc với ông Ma, 58 tuổi, và ông này thú nhận việc chôn sống mẹ ruột bị tàn tật tại một nghĩa địa bỏ hoang. Sau khi xác định được vị trí chôn, cảnh sát đã tới đó và nghe thấy tiếng kêu cứu, ngay lập tức họ tiến hành công tác giải cứu bà cụ. Lúc được đưa ra, bà cụ nằm im trong tư thế sấp mặt, còn sống dù bị chôn đã ba ngày, không được ăn hay uống nước. Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện để điều trị.
Sức sống kỳ diệu của cụ bà đã mang đến cái kết có hậu và như một cái tát thẳng vào mặt đứa con nghịch tử. Ngay sau đó, đối tượng Ma bị bắt giữ với cáo buộc có hành vi cố ý giết người. Khai báo nguyên do với cảnh sát, Ma nói rằng do người mẹ không tự chủ vệ sinh cá nhân nên trong nhà thường có mùi khó chịu khiến hắn "bị áp lực tâm lý". Ma được cho là gặp vấn đề về tâm thần và đang được kiểm tra, đánh giá về sức khỏe tâm thần.
Không giống như các nước phương Tây, quan điểm con cái tự lập, cha mẹ khi về già sẽ vào viện dưỡng lão sống đến cuối đời, tư tưởng phương Đông hướng đến sự gắn kết giá trị gia đình, cha mẹ già sống nương tựa con cái.
Cha mẹ hy sinh vì con cả đời mà cảm thấy chỉ như muối bỏ bể, nhưng có những người con chăm sóc cha mẹ chỉ vài năm về già lại tưởng chừng như những năm tháng cực hình. Đó là sự đối nghịch trái ngang, nhưng vẫn hiện diện trong nhiều gia đình.
Ngày nay, người già cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Họ nhiều khi ứa nước mắt khi vô tình nghe thấy những lời than thở từ con cái. Người con thì phiền lòng khi phải gánh vác cha mẹ già yếu nhưng bỏ bê lại không dám vì trái đạo làm con. Sự miễn cưỡng và ức chế lâu ngày đã dẫn đến những bi kịch xé lòng.
Hôm 7/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài khoảng 7 phút ghi lại cảnh bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chửi bới, đổ rác lên đầu mẹ ruột là N.T.Đ 79 tuổi. Với hành vi đáng phẫn nộ trên, công an Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hoa về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 185, Bộ Luật Hình sự.
Làm việc tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Hoa thừa nhận toàn bộ hình ảnh trong clip là do mình thực hiện, đồng thời khai rằng bản thân thường xuyên có lời lẽ chửi mắng, xô xát mẹ ruột do bà “lẩm cẩm” không tự chủ được sinh hoạt, đồng thời bực tức vì phải chăm lo mẹ già mà không thừa hưởng tài sản. “Tôi sai tất cả, do thiếu kiềm chế nên mới để lại hậu quả”, Hoa khai nhận.
Người xưa có câu: “Trong nhà có người già như một báu vật”. Có người già như một kho tàng quý giá về kinh nghiệm sống, những lời răn dạy hợp lẽ đời và được phụng dưỡng cha mẹ già chính là một phước phận lớn của những người con. Trải qua gần hết kiếp người, người già chẳng mong gì tiền bạc, vật chất, cái quý giá nhất đối với họ là được nhận những lời hỏi thăm, sự gần gũi quan tâm của con cháu.
Cuộc đời là một vòng tuần hoàn, ai rồi cũng sinh ra, tận hưởng cuộc sống rồi già đi. Cả cuộc đời vì con cái, để rồi cuối đời cũng chỉ mong con cái có hiếu với mình. Toàn bộ đoạn video ghi lại cảnh ngược đãi mẹ già được quay bởi chính người con của bà Hoa. Con của bà Hoa sẽ nghĩ gì khi mẹ mình làm vậy với bà? Sau này khi bà Hoa già đi, liệu sẽ lại có thêm một cái vòng luẩn quẩn khác nữa? Người ta thường nói, nhân quả nhãn tiền, sống trước đổ đâu, sống sau đổ đó, gieo cái ác hôm nay đừng nghĩ một ngày không gặp quả báo. Đó cũng là lẽ đời…
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.