Ngày 31/8, Công an quận 11, TP.HCM cho biết đang tạm giữ đối tượng Trần Hữu Sơn (SN 1979, ngụ quận Tân Bình, tạm trú quận 7) và Trần Hồng Thái (SN 1983 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên) để điều tra, xử lý về hành vi giả danh cán bộ công an nhân dân, cưỡng đoạt tài sản.
Theo thông tin ban đầu, vào 22h ngày 28/8 Sơn và Thái mặc Cảnh phục công an nhân dân, mang theo súng, đi trên xe ô tô biển xanh 80B - 2547 đến đậu trước căn nhà của bà L.H.T. (SN 1966, ngụ TP.HCM) trên đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11.
Tại đây, “Thiếu tá” Sơn và “Thiếu úy” Thái bước xuống xe, tự xưng là cán bộ của cục CSHS bộ Công an, yêu cầu bà T. vào nhà đọc lệnh bắt giữ và khám xét nhà bà T..
Đối tượng Sơn, Thái giả cán bộ bộ Công an.
Thấy 2 cán bộ công an có những điệu bộ khả nghi, đặc biệt việc thực hiện lệnh bắt giữ người nhưng không có sự xuất hiện của đại diện công an phường, cảnh sát khu vực hay tổ dân phố. Lúc này người nhà của bà T. liền gọi điện báo Công an phường 7.
Ít phút sau, Công an phường 7 và và lực lượng hình sự đặc nhiệm Công an quận 11 lập tức có mặt, yêu cầu 2 “đồng chí” này xuất trình giấy tờ tùy thân. Ban đầu 2 “cán bộ” công an này tỏ vẻ trịch thượng, lớn tiếng ta đây đang thi hành nhiệm vụ đồng thời xuất trình một thẻ ngành và lệnh khám xét.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ giấy tờ tùy thân, thẻ ngành của Sơn và Thái đều là giả nên mời 2 người này về trụ sở công an làm việc.
Tại cơ quan công an, Sơn và Thái thừa nhận mình là cán bộ công an “dởm”. Chúng khai, quân phục công an nhân dân, súng ngắn, biển số 80B xanh của ô tô đều tìm mua trên mạng.
Sau khi tự trang bị cho mình đồng phục, quân trang ngành công an, Sơn và Thái thuê ô tô, gắn biển số giả đi đến nhà bà T.. để “diễn”cảnh bắt người.
Sơn và Thái khai, mục đích giả cán bộ của cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an đến nhà bà T. là để chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng tâm lý phụ nữ không bình tĩnh, các đối tượng sẽ “diễn” bắt người, khám xét nhà để doạ khiến bà T. sợ sệt. Sau đó chúng sẽ yêu cầu gia đình bà T. đưa 100 đến 200 triệu đồng cho chúng để bảo lãnh. Tuy nhiên, khi hành vi thực hiện chưa trót lọt thì cả hai đã bị công an thật bắt giữ.
Giấy tờ giả và tang vật công an thu giữ trên người 2 đối tượng Sơn, Thái.
Theo tìm hiểu, PV được biết, bà L.H.T. làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng và sống một mình tại căn nhà nằm trong hẻm trên đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11. Sau vụ việc xảy ra ít ngày, bà T. vẫn chưa hết hoảng sợ khi kể lại sự việc: “Đêm 28/8, khi tôi mới vào nhà tắm rửa xong sau chuyến từ thiện dài dưới Cần Thơ về. Đang tính đi ngủ thì có tiếng đập cửa nên tôi mở xem có việc gì. Khi cảnh cửa lùa vừa hé, tôi nhìn thấy 2 người đàn ông mặc sắc phục công an đứng trước nhà. Tôi hỏi có chuyện gì, người đàn ông xưng tên Thắng nói họ đến từ cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an. Tôi chưa kịp hỏi gì thêm thì 2 người này đã kéo cửa, xông thẳng vào nhà rồi lớn tiếng yêu cầu khám xét, bắt người”.
Bà T. cho hay, do định đi nghỉ nên bà mặc quần áo ngủ, khi bà nói muốn đi thay đồ cho lịch sự thì 2 người này không cho, phải đến khi bà lớn tiếng họ mới chịu.
“Khi họ đồng ý, tôi liền đi lên lầu gọi điện cho người em trai đến hỗ trợ”, bà T. cho biết thêm. Do thấy đêm hôm, lại xuất hiện 2 người công an đến nhà dân bắt người và đòi khám xét nhà nên người dân xung quanh nghi vấn cũng gọi báo công an phường.
Bà T. cho biết 2 người này lấy ra 1 tờ giấy đọc lệnh bắt giữ bà vì tội Tổ chức đánh bạc và Cho vay nặng lãi. Sau khi những người này đọc lệnh xong, bà T. rơi vào tình trạng tăng huyết áp, có nguy cơ ngất xỉu do choáng.
Đúng lúc này, lực lượng công an phường đã có mặt. Sau khi kiểm tra thẻ ngành và đưa ra một số câu hỏi liên quan đến nghiệp vụ công an, 2 đối tượng này lập tức lộ đuôi cáo, thú nhận mình là cảnh sát rởm.
Công an quận 11 cho biết, có thể 2 đối tượng trên còn giả danh cán bộ công an nhân dân để thực hiện một số hành vi phạm pháp khác, nên công tác điều tra đang tiếp tục được mở rộng.
Một cán bộ công an phường cho biết, thời điểm tổ công an phường đến nhà bà T., 2 cảnh sát rởm vẫn tỏ ra bình tĩnh, thậm chí còn cao giọng này nọ. “Các đối tượng được trang bị kỹ và cẩn thận. Chúng đối đáp rõ ràng, rất bình tĩnh và khôn ngoan. Phải đến khi chúng tôi yêu cầu xuất trình thẻ ngành và tiến hành dùng nghiệp vụ bí mật, các đối tượng này mới bị bóc mẽ”, vị cán bộ trên cho biết.
Thời gian vừa qua, tình trạng giả danh, mượn danh công an để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản xảy ra liên tiếp khiến người dân hoang mang.
Băng nhóm giả CSHS chiếm đoạt hàng chục xe máy.
Việc giả danh diễn ra từ những cuộc gọi “lạ”, mạng internet đến ngoài đời và nguy hiểm hơn khi các đối tượng thực hiện hành vi ngày càng táo tợn và manh động.
Theo một cán bộ công tác tại viện Khoa học hình sự bộ Công an phía Nam, đối với tội phạm giả danh công an trên không gian mạng và trên các thiết bị viễn thông thì đây là loại tội phạm công nghệ cao, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi.
Khi thực hiện hành vi, các đối tượng sẽ làm cho bị hại lâm vào trạng thái hoảng loạn, hoang mang nên sẽ làm theo yêu cầu của chúng như: Chuyển tiền, cung cấp tài khoản ngân hàng với lý do phục vụ công tác điều tra.
Mới đây, tháng 12/2019, Công an TP.HCM vừa bắt giữ nhóm đối tượng giả danh CSHS gây ra hơn 20 vụ cướp tài sản trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh. Đây là băng nhóm giả danh CSHS gây ra hàng loạt vụ chiếm đoạt xe máy, cho đến thời điểm này, cơ quan công an vẫn đang tiếp mở rộng điều tra vụ việc, đồng thời thông báo đến 20 chủ tài sản xe máy vẫn chưa đến liên hệ với cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra.
Tiếp đó, chiều 28/8, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM tạm giữ 3 đối tượng trong băng nhóm xưng là CSHS tấn công người dân, nghi vấn là cướp. Tối 27/8, nhóm đối tượng này đi xe máy “độ”, trang bị hung khí như bình xịt hơi cay, roi điện, gậy 3 khúc tiếp cận 2 người đi xe máy trên phường Linh Xuân, quận Thủ Đức yêu cầu dừng xe, kiểm tra. Nghi ngờ có thể đây là các đối tượng cướp giật nên nạn nhân hoảng sợ bỏ chạy nhưng các đối tượng vẫn đuổi theo. Sau đó, băng nhóm này xưng là CSHS đã tiếp cận xịt hơi cay vào mặt và đạp 2 người đi xe máy ngã xuống đường.
Người dân xung quanh kéo ra can thiệp, yêu cầu nhóm người xưng Cảnh sát hình sự xuất trình thẻ ngành Công an. Tuy nhiên nhóm này thấy người dân đến đông trong khi chúng không xuất trình được thẻ ngành Công an nên tìm cách tháo chạy.
Khi người dân giữ lại một số đối tượng trong nhóm thì các đối tượng khác tìm cách giải vây và cùng nhau tẩu thoát. Đến chiều 28/8, Công an quận Thủ Đức phối hợp cùng Công an phường Linh Xuân đã tạm giữ 3 đối tượng trong băng nhóm để điều tra.
Nhóm giả CSHS tại quận Thủ Đức.
Bước đầu, cơ quan công an xác định nhóm đối tượng ở TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, khả năng gây nhiều vụ ở vùng ven.
Theo khuyến cáo của bộ Công an, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, trước hết người dân phải nắm được các quy trình hoạt động hành chính, quy trình làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật như, công an, tòa án… những cơ quan này làm việc là phải có giấy mời, chứ không làm việc qua điện thoại. Không có chuyện cơ quan pháp luật gọi điện đến công dân để dọa ép công dân phải đưa tiền. Nếu có yêu cầu giao nộp tài sản liên quan đến vụ án, sẽ có những yêu cầu bằng văn bản cụ thể. Việc giao nộp được tiến hành tại trụ sở với những người có thẩm quyền.
Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó... Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Nếu thấy sự việc có biểu hiện khả nghi, phải nhanh chóng báo cho công an lập tức.
Ngoài ra, việc khám xét, bắt giữ người vi phạm pháp luật phải có nhiều lực lượng tham gia như cảnh sát, viện kiểm sát nhân dân, tổ dân phố… Người dân cần tỉnh táo khi thấy việc thực hiện bắt giữ người, khám xét nơi ở mà không có một trong những lực lượng trên thì gọi báo chính quyền, công an khu vực.
Luật sư Trần Đình Dũng (đoàn LS TP.HCM) nhận định:
Gần đây xảy ra nhiều trường hợp giả danh cán bộ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền, nhất là giả danh công an. Cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm minh để gìn giữ an ninh trật tự trong xã hội. Hành vi giả danh táo tợn của 2 đối tượng là vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng cần khởi tố các đối tượng về tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác quy định tại Điều 339 BLHS. Theo đó, người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu 2 đối tượng giả danh công an này có hành vi yêu cầu đưa tiền thì có thể xử lý các đối tượng theo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 BLHS.
HV.