Chỉ vì một cô gái khai báo hải quan gian dối mà toàn bộ hệ thống y tế phải oằn mình chống đỡ, thêm bao nhiêu người khốn khổ vì dịch bệnh Covid-19. Ông L.T.H – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty P.Đ (một doanh nghiệp đang thực hiện dự án điện gió ở Quảng Trị) biết điều đó, nhưng ông ấy vẫn hành xử vô cảm bằng cách… đẩy người khác đi cách ly thay mình.
Thưa ông L.T.H
Vậy là cuối cùng, ông vẫn bị “cưỡng chế” đi cách ly tập trung. Không biết bây giờ ông đang cảm thấy thế nào? Cách ly y tế có đáng sợ đến mức ông phải “gí tốt” – đẩy nhân viên của mình đi đóng thế hay không?
Tôi tin rằng so với mức sống của một vị Chủ tịch doanh nghiệp như ông, hẳn là điều kiện sống ở trong khu cách ly sẽ thiếu thốn, bí bách. Nhưng tôi đọc báo, thông qua chia sẻ của một số công dân đang nghiêm túc, vui vẻ cách ly trong đó thì thấy cũng không đến nỗi nào.
Họ coi việc bị cách ly là cơ hội để được chăm sóc y tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng. Vì vậy, họ cảm kích vì được thăm khám chu đáo hàng ngày, được cung cấp những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, được cấp phát vật dụng cá nhân… Với thái độ lạc quan hợp tác, họ còn tận dụng 14 ngày đó để đọc sách, nghe nhạc, trải nghiệm cuộc sống chậm mà bao lâu rồi ít có.
Vậy nên, trốn cách ly, ông không chỉ vô trách nhiệm với bản thân mà còn thể hiện mình là người thiếu ý thức, ích kỷ, vô cảm với người thân và cộng đồng.
Nếu ông lỡ mắc bệnh viêm phổi cấp do Covid-19, thì không đâu an toàn với ông hơn là cơ sở y tế. Đến đó, ông được đảm bảo sức khoẻ ở mức cao nhất, mà người thân và xã hội cũng tránh được việc bị ông lây nhiễm sang.
Nhưng ông Chủ tịch đã không nhận thức được, hoặc là cố tình coi nhẹ điều đó.
Nếu ông có đọc báo thì hẳn đã biết, vì trách nhiệm với cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng đang phải chịu chế độ cách ly y tế. Tôi không biết ông bận trăm công nghìn việc thế nào mà không thể dành ra 14 ngày để thực hiện trách nhiệm công dân như vậy.
Thưa ông Chủ tịch,
Như ông đã thấy, chỉ một cô gái Nguyễn Hồng Nh. (26 tuổi, ở 125 Trúc Bạch – Hà Nội) (ca bệnh nhiễm Covid-19 thứ 17) khai báo gian dối mà chúng ta đã phải cách ly hơn 200 người cùng chuyến bay, 8 người nhà, 17 y bác sĩ, phong toả bệnh viện, lập chốt chặn cả một khu phố…
Nhưng vẫn là không kịp. Vì cô ấy đã làm lây nhiễm cho một người bác, một lái xe và hàng chục người trên cùng chuyến bay. Và thế là cả hệ thống y tế lẫn chính trị lại căng mình ra “đuổi theo” những nạn nhân F1, F2, F3 của cô ấy để cách ly tiếp.
Nếu cô ấy khai báo trung thực từ đầu, thì chỉ một mình cô ấy bị cách ly. Và chúng ta không cần phải oằn mình chống đỡ bao nhiêu hệ quả, tốn bao nhiêu tiền của như vậy.
Là một doanh nghiệp, hơn ai hết ông hiểu rằng những đồng thuế của mình đóng góp hàng ngày vào ngân sách đã bị những người vô ý thức như cô gái – bệnh nhân thứ 17 kia phá hoại ra sao. Vậy mà ông lại tiếp tục phá hoại như chính cô gái ấy.
Là doanh nghiệp, ông hẳn phải xem chữ tín là kim chỉ nam cho hành động của mình. Vậy nên hành vi gian dối kể trên còn có thể coi là thất tín với cấp dưới và với chính quê hương mình.
Cũng may sự gian dối của ông được phát hiện kịp thời nên chỉ khiến thêm một người liên luỵ là anh nhân viên “mẫn cán” chịu làm người đóng thế cho ông. Từ chỗ không thuộc diện nghi nhiễm nhưng vì đi cách ly thay ông mà giờ đây anh ta cũng bị cách ly cùng ông.
Thưa ông Chủ tịch,
Các cụ nói: “Người tính không bằng Trời tính”, “Tránh Trời không khỏi nắng”, cho nên cuối cùng ông vẫn phải ngồi ở đây mà nghe thiên hạ đàm tiếu về mình.
Cá nhân tôi thấy ông thật dại. Rượu mừng không uống lại uống rượu phạt. Đang từ chỗ được mời đi cách ly như một cách được Chính phủ mời hợp tác chung tay đẩy lùi bệnh dịch thì ông lại để mình bị “cưỡng chế” đi cách ly, sau khi đã kịp “nổi danh” trên toàn bộ hệ thống thông tin quốc gia, từ những tờ báo công tâm nhất đến những diễn đàn rỗi hơi nhất.
Đó là chưa kể, hành vi trốn cách ly của ông rất có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" - theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Thưa ông L.T.H
Xưa nay tôi chỉ mới thấy có nạn “học hộ”, “thi hộ”, “đi tù hộ”…, giờ trong lúc sức khoẻ toàn dân đang ở trong tình thế nguy nan tôi lại thấy có ông là người “phát minh” ra nạn “cách ly hộ”.
Tôi khâm phục ông – một người có đầu óc ứng biến linh hoạt, biết vận dụng tài tình chiến lược phân cấp phân quyền kiểu “nước sông, công lính” để giải cứu tình thế cho mình.
Song tôi cũng thấy “sợ” ông, vì thông qua hành vi tráo người cách ly, ông đã thể hiện mình là người vừa thiếu ý thức, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm công dân lại còn thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng pháp luật.
Hay nói cách khác, một cách ngắn gọn, là ông đã “bán danh” với giá 3 đồng!!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Diễn biến vụ việc:
Trước đó, ông L.T.H. được xác định là người ngồi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội về Huế ngày 6/3/2020.
Ngày 8/3, một người trên chuyến bay này bị phát hiện dương tính với Covid-19
Tối 8/3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã lên danh sách 4 người trên chuyến bay này về Quảng Trị để đưa đi cách ly, trong đó có ông H.. Cả bốn người này đều làm việc cho công ty điện gió P.Đ, và đều về huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
23h đêm 8/3, cơ quan chức năng đến Hướng Hóa đưa 4 người nói trên về Đông Hà cách ly thì ông H. đã chỉ đạo cấp dưới của mình đi cách ly thay.
Đầu giờ sáng 9/3, cơ quan chức năng phát hiện người được đưa về nơi cách ly không phải là ông H. mà là cấp dưới của ông. Ngay sau đó ông H. bị yêu cầu cách ly. Hiện người đi cách ly thay ông H. cũng bị cách ly cùng.