Đề xuất của ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng là đại diện tiếng nói của người dân Thủ đô Hà Nội hay dựa trên góc nhìn của một nguyên lãnh đạo Tổng cục Du lịch khi đề xuất thu "phí chia tay" dựa trên ý tưởng các nước đã áp dụng như Nhật, Anh, Hàn Quốc, Australia?
"Phí chia tay" - từ đâu mà có?
Đề xuất của ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đưa ra dựa trên quyết định áp dụng của một số nước trên thế giới - trong đó có Nhật Bản là nước mới đưa vào thực hiện thu thuế này từ ngày 7/1/2019 vừa qua.
Từ thực tế các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản - đất nước mà hầu hết người dân Việt Nam đều cho rằng là "chuẩn mực" của cuộc sống văn minh, hiện đại thì đề xuất của ĐB Nguyễn Quốc Hưng không hẳn là vô lý.
Theo quy định mới áp dụng, tất cả du khách rời khỏi Nhật Bản sẽ phải trả "phí chia tay" (Sayonara tax) số tiền 1.000 Yen (tương đương 9 USD - khoảng 200.000 đồng).
Mức thuế trên được áp dụng cho cả du khách người Nhật và du khách nước ngoài rời khỏi nước này bằng đường thủy hoặc đường hàng không - do luật cấm phân biệt quốc tịch tại Nhật. Trẻ em dưới 2 tuổi và hành khách quá cảnh trong vòng 24 tiếng sẽ được miễn thuế.
Ngoài Nhật, một số nước như Mỹ, Australia và Hàn Quốc cũng áp dụng thuế xuất cảnh tương tự. Mỹ áp mức phí gần 14 USD đối với du khách quốc tế, trong khi Australia và Hàn Quốc tính phí lần lượt là 46,5 USD và 9 USD.
Người Nhật có vui vẻ đóng "phí chia tay"?
Giống như tất cả các quyết định áp thuế khác trên thế giới, "phí chia tay" cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân Nhật Bản. Một khảo sát không chính thức trên internet cho thấy, trong 3.000 người trả lời thì có tới 57,8% số người phản đối luật này. Họ cho rằng loại lệ phí mới có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của những du khách có ngân sách eo hẹp.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật đưa ra thống kê cho thấy, mỗi khách quốc tế đến Nhật chi tiêu tới 150.000 Yen nên số tiền 1.000 Yen "phí chia tay" không là gì cả. Nên họ không sợ vì mức phí này mà mất khách du lịch.
Ngược lại, Nhật Bản cho rằng họ sẽ được nhiều hơn mất khi áp dụng thu "phí chia tay" đối với cả khách nước ngoài và công dân Nhật Bản khi xuất cảnh - ở đây tôi xin nhấn mạnh là tất cả mọi người, không chỉ thu của người dân Nhật Bản ra nước ngoài.
Với 31,2 triệu lượt khách trong năm 2018, dự kiến tăng lên 40 triệu lượt khách vào năm 2020 khi nước này đăng cai Thế vận hội Mùa hè Olympic và Paralympic Games, khoản "phí chia tay" sẽ đem về cho Nhật 40 tỷ Yen (khoảng 36 triệu USD) - một con số khổng lồ.
Vậy Nhật dùng số tiền trên để làm gì?
Đương nhiên, hàng tỷ Yen Nhật từ "phí chia tay" sẽ được dùng để phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ người dân và du khách quốc tế. Đặc biệt, hôm 18/4 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản ra quy định hạn chế sử dụng tiền thu được từ thuế xuất cảnh cho các dự án không liên quan tới du lịch, đáp lại loạt chỉ trích rằng khoản thu thuế được dùng cho những mục đích khác.
Và người Nhật nói là làm, gần đây nhất , họ đã đưa vào vận hành hệ thống check vân tay khi xuất nhập cảnh.
Với người chưa tới Nhật bao giờ chưa có dữ liệu vân tay thì không ích gì, nhưng với dân Nhật hoặc những người đang sống ở Nhật, chỉ cần đúng dữ liệu vân tay là thủ tục xuất nhập cảnh cũng đơn giản và nhanh hơn nhiều, không cần qua hàng loạt các khâu kiểm tra thủ tục dưới những ánh mắt dò xét không mấy thiện cảm của các nhân viên hải quan.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng sai ở đâu?
Có một điều ít người biết tới, ông Nguyễn Quốc Hưng ngoài tư cách là ĐBQH đoàn Hà Nội còn là nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Với trình độ chuyên môn cao về ngành Du lịch, tôi tin đề xuất của ông đưa ra tại nghị trường Quốc hội không phải là vô căn cứ, "sính ngoại" hay "học đòi theo Tây" như nhiều người nhận xét.
Có thể, với những kinh nghiệm công tác hàng chục năm ở Tổng cục Du lịch, ông Hưng đã nhận thấy một nguồn thu ngân sách không nhỏ có thể chảy về Việt Nam nhờ lượng người xuất cảnh mỗi năm.
Theo tôi, "phí chia tay" nếu được áp dụng ở Việt Nam hoàn toàn có thể mang về nguồn thu lớn, với điều kiện tiên quyết: Thu từ du lịch phải dùng để đầu tư cho các dự án liên quan đến du lịch.
Mức phí từ 3-5USD (tức khoảng 70.000 - 110.000 đồng) chỉ tương đương từ 2-3 bát phở bò dân Việt ăn hàng ngày, chẳng đáng là bao so với số tiền chi tiêu khi đi du lịch nước ngoài.
Báo cáo của bộ Công an trình ra Quốc hội cho thấy, tổng lượng khách Việt xuất cảnh ra nước ngoài năm 2018 là 9,6 triệu người. Trong khi đó con số khách quốc tế đến Việt Nam cũng trong năm 2018 là 15,5 triệu người.
Nếu thu 3-5USD/người - khoản "phí chia tay" đem về mỗi năm sẽ là 75 - 125 triệu USD, riêng của khách quốc tế khi xuất cảnh khỏi Việt Nam sẽ là 45- 80 triệu USD/năm.
Vậy tại sao người dân có thể chi cả chục triệu đi du lịch nước ngoài lại phản đối đóng vài chục nghìn đồng cho "phí chia tay"?
Ắt hẳn ai từng đi qua khâu kiểm soát xuất nhập cảnh cũng một lần run vì nét mặt "đóng băng" của các cán bộ kiểm soát, khác hẳn với thái độ phục vụ niềm nở, tươi cười của nhân viên Nhật, Singapore hay Thái Lan mà tôi từng đi qua.
Tại sao người dân đã đóng đủ mọi loại thuế phí nhưng vẫn phải kêu trời vì chất lượng dịch vụ, sân bay ùn ứ, máy bay trễ giờ liên tục, thái độ nhân viên như băm như bổ vào mặt hành khách?
Tại sao "Việt Nam rừng vàng biển bạc" mà chưa biết cách làm du lịch, hiện tượng "chặt chém" diễn ra nhan nhản để người dân ngán ngẩm, ngày càng ưa thích các tour du lịch nước ngoài?
Nếu có một ngày cán bộ xuất nhập cảnh luôn nở nụ cười; máy bay đến giờ là cất cánh; sân bay, bến tàu sạch đẹp như bên nước bạn... tôi tin đại bộ phận người dân sẽ ủng hộ đề xuất thu "phí chia tay".
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả