Tổng thống Putin: Lãnh đạo nước Nga như một vận mệnh
Tổng thống Vladimir Putin bước vào nhiệm kỳ thứ 4. Chiến thắng này của nhà lãnh đạo Nga dường như là kết quả được báo trước. Lẽ đơn giản bởi không có ai đủ sức nặng và uy tín để đánh bật ông trong cuộc bầu cử.
Nhiều người cho rằng những thành công của ông trong việc “chèo lái” nước Nga đến từ khả năng thiên bẩm. Những người khác lại khẳng định chính qua đào tạo chuyên nghiệp cũng như rèn giũa qua nhiều vị trí công việc khác nhau mới tạo nên một vị lãnh đạo kiệt xuất của xứ sở Bạch dương. Nhưng dù sao đi nữa thì vận mệnh đã gắn ông Putin với vai trò người dẫn dắt nước Nga.
Ngược dòng thời gian, không ít người cho rằng quyết định sáng suốt và mang đậm dấu ấn nhất của Tổng thống Yeltsin là việc ông từ chức trước nhiệm kỳ và lựa chọn ông Putin là quyền Thủ tướng Nga. Điều này không phải không có lý. Giữa khi nước Nga đang ở trong thời kỳ đầy giông bão, nền kinh tế chìm đắm trong khủng hoảng, năm 1999, ông Putin xuất hiện trên chính trường Nga và nhanh chóng tạo lập được vị thế.
Đưa nước Nga hùng mạnh trở lại
Ông Putin đã ghi vào lịch sử Nga như là vị Tổng thống nắm giữ nhiều nhiệm kỳ nhất và được người dân yêu quý ủng hộ ở mức cao. Năm 2000, ông chính thức được người Nga tín nhiệm bầu vào vị trí người đứng đầu đất nước và trải qua 2 nhiệm kỳ thành công rực rỡ. Năm 2008, ông trở thành Thủ tướng Nga rồi lại trở lại đỉnh cao quyền lực từ năm 2012 cho tới nay.
Dấu ấn Tổng thống Putin để lại trong những thành công của nước Nga là quá lớn. Ông chính là người đưa nước Nga trở lại chính trường thế giới, yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn. Dưới thời ông Putin, kinh tế nước Nga được phục hồi, quân đội được đổi mới và hiện đại hóa. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của Nga cũng như đảm bảo an ninh, ổn định trên thế giới. Bên cạnh đó, việc Syria được giải phóng toàn bộ khỏi chủ nghĩa khủng bố quốc tế với sự giúp đỡ của quân đội Nga là một minh chứng về vị thế ngày càng cao của nước Nga trên trường quốc tế mà không ai có thể phủ nhận.
Sinh ngày 7/10/1952 tại Leningrad (thành phố St. Petersburg ngày nay), ông Vladimir Putin tốt nghiệp khoa Luật đại học Tổng hợp Leningrad năm 1975. Ông là Phó Tiến sĩ và sử dụng thành thạo tiếng Đức. Ông trở thành điệp viên, phục vụ tại cục Tình báo đối ngoại của uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) ngay sau khi tốt nghiệp.
Trong quãng thời gian 1985-1990, ông đã làm điệp viên tại thành phố Dresden, Đông Đức. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, khi đó ông phụ trách hoạt động tình báo của Liên Xô ở nước ngoài. Trong một lần hiếm hoi chia sẻ về quãng thời gian công tác tại KGB, người đứng đầu nước Nga cho hay trở thành điệp viên là ước mơ từ nhỏ. Ông từng chia sẻ về việc bị hấp dẫn bởi các bộ phim và tiểu thuyết về các điệp viên. Những năm công tác ở KGB cũng là quãng thời gian quan trọng giúp ông rèn giũa bản lĩnh cứng rắn của mình.
Trong những năm 1991-1992, ông làm Chủ tịch uỷ ban Quan hệ đối ngoại của toà thị chính St. Petersburg. Từ năm 1992 đến 1994 ông làm Phó Thị trưởng thứ nhất St. Petersburg kiêm Chủ tịch uỷ ban quan hệ đối ngoại của thành phố. Từ năm 1996 đến 1997, ông được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng phủ Tổng thống Nga. Con đường thẳng tiến tới chiếc ghế Tổng thống Nga bắt đầu từ đó.
Là người nắm giữ trọng trách dẫn dắt nước Nga, ông Putin luôn thể hiện sự cứng rắn, cương quyết và đưa nước Nga vượt qua những thách thức. Điều này phần nào được thể hiện qua những phát ngôn của ông chủ Điện Kremlin.
“Nhiệm vụ của Chính phủ không chỉ là rót mật ngọt vào cốc, mà đôi khi còn là thuốc đắng”, ông Putin đưa ra lời phát biểu này trong tuyên bố tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3 năm 2012. Đây là phát ngôn thể hiện quyết tâm của ông Putin trong việc vực dậy nền kinh tế Nga sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dù Chính phủ của ông có phải sử dụng những biện pháp không được phần đông công chúng ủng hộ.
Giới quan sát đánh giá, những thành tựu mà nước Nga ngày nay có được là nhờ ông Putin đã biết sử dụng nghệ thuật lãnh đạo phù hợp với điều kiện của nước Nga, trong đó nổi bật là việc thể hiện thái độ cứng rắn, biết tận dụng tài nguyên dầu khí và nghệ thuật hun đúc tinh thần dân tộc.
Ông Putin đã dẫn dắt nước Nga với sự khéo léo và uyển chuyển của một vận động viên Judo, cùng sự thông minh và làm chủ cuộc chơi của người đánh cờ, hướng đến mục tiêu “đưa nước Nga hùng mạnh trở lại”. Mục tiêu đó được thực hiện bền bỉ qua gần 2 thập niên và khả năng sẽ tiếp tục ở nhiệm kỳ thứ 4 của ông.
Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, Judo đối với người đứng đầu chính quyền Nga còn là một phương tiện thể hiện quyền lực mềm một cách hữu hiệu. Không có môn thể thao nào mà ông Putin đưa các mục tiêu chính trị và truyền thông vào nhiều như vậy. Nước Nga dưới thời lãnh đạo của ông đã biến thể thao thành một nhân tố trung tâm về chính sách ngoại giao và gây dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, theo nhật báo Pháp Libération.
Năm 2008, ông Putin đã được Liên đoàn Judo quốc tế (IJF) mời làm chủ tịch danh dự, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên nắm giữ vị trí chủ tịch danh dự của tổ chức này. Năm 2012, ông được IJF phong là võ sĩ "bát đẳng huyền đai Judo", một cấp bậc mà không phải bất cứ một võ sĩ chuyên nghiệp đẳng cấp nào cũng có thể đạt được. Trong một tuyên bố công khai với báo chí, ông Marius Vizer, Chủ tịch IJF từng khẳng định: "Là chủ tịch danh dự của IJF, một võ sư Judo và là nguyên thủ của một quốc gia nổi bật, ông Vladimir Putin chính là vị đại sứ hoàn hảo cho môn thể thao Judo".
Không tìm được người kế nhiệm
Có người thậm chí từng nói đùa rằng, Tổng thống Putin giỏi làm tất cả mọi việc, trừ một việc, đó là tìm ra người kế nhiệm chính mình.
Dù đắc cử trong cuộc bỏ phiếu năm nay nhưng quy định của Hiến pháp Nga giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với chức danh Tổng thống sẽ không cho phép ông Putin tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nước Nga sau năm 2024. Điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề về tương lai của nước Nga thời kỳ hậu Putin.
“Bối cảnh chính trị của nước Nga đang bước vào một giai đoạn mới. Hầu hết các cuộc thảo luận trong giới tinh hoa ở Nga đều không tập trung vào giai đoạn tiếp theo của kỷ nguyên Putin, mà là kỷ nguyên hậu Putin”, Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn Điện Kremlin, nhận định.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Nga Vygaudas Usackas cho biết những rủi ro đặt ra cho chính quyền Nga rất cao. “Đây là thời khắc rủi ro đối với hệ thống chính quyền Nga”, cựu Đại sứ Usackas cho biết.
Tổng thống Putin có ít nhất 3 lựa chọn. Ông có thể “học” theo Trung Quốc và tìm cách thay đổi quy định giới hạn nhiệm kỳ trong hiến pháp để kéo dài thời gian tại nhiệm mãi mãi. Lựa chọn thứ hai là ông có thể tạm trao quyền lãnh đạo cho một người nào đó và sau đó quay trở lại. Cách thứ ba ông có thể làm là đề cử người kế nhiệm và rút khỏi chính trường.
Mỗi lựa chọn đều ẩn chứa những rủi ro nhất định và Tổng thống Putin có thể cũng đã có những lựa chọn của riêng ông. Là một cựu điệp viên tình báo, ông đã quá quen với việc giữ bí mật và sẵn sàng có những động thái gây bất ngờ. Hai nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết hiện vẫn chưa có kế hoạch khi nào ông Putin sẽ từ bỏ vai trò lãnh đạo nước Nga. Vấn đề này nhạy cảm tới mức hai nguồn tin chỉ đồng ý chia sẻ với điều kiện giấu tên.
Vai trò của Tổng thống Putin đã “ăn sâu” vào hệ thống chính trị Nga tới mức nhiều thành viên trong chính quyền Nga vẫn không thể tưởng tượng ra rằng, liệu còn nhà lãnh đạo nào có thể thay thế ông Putin hay không. Nhiều doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng lớn tại Nga cho biết họ vẫn chưa nhận thấy sự thay đổi nào trong vị trí lãnh đạo nước Nga khi nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống Putin kết thúc.
“Vẫn chưa có các cuộc thảo luận bên lề nào về việc kế nhiệm (Tổng thống Putin). Dường như mọi người vẫn nghĩ rằng ông ấy sẽ tại nhiệm mãi mãi”, một nguồn tin Chính phủ Nga cho biết.
Nếu Tổng thống Putin muốn thay đổi hiến pháp để có thể tiếp tục kéo dài thời gian công tác sang nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, ông cần sự ủng hộ của ít nhất 2/3 nghị sĩ tại Hạ viện, ¾ nghị sĩ tại Thượng viện và sự phê chuẩn của 2/3 cơ quan lập pháp khu vực. Mặc dù các đồng minh của Điện Kremlin đều hiện diện “áp đảo” tại các thể chế này, song ông Putin từng tuyên bố ông sẽ không thay đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo.Trả lời câu hỏi của một phóng viên rằng liệu ông Putin có ý định tranh cử sau năm 2024 hay không khi những kết quả kiểm phiếu hôm 18/3 cho thấy đương kim Tổng thống Nga thắng áp đảo, ông chủ Điện Kremlin bật cười: “Những gì bạn vừa nói khá buồn cười. Hãy đếm xem… Tôi sẽ nắm giữ vị trí này đến khi tôi 100 tuổi ư? Không đâu!”.