img

Trách nhiệm liên đới của cán bộ khi người thân “làm càn”

Thanh Lam - Thu Huyền

Sự việc bà Bùi Thị Mai Liên - vợ Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng lừa hàng trăm tỷ đồng, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của người chồng khi xảy ra sự việc.

Nhức nhối “căn bệnh” cũ

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam Bùi Thị Mai Liên (SN 1974, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp thuộc sở Tư pháp Lâm Đồng, là vợ ông Đoàn Xuân Sơn (SN 1972 - là Giám đốc Sở này) cùng 3 bị can là cán bộ 2 phòng công chứng để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng.

Nạn nhân phần lớn là cán bộ, công chức, viên chức… đang công tác tại cơ quan Nhà nước như: UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh ủy, các sở, ngành… Để làm được điều này, Liên đã lợi dụng địa vị của chồng, vị trí xã hội của mình và trưng ra một số giấy tờ về bất động sản để lấy niềm tin “con mồi”.

Khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương thể hiện sự bức xúc: “Tất cả những người để vợ, chồng, con, bố, mẹ liên quan đến việc trục lợi đều phải giải trình và chịu trách nhiệm. Nếu đồng lõa với vợ con thì mức xử lý khác nhau, còn nếu không để ý đến thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì đó là căn bệnh quan liêu, đến người thân trong gia đình mình còn không quan tâm thì quan tâm được ai?”.

img

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ vụ việc cụ thể, ông Hùng cho hay cần phải đối chiếu bản tường trình, sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra quyết định xử lý. “Bất luận thế nào thì sự việc ở Lâm Đồng là một vi phạm. Người chồng phải giải trình và tỉnh Lâm Đồng phải kiểm điểm chồng ở hai cương vị là về mặt Đảng và chính quyền”, ông Hùng nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói rằng, cơ chế để chống việc đưa người thân cán bộ vào trong bộ máy, lợi dụng chức vụ quyền hạn đã có.

“Trong phát biểu chỉ đạo về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Cơ chế đã có, còn việc thực hiện và đề bạt cán bộ cần phải được làm một cách công tâm, đừng để mất niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị của nước nhà”, vị này nhấn mạnh.

img

Bà Bùi Thị Mai Liên.

Trách nhiệm liên đới của Giám đốc sở Tư pháp đến đâu?

Theo dõi vụ việc, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo Quy định 102/QĐ-TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, khi vợ (hoặc chồng) là cán bộ công chức bị khởi tố bắt tạm giam thì phải xem xét hình thức kỷ luật với chồng (hoặc vợ) đang đương chức.

Ngoài ra, theo khoản 3, Điều 20, luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, kí hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

img

Luật sư Tạ Anh Tuấn.

Như vậy, trong vụ việc này, trường hợp bà Bùi Thị Mai Liên (giữ chức vụ Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp) là vợ ông Đoàn Xuân Sơn (Giám đốc sở Tư pháp Lâm Đồng) thực hiện các chức năng nhiệm vụ không liên quan đến tài chính và nhân sự nên không thuộc diện điều chỉnh của quy định trên.

Tuy nhiên, luật sư Tuấn cho rằng, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng nếu làm rõ được việc ông Sơn có dính líu đến vụ việc này với tư cách là đồng phạm hay chủ mưu thì sẽ có hướng xử lý nghiêm khắc hơn.

Những vụ vợ “dựa hơi” chồng cán bộ để chiếm đoạt tài sản

Đã xảy ra không ít các trường hợp chồng là cán bộ có chức quyền, vợ dựa vào đó để lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc và tài sản của người khác. Hiện tượng này không còn là cá biệt, cảnh báo là cần thiết nhưng xử lý mạnh tay lại còn cần thiết hơn.

Có thể kể đến vụ vợ lừa đảo chiếm đoạt gần 40 tỉ đồng, chồng bị mất hết chức vụ trong Đảng, mất chức Phó Bí thư xảy ra ở xã Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Vụ việc vợ của nguyên cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bị bắt giam vì lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của nhiều người.

Ngoài ra, có những trường hợp cả hai vợ chồng đều là cán bộ Nhà nước “song kiếm hợp bích” lừa đảo để rồi “dắt tay” nhau vào tù. Có thể kể đến như vụ vợ chồng kiểm sát viên ở Bắc Giang lừa bán nhà cho 3 người rồi chiếm đoạt 10 tỷ đồng. Hay vợ chồng cựu phó Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ (ban Dân vận Trung ương) chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng…

Để vợ lợi dụng “mác”lãnh đạo nhằm trục lợi là không thể chấp nhận được

PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi ghi nhận ý kiến khách quan từ ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) khi bàn về công tác bổ nhiệm đề bạt người thân của lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Nhà nước.

img

ĐBQH Hồ Thị Minh chia sẻ với PV.

Thưa đại biểu, sự việc người vợ Giám đốc sở Tư pháp Lâm Đồng lừa hàng trăm tỷ đồng đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Điều này khiến dư luận hoài nghi về việc vợ “dựa hơi” chồng để làm chuyện khiến dư luận bất bình, vậy bà nhìn nhận như thế nào về vụ việc này?

Hằng năm, trong các cuộc họp kiểm điểm cán bộ, chúng ta đã nói đến trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo là phải tuyên truyền người thân trong gia đình thực hiện, chấp hành tốt hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của Đảng.

Cho nên, để xảy ra vụ việc như nêu trên, theo tôi trước hết phải thấy trách nhiệm của người chồng rất lớn. Bởi, người chồng là lãnh đạo mà để vợ lợi dụng “mác” làm lãnh đạo nhằm trục lợi như vậy là không thể chấp nhận được. Đừng nói vợ làm mà chồng không biết, có chuyện cố tình lờ đi để người thân vi phạm hay không cần phải làm rõ.

Vì vậy, theo tôi cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm liên đới của người chồng. Bởi, không người ngoài nào biết chuyện mà lại để cho người không quen biết làm càn. Chắc hẳn, phải nhờ vai vế, uy lực của chồng mới làm được những điều bất chấp cả dư luận, luật pháp. Chúng ta cần phải rà soát lại để thấy được cơ chế ràng buộc trách nhiệm của người lãnh đạo.

Quan điểm của tôi là vừa xử lý người trực tiếp gây ra hậu quả, cũng vừa xử lý người chịu trách nhiệm liên đới khi để người thân vi phạm. Phải xem xét có nên bố trí những người cán bộ, lãnh đạo đó nắm giữ những chức vụ, vị trí quan trọng nữa hay không, nhất là trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta phải cương quyết loại bỏ, thanh lọc những người như vậy ra khỏi tổ chức.

Việc “một người làm quan cả họ được nhờ” đã là câu chuyện không hiếm gặp, nhưng trong xã hội hiện nay. Vậy theo ĐBQH việc xử lý những sai phạm do người thân cán bộ gây ra đã đủ sức răn đe?

Khi sắp xếp, bố trí cán bộ mà để “quan hệ - tiền tệ - hậu duệ” chi phối trong một cơ quan thì người làm tổ chức cán bộ phải hết sức tính toán. Bởi, hiện nay không có quy định nào cấm người thân làm cùng một cơ quan nhưng vẫn có sự nhạy cảm nhất định. Có những địa phương vẫn còn tồn tại cả họ làm quan, hoặc nhiều người thân trong gia đình làm việc trong bộ máy Nhà nước, điều này cũng khiến tôi rất trăn trở.

Vai trò kiểm tra, giám sát quy trình bố trí sử dụng cán bộ có đúng hay không? Khi phát hiện ra sai phạm có xử lý nghiêm hay không? Tôi thấy có những vụ việc được làm đến nơi đến chốn, nhưng cũng có những vụ việc làm nửa vời khiến người dân mất niềm tin.

Việc xử lý những người thân của cán bộ khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi vẫn chưa được triệt để, một số nơi, một số chỗ còn hình thức. Vì không có tính răn đe cao nên vẫn cứ tiếp tục tái phạm nay ở tỉnh này mai ở tỉnh khác, nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Vậy cần phải làm thế nào để những sai phạm này khi xảy ra phải được xử lý nghiêm?

Tôi cho rằng cần kiên quyết xử lý cả người cán bộ lãnh đạo để người thân vi phạm, không bố trí vào những vị trí quan trọng nữa. Có như vậy, những cán bộ, người thân cán bộ mới sợ, chứ còn xử lý ở mức nhắc nhở, kiểm điểm, phê bình… chỉ mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, việc người thân của lãnh đạo làm sai mà chờ lãnh đạo từ chức là khó. Văn hóa từ chức ở nước ta là điều quá xa vời, chuyện chỉ có trên giấy tờ còn trên đời thực không có. Vì vậy, cần có hệ thống văn bản thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh chồng chéo và cần cương quyết loại khỏi bộ máy những lãnh đạo thiếu phẩm chất đạo đức, thiếu tính nêu gương.

Xin cảm ơn những chia sẻ của đại biểu!

T.L - T.H

img